Mong Bộ Giáo dục để ý đến nhân viên trường học, họ thiệt thòi quá rồi

05/08/2021 07:07
HOÀI THANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên và nhân viên đều là những người công tác tại trường học, đều phục vụ giáo dục, nên xếp nhân viên trường học vào ngạch viên chức giáo dục.

Hiện nay thu nhập chính thức của không ít giáo viên (giáo viên mới ra trường, giáo viên hợp đồng) từ ngân sách nhà nước so với mặt bằng chung thu nhập xã hội cũng còn bất cập, chưa tương xứng với vai trò, vị thế và đóng góp của nhà giáo.

Tuy nhiên, thực tế trong nhà trường còn có một lực lượng thiệt thòi, công việc vất vả không kém mà chế độ đãi ngộ còn thấp hơn giáo viên, đó chính là các nhân viên kế toán, văn thư, y tế học đường, thiết bị, giáo vụ,… gọi chung là nhân viên trường học họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chế độ đãi ngộ rất thấp.

Bài viết “Kiến nghị xếp ngạch viên chức đối với các nhân viên trường học” của tác giả Bùi Nam và bài viết “Nhân viên trường học đang đứng ngoài lề thông tư xếp ngạch, xếp lương của Bộ” của tác giả Nhật Khoa đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều lượt truy cập, chia sẻ và bình luận đồng tình với đề xuất của người viết về việc xếp nhân viên công tác tại các trường học là các viên chức được hưởng chế độ lương, phụ cấp, thăng hạng như giáo viên để họ yên tâm công tác.

Theo quan điểm của cá nhân người viết thì mong muốn được quan tâm, tăng thu nhập là ước mơ chính đáng và hợp lý của tất cả nhân viên trường học trong cả nước.

Tuy nhiên, cho đến nay trong khi giáo viên được ban hành Thông tư mới về xếp lương là các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì nhân viên trường học vẫn đứng ngoài lề, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy nhân viên trường học sẽ được quan tâm đúng mức, sẽ có những ưu tiên hay chí ít nhân viên trường học cũng được chế độ phụ cấp như giáo viên.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: baochinhphu.vn)

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: baochinhphu.vn)

Công việc và áp lực của nhân viên trường học không thua giáo viên

Tính chất công việc của giáo viên và nhân viên trường học có khác nhau, nhưng không thể thiếu bộ phận nào, vì một bên làm nhiệm vụ giáo dục và một bên thực hiện các công việc đảm bảo cho hoạt động giáo dục và các hoạt động khác để trường học vận hành trơn tru.

Nếu trường học chỉ có thầy và trò, ai sẽ làm lương và chế độ cho thầy cô? Ai sẽ đảm bảo công tác y tế học đường, chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu ban đầu khi thầy-trò bị bệnh/tai nạn? Ai sẽ bảo quản sách, dụng cụ dạy - học?...Ai sẽ dọn vệ sinh, trông coi bảo vệ tài sản của nhà trường cũng như thầy và trò...?

Những công việc quan trọng của trường như duyệt văn bản, duyệt văn phòng điện tử, lưu trữ công văn, xử lý văn bản, xử lý các công việc thư viện, thiết bị, tính toán lương, thu nhập, báo cáo, bảo hiểm,… đều là công việc gắn với nhân viên trường học.

Hiện nay, do dịch bệnh phức tạp thì những nhân viên trường học vất vả nhất là nhân viên y tế trường học và kế toán,…

Giáo viên hầu như chỉ dạy đủ số tiết quy định và làm các công việc khác, nhân viên trường học còn vất vả hơn, thực hiện 8 giờ/ ngày, làm cả thời gian giáo viên nghỉ hè, khi công việc gấp có khi họ còn làm cả công việc vào ban đêm,… áp lực rất lớn, vất vả.

Cả hai nhóm giáo viên, nhân viên phục vụ đều công tác tại trường học, đều làm các công việc phục vụ giáo dục giúp cho trường học hoàn thành nhiệm vụ, cho nên đề xuất xếp nhân viên trường học vào ngạch viên chức giáo dục là hợp lý.

Nhưng nhân viên trường học hiện nay thiệt thòi trăm bề cả về phương diện chế độ làm việc, chế độ đãi ngộ, khen thưởng,…

Về chế độ lương, phụ cấp thì hiện nay nhân viên trường học có chế độ lương, tăng lương khá thấp, hầu như không có chế độ phụ cấp (hoặc rất thấp), hầu như nhân viên trường học thu nhập trung bình chỉ khoảng 2,5 đến 4 triệu đồng mỗi tháng là quá thấp, trong khi công việc lại rất nhiều, rất tốn thời gian.

Rất nhiều nhân viên trường học đã có bằng đại học vẫn hưởng lương trung cấp và không có phụ cấp ngoài lương.

Do thời gian làm việc tại trường hầu như 8 giờ mỗi ngày nên họ không thể làm thêm để cải thiện thu nhập, nếu chỉ mong chờ lương thì thu nhập không đủ sống.

Nhiều nhân viên trường học dù yêu nghề nhưng chấp nhận bỏ việc để đi làm công nhân hoặc đi bán hàng online, làm người giao hàng,… nên hiện nay nhân viên trường học thiếu rất nhiều, rất khó tuyển dụng nhân viên trong thời gian tới nếu không có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Không chỉ thời gian làm việc, chế độ lương, phụ cấp mà các khoản khác nhân viên trường học luôn bị thiệt thòi.

Không ít nhân viên trường học tủi phận tự ví mình như là “con nuôi”, “con ghẻ” của ngành giáo dục, hầu như các đợt xét khen thưởng của trường, công đoàn thì không có tên nhân viên trường học, thậm chí các đợt bình chọn xét nâng lương trước hạng dù đủ tiêu chuẩn nhưng cũng không tới lượt nhân viên trường học,… khi bỏ phiếu thì giáo viên chiếm số đông nên họ bị xếp phía sau, dù họ rất vất vả.

Không có nhân viên trường học thì mọi hoạt động của trường luôn bị đình trệ, ảnh hưởng rất nhiều nhưng sự hy sinh thầm lặng của họ ít được quan tâm, ghi nhận.

Kiến nghị chế độ đãi ngộ đối với nhân viên trường học như của giáo viên

Hiện nay nhân viên trường học đang xếp ngạch nhân viên nên họ có chế độ thấp, không được hưởng các khoản phụ cấp viên chức, không được quan tâm về chế độ, thời gian làm việc,... ảnh hưởng đến vật chất và tinh thần của nhân viên trên.

Các buổi tuyên truyền về sức khỏe, giáo dục giới tính, môi trường,... của nhân viên y tế cũng như là buổi dạy của giáo viên dạy học sinh.

Những buổi hướng dẫn học sinh đọc sách, giới thiệu sách hay hướng dẫn học sinh sử dụng đồ dùng, thí nghiệm,… thì nhân viên thiết bị, thư viện cũng giống như giáo viên.

Hay các buổi kế toán, y tế tuyên truyền về bảo hiểm y tế, chính sách giáo dục… thì khi đó họ là những giáo viên thực thụ. Công việc họ không khác gì giáo viên cũng dạy, giáo dục học sinh.

Không chỉ tuyên truyền học sinh, nhiều lúc họ cũng tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh,… những chính sách giáo dục.

Họ là nhân viên, nhưng khi tuyên truyền, giáo dục họ cũng như là những giáo viên thực thụ, cũng dạy, giáo dục học sinh. Nên theo người viết, đề xuất xếp nhân viên trường học vào ngạch viên chức giáo dục và hưởng chế độ như giáo viên là cần thiết, hợp lý.

Tuy nhiên, tôi thấy nhân viên kế toán được xếp lương theo quy định Bộ Tài chính hay nhân viên thư viện xếp lương theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch,… có phần không hợp lý.

Tất cả nhân viên trường học nên được xếp lương như viên chức giáo dục theo các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như vậy sẽ hợp lý, đúng đắn, động viên họ cố gắng.

Một lần nữa, người viết xin thưa rằng hầu hết các nhân viên trường học hiện nay có rất nhiều thiệt thòi, chế độ thu nhập khá thấp nên tiếp tục tha thiết kiến nghị xem xét cho nhân viên trường học được xếp ngạch viên chức, được hưởng các chế độ, quyền lợi của viên chức giáo dục.

Nếu được xếp lương theo các Thông tư trên thì nhân viên trường học mới có thể chuyển xếp lương, có thể được thăng hạng viên chức, mới hy vọng có nhân viên trường học công tác lâu năm, đạt chuẩn được xếp lương có thể xếp hệ số lương từ 4,0 đến 6,38 (hạng I, II) hoặc cao hơn.

Chỉ khi đó mới tạo động lực phấn đấu cho nhân viên trường học, để họ yên tâm công tác lâu dài, cống hiến lâu dài, trường học đủ nhân viên trường học thì trường sẽ hoạt động hiệu quả, chất lượng và hiệu quả giáo dục sẽ nâng lên.

Nhân viên trường học cũng nên được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề như giáo viên, được nghỉ hè như giáo viên (có thể trực khi có công việc cần thiết trong giai đoạn hè).

Nhân viên trường học đã thiệt thòi rất nhiều năm rồi, nhiều người không trụ nổi đã bỏ việc, họ không dám mong mức lương đủ sống mà chỉ mong họ được chế độ như giáo viên, được nâng lương, nâng lương trước hạn giống như giáo viên để họ ấm lòng không có cảm giác “con ruột, con ghẻ” khi thực hiện nhiệm vụ.

Một lần nữa, nhân viên trường học rất thiệt thòi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ ngành liên quan hết sức quan tâm đến nhân viên trường học trong thời gian tới để họ yên tâm công tác, cống hiến, cũng là cách thu hút để họ vào công tác trong các trường. Hiện nay nhiều trường rất thiếu nhân viên trường học ảnh hưởng lớn đến hoạt động giảng dạy và giáo dục của nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HOÀI THANH