Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến Dự thảo “Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Người viết là giáo viên trung học phổ thông có đôi điều chia sẻ về bức tranh tuyển sinh đại học hiện nay.
“Xét tuyển sớm” nhưng đa dạng phương thức xét tuyển
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18 như sau:
“Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.”
Ngay lập tức, nhiều ý kiến bàn luận về khái niệm “xét tuyển sớm” và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ khái niệm trên. Kịp thời, đại diện phía Bộ Giáo dục và Đào tạo là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định “xét tuyển sớm” không phải là “phương thức xét tuyển”, 2 khái niệm này hoàn toàn khác nhau, “xét tuyển sớm” là xét tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trước đợt xét tuyển chung theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ tổ chức sau khi có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 20 phương thức xét tuyển đại học như sau:
Như vậy, bất kỳ đợt xét tuyển nào, các trường cũng có thể sử dụng các phương thức xét tuyển trên. Nhưng xét tuyển sớm thì không thể sử dụng được phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trong 20 phương thức trên, 4 phương thức phổ biến nhất để xét tuyển sớm là:
Một là, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: đối tượng là học sinh từng tham gia các cuộc thi quốc tế như Olympic quốc tế, khoa học kỹ thuật quốc tế; đạt giải học sinh giỏi quốc gia; học sinh tại các huyện nghèo; học sinh xuất sắc nhất trường trung học phổ thông.
Hai là, xét kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy: đối tượng là học sinh có tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; hoặc kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Ba là, xét chứng chỉ quốc tế: đối tượng là học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL, ACT, SAT,…
Bốn là, xét học bạ cấp trung học phổ thông: đối tượng là học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 12 (điểm mới trong dự thảo). Phương thức này được nhiều trường đại học và học sinh chọn, tùy trường mà có tiêu chí xét tuyển khác nhau.
Ngoài ra, các trường đại học cũng có thể xét tuyển theo nhiều phương thức khác theo đề án của trường mình như: xét kết hợp kết quả học bạ với điểm thi năng khiếu, xét kết hợp học bạ với chứng chỉ quốc tế,...
Thí sinh làm gì sau khi có kết quả “xét tuyển sớm”?
Mỗi trường có đề án xét tuyển sớm riêng nên mỗi trường có quy định khác nhau về phương thức và khung thời gian. Học sinh cần theo dõi thông tin của từng trường xét tuyển.
Sau khi trường tổ chức xét tuyển, sẽ thông báo kết quả và đưa lên Hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh phải chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Cần lưu ý, học sinh có kết quả xét tuyển sớm không có nghĩa là đã trúng tuyển đại học. Kết quả trúng tuyển chỉ được công nhận chính thức khi thí sinh đã được công nhận đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và có đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngành mà học sinh đủ điều kiện, được công nhận trúng tuyển trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khi học sinh có tên trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển sớm của trường, học sinh tiếp tục đăng ký ngành học đó ở nguyện vọng 1 trên Hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lúc đó, học sinh đã trúng tuyển chính thức vào trường đại học nộp hồ sơ xét tuyển. Đây là điểm mới của xét tuyển sớm để tránh hồ sơ ảo.
Nhiều phương thức xét tuyển có mở ra nhiều cơ hội cho học sinh?
Nhiều phương thức xét tuyển chắc chắn mở ra nhiều cơ hội cho học sinh nhưng cũng có nhiều hạn chế. Thời điểm này, học sinh lớp 12 cũng khá sốt sắng vì chưa có Quy chế xét tuyển đại học chính thức. Học sinh vừa tích cực học tập vừa theo dõi thông tin, tìm hiểu về phương thức xét tuyển của các trường.
Đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình mới với nhiều thay đổi về hình thức thi, số môn thi, cấu trúc, định dạng đề thi, câu hỏi thi nên học sinh cũng thấp thỏm.
Hơn nữa, mỗi trường lại công bố phương án tuyển sinh riêng nên học sinh phải đầu tư nhiều cho các kỳ thi riêng của các trường.
Chẳng hạn, trường đại học khối công an, quân đội đang xây dựng phương án tổ chức kỳ thi riêng với cấu trúc đề riêng; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,… cũng tổ chức kỳ thi riêng với cấu trúc đề thi riêng buộc học sinh phải tìm hiểu và cân não lựa chọn.
Dự kiến năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo khống chế xét tuyển sớm còn 20% tổng chỉ tiêu của trường nhưng vẫn cho phép các trường xét tuyển nhiều phương thức, điều đó gây khó khăn cho học sinh trong việc chọn lựa.
Sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường tiếp tục xét tuyển cho đủ chỉ tiêu với nhiều phương thức nên “siết” xét tuyển sớm chỉ có tác dụng tạm thời là chống tình trạng học sinh lơ là học tập mà thôi.
Theo người viết, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấp nhận cho xét tuyển sớm với nhiều phương thức khác nhau thì không nên giới hạn tỷ lệ 20%. Bởi học sinh muốn trúng tuyển chính thức, học sinh phải đỗ tốt nghiệp; nhất là với Chương trình mới, cấu trúc đề minh họa có tính phân hóa cao, học sinh phải nỗ lực học tập.
Còn nếu khống chế tỷ lệ 20%, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, việc tuyển sinh đại học giữa các trường có những cạnh tranh nhất định để hút thí sinh trúng tuyển sớm, điều này sẽ gây áp lực không nhỏ cho học sinh.
Theo người viết, hoặc là không giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm, hoặc là bỏ hẳn xét tuyển sớm, chỉ tổ chức xét tuyển sau khi hoàn thành thi tốt nghiệp. Có như vậy, học sinh không bỏ học để chạy đôn chạy đáo làm hồ sơ nộp xét tuyển. Chính hồ sơ mới là nguyên nhân chính khiến học sinh mất tập trung học chứ không phải học sinh có thái độ lơ là học tập. Nguyên nhân thứ hai là mấy năm gần đây, tỷ lệ thi tốt nghiệp của cả nước rất cao khiến học sinh chủ quan trong việc học.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.