Mong Bộ trưởng tiếp tục vững tay chèo lái con thuyền giáo dục đi đúng hướng

20/11/2022 06:36
Minh Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng đã có những chia sẻ rất thật lòng về áp lực lớn của ngành giáo dục trong thời gian qua, để cả nước có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ về giáo dục.

20/11 năm nay, thầy cô trên cả nước hân hoan kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đặc biệt, các giáo viên mầm non có thêm sự chờ đợi, kỳ vọng vào đề xuất tăng phụ cấp gấp đôi như chia sẻ, đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vừa qua.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới bản toàn diện, giáo dục còn nhiều ngổn ngang, dịch bệnh phức tạp,…

Với bản lĩnh chính trị, am hiểu chuyên môn, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều hành có hiệu quả, trọng tâm, đề cập trực diện, đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề "nóng" của ngành.

Nhân kỷ niệm ngày 20/11, thầy giáo Minh Phương hiện đang công tác tại An Giang đã có một số chia sẻ tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự trân trọng với những quan tâm, trăn trở của Bộ trưởng, đồng thời kỳ vọng Bộ trưởng sẽ tiếp tục vững tay chèo lái con thuyền giáo dục đi đúng hướng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Vietnamnet

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Vietnamnet

Bộ trưởng Giáo dục quan tâm các ý kiến đóng góp của từng giáo viên

Sau bài viết “Đổi mới phương pháp dạy Văn, giáo viên không cần dạy hết các văn bản trong SGK” của tác giả Sơn Quang Huyến đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng đã phản hồi, chia sẻ, động viên cô Đỗ Thị Thúy Dương.

Việc này cho thấy Bộ trưởng luôn sâu sát đến giáo dục nước nhà, luôn theo dõi những ý kiến tâm huyết, những chia sẻ đóng góp của cộng đồng giáo viên cả nước.

Theo dõi bài viết trên, người viết vô cùng xúc động, Bộ trưởng dù bận rộn vô số công việc nhưng vẫn rất quan tâm đến các vấn đề chi tiết trong đổi mới giáo dục, dạy và học.

Qua trao đổi với một số giáo viên, chúng tôi đều thấy rằng thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những phát biểu, chỉ đạo rất sát sao tình hình giáo dục nước nhà, luôn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, giáo viên và luôn đánh giá cao những giáo viên tâm huyết, đổi mới, hiệu quả.

Về chính sách giáo dục, áp lực liên quan giáo viên, Bộ trưởng đã có những văn bản, chỉ đạo kịp thời như đã có chỉ đạo và ban hành Công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD về một số nội dung liên quan đến trình độ chun được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tháo gỡ những vướng mắc cho các địa phương tuyển dụng, tuyển dụng đặc cách; hợp đồng thỉnh giảng,… được giáo viên đồng tình.

Hay Công văn số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD về việc hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ sở mầm non, phổ thông theo Chuẩn năm học 2020-2021 cũng tạo được sự đồng thuận của giáo viên.

Sau khi được bổ nhiệm, Bộ trưởng đã lắng nghe và có những chỉ đạo về sửa đổi chùm Thông tư 01-04/2021 bổ nhiệm, xếp lương nhà giáo.

Tuy chưa ban hành Thông tư sửa đổi chính thức nhưng với rất nhiều đổi mới trong dự thảo được nhiều giáo viên ghi nhận, đồng tình, hoan nghênh và tin rằng Thông tư chính thức sẽ đáp ứng được mong mỏi của giáo viên, hy vọng không còn tình trạng lương cào bằng hay giáo viên giỏi hạng thấp, lương thấp.

Những phát biểu về dạy thật, học thật của Bộ trưởng như: “Toàn ngành đang quán triệt những gì là hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học thì kiên quyết sàng lọc, loại bỏ, để hướng tới đời sống giáo dục thực chất nhất; tạo sức sống mới, tinh thần mới trong giáo dục.”[1] được nhân dân đồng thuận.

Hay nội dung rất tâm huyết trong bức thư Bộ trưởng cũng gửi cho thầy cô giáo cả nước khi nhận nhiệm vụ tư lệnh ngành, những chia sẻ, động viên thầy, trò vượt qua khó khăn dạy tốt, học tốt được giáo viên đánh giá rất cao.

Người viết qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp cả nước đều chung kỳ vọng và tin tưởng với kinh nghiệm công tác trong ngành giáo dục, Bộ trưởng sẽ từng bước làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình khi được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Từng bước Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong phạm vi quyền hạn của mình đã có những chỉ đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ, rà soát các văn bản liên quan đến ngành, từng bước giảm áp lực cho giáo viên, đem lại niềm tin trong nhân dân.

Và gần nhất, với quyết tâm đưa ngành giáo dục trở lại vị thế nghề cao quý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản và tờ trình đề nghị các cơ quan chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo, nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.

Cứ mỗi buổi chiều, trong đầu tôi có vô số những chữ “phải, phải, phải”... ập đến

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có trải lòng về nhiều vấn đề dư luận bức xúc như thiếu giáo viên, thiếu sách giáo khoa,...[2]

Bộ trưởng đã có những chia sẻ rất thật lòng về áp lực lớn của ngành giáo dục trong thời gian qua, để cả nước cùng có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ và toàn diện về giáo dục.

