Ngành GD từng có 30 năm quy đổi thời gian chấm bài Ngữ văn thành tiết dạy

11/12/2024 06:42
Trần Văn Tâm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 49 (tồn tại từ 1979 - 2009) hướng dẫn quy đổi thời gian chấm bài thành tiết dạy.

Ngày 20/11, tại nhà Quốc hội, trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) có nêu đề xuất:

"Về chế độ làm việc của nhà giáo, do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ về chế độ làm việc, đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần."

Một quá trình dạy học gồm có 4 thành tố quan trọng là mục tiêu dạy học; nội dung dạy học; phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Trong đó, kiểm tra, đánh giá là thành tố cuối cùng gồm 2 bước là kiểm tra năng lực người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình; đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh.

Kiểm tra đánh giá đối với môn Ngữ văn bằng điểm số, dù kiểm tra theo hình thức nào (bài kiểm tra, bài thực hành, dự án học tập) thì giáo viên cũng phải chấm điểm (khác với môn nhận xét).

chamthi.jpg
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Trong các môn dạy, Ngữ văn là 1 trong 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) có số cột điểm nhiều nhất trong năm học. Ngoài 4 cột đánh giá định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ) thì môn Ngữ văn (và Toán, Ngoại ngữ) có 8 cột đánh giá thường xuyên; các môn khác có từ 4 đến 6 cột.

Tuy nhiên, chỉ có môn Ngữ văn vẫn làm bài thi tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên các bài kiểm tra trong lớp, giáo viên chuộng hình thức kiểm tra tự luận hơn nhằm rèn luyện khả năng lập luận của học sinh.

Có thể nói, khâu chấm bài kiểm tra là vất vả, chiếm mất nhiều thời gian của giáo viên ngoài giờ lên lớp. Nhất là trong bối cảnh thực hiện Chương trình mới, đề kiểm tra không dùng lại ngữ liệu đã dạy trên lớp, hệ thống câu hỏi khuyến khích ra theo hướng mở, học sinh sẽ thể hiện quan điểm cá nhân phong phú, đòi hỏi người chấm bài vừa tốn công vừa tốn sức gấp nhiều lần hơn so với chương trình cũ.

Trước đề xuất của đại biểu Quốc hội, có khá nhiều ý kiến tranh luận. Thực tế, trong thời gian 30 năm (1979 - 2009), đã có quy định hướng dẫn quy đổi công chấm bài của giáo viên thành tiết dạy và áp dụng chế độ chính sách theo quy định. Đó là Thông tư số 49/TT-GD (ban hành năm 1979) quy định chế độ công tác của giáo viên phổ thông.

Theo đó, việc quy đổi cho giáo viên ngữ văn được quy định tại Thông tư 49 như sau: "Mỗi tháng, giáo viên ngữ văn trường phổ thông trung học phải chấm số bài kiểm tra loại 15 phút và loại từ 1 tiết trở lên, không quá 90 bài cho mỗi loại.

Nếu chấm số bài quá số quy định trên thì cứ 45 bài loại 15 phút, tính là 3 tiết tiêu chuẩn, 45 bài loại từ 1 tiết trở lên, tính 7 tiết tiêu chuẩn.

Giáo viên dạy các bộ môn còn lại thuộc các cấp học, mỗi tháng phải chấm số bài kiểm tra không quá 135 bài, cho mỗi loại. Nếu quá số quy định đó, cứ 45 bài loại 15 phút, tính 2 tiết tiêu chuẩn, 45 bài loại từ 1 tiết trở lên, tính 4 tiết tiêu chuẩn.

Việc thực hiện việc kiểm tra học sinh nói trên phải được thực hiện theo kế hoạch của nhà trường".

Từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư số 49. Điều mới trong Thông tư 28 là không còn có quy định về chế độ chấm bài của giáo viên ngữ văn quá số tiết quy định thì được quy đổi tiết tiêu chuẩn như trong Thông tư 49.

Nhiều giáo viên lúc bấy giờ cảm thấy hụt hẫng về Thông tư 28 vì một phần thu nhập của giáo viên bị cắt bỏ, trong khi lương nhà giáo phải tằn tiện mới đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Cần bàn thêm, Thông tư 49 tồn tại trong 30 năm dài cho thấy “sức sống” của một văn bản quy phạm pháp luật. Tuy chấm bài là nhiệm vụ của giáo viên phải làm nhằm đánh giá năng lực của người học một cách thường xuyên, từ đó đề ra biện pháp kịp thời với những học sinh chưa đạt năng lực theo yêu cầu. Nhưng với giáo viên dạy nhiều lớp, nhiều học sinh thì thời gian chấm bài chiếm quá nhiều. Vì thế, đề xuất của Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành theo người viết là cần được xem xét.

Theo góc nhìn của giáo viên đang giảng dạy tại trường trung học phổ thông, người viết thấy nêu lên quan điểm của mình về vấn đề soạn bài và chấm bài quy đổi thành tiết dạy như sau:

Thứ nhất, quy đổi thời gian soạn bài thành tiết dạy chưa thực sự hợp lý

Đề nghị này cho thấy sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội đối với nhà giáo hiện nay. Phải nói rằng, để thực hiện Chương trình mới, tất cả thầy cô giáo đều nỗ lực, tích cực đổi mới phương pháp, kiểm tra, đánh giá nhằm đáp ứng đúng mục tiêu của chương trình như một quy luật tất yếu của nghề giáo trong quá trình vận động và phát triển, hội nhập thế giới.

