Trong bài viết này, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành xin được cung cấp cùng độc giả là cán bộ quản lý, giáo viên về việc thành lập tổ chuyên môn, số lượng thành viên tổ chuyên môn tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện nay.
Ảnh minh họa - A.N |
Quy định thành lập tổ chuyên môn theo Điều lệ trường mầm non, trường tiểu học, phổ thông
Khoản 1 Điều 13 Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường mầm non có quy định về tổ chuyên môn ở trường mầm non như sau:
“1. Tổ chuyên môn gồm giáo viên theo khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; nhân viên nấu ăn. Mỗi tổ có ít nhất 03 thành viên, có tổ trưởng; nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có 01 tổ phó.”
Tổ chuyên môn trường tiểu học được quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT Điều lệ Trường tiểu học có hiệu lực 01/11/2020 như sau:
“1. Tổ chuyên môn bao gồm giáo viên theo khối lớp hoặc môn học; nhân viên làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, công nghệ thông tin, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, tham vấn học đường. Mỗi tổ có ít nhất 03 thành viên; tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó.”
Như vậy đối với trường mầm non, tiểu học, quy định việc thành lập tổ chuyên môn có từ 03 thành viên trở lên thì có 01 tổ trưởng, nếu từ 07 thành viên thì có thêm tổ phó.
Còn tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ Trường phổ thông có hiệu lực từ ngày 20/10/2020 quy định về việc thành lập tổ chuyên môn như sau:
“1. Cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của nhà trường được tổ chức thành các tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng.”
Quy định này, trường phổ thông không quy định cụ thể số lượng thành viên tối thiểu mỗi tổ là bao nhiêu, có thể bố trí mỗi tổ từ 03 thành viên, nếu từ 07 thành viên trở lên thì được bố trí tổ phó.
Căn cứ Điều lệ trường học, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường tiến hành bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn theo quy định trên.
Nghị định 120 quy định mỗi tổ chuyên môn phải có ít nhất 7 thành viên
Tuy nhiên, ngày 7/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định Số: 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 01/12/2020 đã quy định mỗi tổ thành viên phải có ít nhất 7 thành viên trở lên.
Tại khoản 3 Điều 6 quy định về khung số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
“a) Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: số lượng cấp phó thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng;
c) Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Có từ 07 đến 09 người làm việc là viên chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng; có từ 10 người làm việc là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.”
Theo đó, tại điểm c có hướng dẫn đối với tổ chuyên môn (phòng, ban thuộc đơn vị sự nghiệp công lập) khi thành lập phải đáp ứng các tiêu chí sau: công việc hoặc lĩnh vực do tổ thực hiện phải có từ 02 mảng công tác trở lên và có quy trình quản lý riêng theo yêu cầu của đối tượng quản lý; khối lượng công việc của tổ yêu cầu phải bố trí từ 07 người làm việc là viên chức trở lên.
Về số lượng tổ phó: Tổ có từ 07 đến 09 người làm việc là viên chức được bố trí 01 tổ phó; có từ 10 người làm việc là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 tổ phó.
Vậy, căn cứ Nghị định 120 những tổ chuyên môn được thành lập trước đó nếu có dưới 7 thành viên thì không đúng quy định.
Quy định mỗi tổ chuyên môn từ 07 thành viên, các trường ít giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn
Việc quy định về số lượng phòng, ban, tổ trong các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương đúng của Trung ương về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả công việc.
Đối với các trường trung học phổ thông hiện nay đa số nhiều lớp, nhiều giáo viên nên cơ bản quy định mới là phù hợp, quy định mỗi tổ phải có ít nhất 2 mảng công việc (2 bộ môn) trở lên cũng phù hợp.
Đối với bậc tiểu học, mầm non quy định tổ chuyên môn trên cũng không khó khăn vì việc thành lập tổ thường theo khối lớp.
Chỉ riêng ở bậc trung học cơ sở, đối với các trường có quy mô ít lớp học và ít giáo viên việc thực hiện mỗi tổ chuyên môn sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong sinh hoạt chuyên môn, triển khai nhiệm vụ môn học,…
Ví dụ tại đơn vị người viết đang công tác là trường trung học cơ sở có 17 lớp, do thiếu nhiều giáo viên nên hiện nay tổng số cán bộ, giáo viên nhân viên trường là 29 người (có 1 nhân viên kế toán, 1 nhân viên y tế), theo quy định của Nghị định 120 mỗi tổ ít nhất phải là 7 viên chức nên trường chỉ có 27 viên chức và chỉ thành lập được tối đa 3 tổ chuyên môn.
Tổng số bộ môn tại trường trung học cơ sở là 13 bộ môn, nên khi quy định trường chỉ thành lập tối đa 3 tổ chuyên môn, khiến trường rất khó khăn, mỗi tổ phải ghép từ 4-5 môn.
Một tổ chuyên môn đến 4-5 môn học trong điều kiện hiện nay là vô cùng khó khăn trong quản lý.
Tổ trưởng chuyên môn không thể nắm được chuyên môn của 4-5 môn học đó để triển khai khi sinh hoạt tổ chuyên môn.
Tổ trưởng cùng không nắm vững chuyên môn khi triển khai nhiệm vụ, khi duyệt giáo án, duyệt đề kiểm tra định kỳ, cuối kỳ.
Các buổi họp tổ chuyên môn cũng khó triển khai sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học theo Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Người viết đồng tình với quy định của Chính phủ về việc quy định tổ chuyên môn từ 2 mảng công việc, từ 7 thành viên trở lên nhưng rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sáp nhập, giải thể các trường nhỏ (dưới 18 lớp) và dưới 30 giáo viên để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.
Nếu chưa sáp nhập, giải thể được mong Bộ Giáo dục trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định đặc thù về việc thành lập tổ chuyên môn đối với những trường nhỏ, ít giáo viên, theo người viết có thể quy định mỗi tổ chuyên môn có tối đa 3 mảng công việc tức mỗi tổ chuyên môn chỉ nên có tối đa 3 bộ môn.
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-52-2020-tt-bgddt-ve-dieu-le-truong-mam-non-200235-d1.html
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-28-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-tieu-hoc-190610-d1.html
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-120-2020-ND-CP-thanh-lap-to-chuc-lai-giai-the-don-vi-su-nghiep-cong-lap-379357.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.