Có thể hiểu, tất cả những áp lực về ngành như phổ cập, duy trì sĩ số, chất lượng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cơ sở trường lớp, mở rộng trường ngoài công lập, dạy thêm học thêm, bạo lực học đường, thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị,... đều là trách nhiệm của ngành giáo dục nhưng nhiều thứ ngành giáo dục không thể tự quyết được.

Bộ trưởng đã rất thật khi phát biểu chia sẻ: “Thế thì chúng ta sẽ phải làm thế nào đây trong khi chúng ta vẫn nói phải có giáo viên, phải thế này, phải thế kia… Cứ mỗi buổi chiều, trong đầu tôi có vô số những chữ “phải phải phải”,... ập đến. Nhưng tôi mong chúng ta hãy nói tiếp về vấn đề này, hãy nói sâu sắc thêm để trở thành trách nhiệm chung của quốc gia chứ không phải chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Bộ trưởng Sơn nói.

Bộ trưởng cũng nêu: “Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất”.

Bản thân người viết cũng là giáo viên có hơn 20 năm đứng trên bục giảng, chỉ với nhiệm vụ giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng, giáo viên bộ môn nhưng hàng ngày khi về nhà, người viết cũng như nhiều giáo viên khác gặp vô số áp lực từ hồ sơ sổ sách, chất lượng, xử lý học sinh,…

Từ đó để thấy rằng, Bộ trưởng - tư lệnh quản lý mọi mặt của ngành thì áp lực là vô cùng lớn, Bộ trưởng đã có những chia sẻ rất thật lòng, được chia sẻ rầm rộ trên các trang báo, diễn đàn giáo dục, được cộng đồng giáo viên rất đồng cảm, thấu hiểu và tin tưởng rằng Bộ trưởng đã nhìn thấy những bất cập, hạn chế của ngành từ đó sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.

Người viết tin rằng, 2 vấn đề khó mà ngành giáo dục hiện nay chưa tự quyết định được như chia sẻ của Bộ trưởng là giáo viên và tài chính sẽ từng bước được gỡ và được cụ thể hóa trong Luật Nhà giáo mà Bộ Giáo dục đang trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến để xây dựng.

Về chương trình mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng: "Chúng ta đặt kỳ vọng vào chương trình giáo dục phổ thông mới giải quyết được mọi thứ trong khi chúng ta thiếu mọi thứ. Đó là một sự thật”.

Bộ trưởng nêu thêm “Tuy nhiên, chúng ta làm "cách mạng" trong bối cảnh thiếu tất cả mọi thứ.

Giáo viên nhọc thân hơn, vất vả đầu óc hơn, nghiệt ngã hơn, áp lực hơn nhưng thù lao không hơn, điều kiện không có gì cải thiện, áp lực dư luận xã hội gia tăng, danh dự bị tổn thương,... đó là một thực tế.” [2]

Rõ ràng, Bộ trưởng nhận nhiệm vụ trong giai đoạn thực hiện chương trình mới còn ngổn ngang, thiếu mọi thứ, trong đó có cả lực lượng giáo viên thực hiện chương trình mới, các môn học mới,…nhưng ngành giáo dục lại không tự chủ được những điều trên.

Bộ trưởng đã nhìn thấy những áp lực, khó khăn, vất vả của giáo viên khi thực hiện chương trình mới.

Người viết mong với sự am hiểu của mình, Bộ trưởng tiếp tục mổ xẻ, tiếp tục nhìn thẳng vào những tồn tại bất cập trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới như việc biên soạn sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, môn tích hợp,… để những chỉ đạo cụ thể, sát sao và thay đổi cho phù hợp.

Điều nào tốt thì cần giữ, phát huy, điều nào cần bỏ, điều cần thay thế nên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia, nhà giáo dục nghiên cứu một cách cẩn trọng, thấu đáo.

Giải quyết được những bất cập chương trình mới sẽ là cơ sở, tiền đề để thực hiện các mục tiêu quan trọng hơn ở phía trước.

Bản thân người viết và những người công tác trong ngành giáo dục đều hiểu rằng, các vấn đề tồn tại trên không thể một sớm một ngày thay đổi và càng không thể giải quyết nếu không có sự đồng lòng của toàn ngành, của xã hội, các bộ ban ngành liên quan. Nhưng người viết hy vọng, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo và có được sự tham mưu chính xác từ các cục, vụ chuyên môn, sự góp ý tâm huyết từ các chuyên gia để giải quyết được những vấn đề nóng của ngành. Đồng thời, nhận được sự ủng hộ, chung tay của toàn xã hội để giải quyết các vấn đề bất cập cần thẩm quyền liên Bộ, ngành.

Mong Bộ trưởng luôn có nhiều sức khỏe, tiếp tục cống hiến hết mình cho giáo dục nước nhà, góp phần đưa giáo dục phát triển, để “dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/se-loai-bo-nhung-gi-la-hinh-thuc-gay-phien-phuc-cho-nguoi-day-nguoi-hoc-924738.ldo

[2] https://vietnamnet.vn/bo-truong-giao-duc-trai-long-ve-vo-so-chu-phai-ap-den-trong-dau-2072169.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Phương