Nhưng theo người viết, việc quy đổi thời gian soạn bài (kế hoạch bài dạy) thành tiết dạy là không thuyết phục, bởi vì muốn dạy học có chất, thu hút học sinh thì người dạy phải chuẩn bị kế hoạch bài dạy trước khi lên lớp. Cần nhìn nhận rằng, công việc soạn giảng là trách nhiệm, danh dự của nhà giáo thì ắt người dạy sẽ đầu tư nghiêm túc hơn là tính công để hưởng chế độ.

Và rõ ràng chỉ nên xem kế hoạch giáo dục chỉ là phương tiện lên lớp, không quan trọng hóa đến mức quy định chi tiết, tiểu tiết.

Tất nhiên phải theo mẫu quy định của công văn 5512/BGDĐT-GDTrH (soạn đủ quy trình 4 hoạt động trong kế hoạch bài dạy) để thuận tiện trong quản lý. Bởi trong thực tế, thời gian qua có cơ sở giáo dục lấy các phụ lục trong Công văn 5512 triển khai máy móc ở trường mình, vô tình gây áp lực cho giáo viên.

Kế hoạch giáo dục rất quan trọng nhưng chỉ là điều kiện cần, còn kết quả đánh giá năng lực người học là điều kiện đủ của mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông. Là giáo viên khi lên lớp muốn làm chủ lớp học, cuốn học sinh theo tiến trình bài dạy nhịp nhàng thì trước tiên giáo viên phải nắm chắc kiến thức bài dạy và dự định phương cách truyền tải thông tin kiến thức đến người học bằng con đường dễ tiếp nhận nhất.

Hơn nữa, giáo viên dạy học Ngữ văn cũng chỉ xoay quanh 3 bộ sách hiện hành (Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống). Người dạy chỉ đầu tư trong lần soạn giảng đầu tiên thì những năm sau chỉ cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đối tượng và yêu cầu cần đạt của chương trình nên không mất nhiều công sức và thời gian.

Một người thầy nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trò và có lòng tự trọng nghề nghiệp chắc chắn sẽ trăn trở sau những tiết dạy không ưng ý. Tiền bạc nào quy đổi được tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo trong sự nghiệp trồng người.

Thứ hai, quy đổi thời gian chấm bài thành tiết dạy

Hiện nay, giáo viên chấm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn được trả tiền theo ngày (hoàn thành 20 bài/ 1 giám khảo/ 1 ngày), có nơi trả 1,2 triệu đồng/ngày, không còn trả tiền theo đơn vị bài nữa.

Chấm bài kiểm tra tại lớp, tại trường tuy mức độ áp lực nhẹ nhàng hơn nhưng cũng chiếm nhiều thời gian nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên. Điều đó cho thấy khâu chấm bài kiểm tra cần thiết quy đổi thành tiết dạy để giảm bớt giờ dạy hoặc giáo viên có thêm khoản thu nhập tương xứng với thời gian, công sức đã bỏ ra.

Theo Điều 2 Luật Viên chức năm 2010, nhà giáo cũng là viên chức nên thời gian lao động cũng theo Bộ luật Lao động là 40 giờ/ tuần.

Nhưng, Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT có quy định về định mức tiết dạy đối với giáo viên như sau: Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần (1 tiết 35 phút), giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần và giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần (1 tiết 45 phút).

Như vậy, nếu giáo viên dạy đủ định mức nghĩa là đủ chuẩn thời gian lao động theo quy định nên đề xuất của Đại biểu Thái Văn Thành là hoàn toàn có cơ sở, cần xem xét, thảo luận thỏa đáng.

Ngoài ra, giáo viên còn tham gia nhiều hoạt động khác trong nhà trường cũng cần quy đổi thành tiết dạy như hướng dẫn học sinh lao động, hướng dẫn học sinh tham quan trải nghiệm, hướng dẫn học sinh thi khoa học kỹ thuật, dạy bù ngày nghỉ lễ, tham gia hội thảo chuyên môn, tham gia các hội thi,…

Tóm lại, soạn bài là quy định bắt buộc của nghề giáo chuẩn bị cho tiết dạy, không có kế hoạch bài dạy thì không thể có tiết dạy tốt. Kế hoạch bài dạy là phương tiện dạy học của giáo viên nên không cần quy đổi thành tiết dạy.

Còn đối với chấm bài, mỗi năm giáo viên chấm bài với số lượng bài nhiều, vượt quá số giờ lao động nên cần quy định số lượng bài chấm bắt buộc trong năm, còn lại nên quy đổi thành tiết dạy tương ứng một cách công khai, công bằng.

Dự thảo Luật Nhà giáo đang đề xuất nhiều chính sách ưu đãi về lương và các chính sách đãi ngộ khác cho nhà giáo.

Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm của các nhà lãnh đạo đến nền giáo dục, một trong những nhân tố phát triển kinh tế xã hội và quan tâm đến nhà giáo, những người có vai trò trọng trách trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm