Mỗi lần kiểm tra định kỳ môn học tích hợp, giáo viên rất mệt mỏi!

04/04/2023 06:40
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi khối lớp có tới 4 lần kiểm tra định kỳ nên nhiều thầy cô giáo đang gặp muôn vàn những phiền toái phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở mới triển khai được gần 2 năm đối với lớp 6 và lớp 7 nhưng mỗi lần đến thời điểm kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) là giáo viên dạy các môn học tích hợp luôn cảm thấy mệt mỏi vì nó đang tồn tại quá nhiều bất cập.

Đặc biệt, những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn phải họp hành giữa môn này với môn khác, giữa tổ này với tổ khác để thống nhất tỉ lệ, đơn vị kiến thức, hình thức ra đề, chấm bài vào điểm. Các việc này nhiều khi khiến họ gặp không ít phiền toái.

Bởi, những môn tích hợp mà cùng tổ chuyên môn với nhau thì dù sao giáo viên cũng dễ thống nhất, những môn liên quan đến nhiều tổ trong những trường loại I phải nói việc phân chia không phải bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió.

Có những lúc, một số tổ trưởng chuyên môn còn gặp những ánh mắt, lời nói khó chịu từ giáo viên ở các tổ chuyên môn khác khi đề cập đến thời điểm hoàn thành việc ra đề, chấm bài, vào điểm.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Chưa bao giờ giáo viên Trung học cơ sở lại gặp nhiều rắc rối như hiện nay

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở có 10 môn học và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc, đó là: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Công nghệ; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Tin học; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Trong số 10 môn học đã có tới 5 môn học đang có từ 2 đến 6 giáo viên dạy chung với nhau trong từng lớp, đó là: Khoa học tự nhiên có 3 phân môn: Hóa học, Sinh học, Vật lí; môn Lịch sử và Địa lí có 2 phân môn là Lịch sử và môn Địa lí;

Môn Nghệ thuật có 2 phân môn là Âm nhạc và Mĩ thuật; Nội dung giáo dục địa phương bao gồm có 6 phân môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; Giáo dục, Âm nhạc và Mĩ thuật; Công nghệ 6 ở học kỳ II có 2 chủ đề: “Trang phục và thời trang” (giáo viên Văn dạy) và “Đồ điện trong gia đình”(giáo viên Vật lí dạy).

Và, giáo viên dạy 5 môn học này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân chia tỉ lệ kiến thức khi kiểm tra, ráp đề kiểm tra, chấm bài, vào điểm.

Bởi lẽ, ngày 19/4/2022, Bộ ban hành Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình, trong đó hướng dẫn việc triển khai kiểm tra các môn học tích hợp như sau:

Môn Lịch sử và Địa lí: Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí theo tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn và chủ đề chung đến thời điểm kiểm tra, đánh giá. Giáo viên được phân công dạy học chủ đề chung, chịu trách nhiệm việc kiểm tra, đánh giá chủ đề chung (gồm đánh giá thường xuyên và định kì).

Môn Khoa học tự nhiên: Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Nội dung giáo dục của địa phương: Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Môn Nghệ thuật: Việc kiểm tra, đánh giá: mỗi nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, sản phẩm học tập hoặc dự án học tập.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

Riêng môn Công nghệ 6, Bộ không có văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng 2 chủ đề: Trang phục và thời trang; Đồ điện trong gia đình có số tiết dạy tương đương với nhau.

Chỉ riêng việc thống nhất ra đề, chấm bài, vào kiểm cũng mất thời gian và khiến cho giáo viên mệt mỏi

Cũng vì thế, khi kiểm tra thường xuyên thì có thể phân chia mỗi phân môn thực hiện 1 bài kiểm tra- 1 cột điểm nhưng khi kiểm tra định kỳ bắt buộc phải chia tỉ lệ giữa các phân môn với nhau. Vậy nên, cùng một đề kiểm tra nhưng phần trên là kiến thức phân môn này, phần dưới là kiến thức phân môn khác.

Chính vì nó phức tạp như vậy nên không chỉ giáo viên trực tiếp giảng dạy vất vả mà ngay cả Phó hiệu trưởng chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn cũng luôn bận bịu tính toán để phân công giảng dạy, phân công tỉ lệ khi làm đề kiểm tra, phân công giáo viên thực hiện công việc chung đối với các môn học tích hợp.

Điều trớ trêu, môn Nghệ thuật hiện nay được gộp từ môn Mĩ thuật và Âm nhạc, các nhà xuất bản biên soạn thành 2 cuốn sách giáo khoa riêng, nhà trường phân công 2 giáo viên dạy riêng nhưng khi kiểm tra lại chung 1 đề, vào điểm, nhận xét chung 1 môn Nghệ thuật.

Bi hài nhất là môn Nội dung giáo dục địa phương hiện nay không thể nằm trong tổ chuyên môn nào vì nó liên quan đến 6 môn học từ 3 tổ chuyên môn khác nhau, đó là: Ngữ văn; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật nên khi làm đề kiểm tra định kỳ các tổ trưởng chuyên môn phải thống nhất, thảo luận, chia tỉ lệ với nhau rất phức tạp.

Vì phân môn Ngữ văn được phân chia 9 tiết; phân môn Lịch sử, Địa lí, giáo dục công dân được phân chia mỗi phân môn 6 tiết; phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật được phân chia mỗi phân môn 4 tiết/ năm.

Tổ trưởng môn Ngữ văn không chỉ phụ trách môn Ngữ văn mà còn liên quan đến môn phân môn Ngữ văn trong môn Nội dung địa phương và môn Công nghệ 6 với tổ Khoa học tự nhiên.

Chính vì thế, đến thời điểm kiểm tra định kỳ chỉ việc hẹn nhau để cùng ngồi thảo luận phương thức ra đề; thống nhất tỉ lệ đề kiểm tra; thống nhất thời gian ráp đề, ai ráp đề; thời gian chấm bài (theo từng phân môn); ai vào điểm, nhận xét lớp nào cũng cảm thấy mệt mỏi, mất thời gian.

Khổ nhất là tổ trưởng nào được phân công ráp đề là chán nhất. Vì thời gian nộp đề cho nhà trường được ấn định. Nhưng, phần kiến thức của tổ này xong rồi nhưng tổ khác lại chưa xong, buộc phải liên hệ, nhắc nhở để họ gửi đề cho mình.

Tuy nhiên, không phải bao giờ họ cũng nhận được sự phối hợp nhịp nhàng mà đôi lúc nhắc nhở giáo viên tổ khác thì họ còn gặp thêm những thị phi, sự khó chịu từ giáo viên tổ khác. Trong khi, mỗi năm học, mỗi khối lớp có tới 4 lần kiểm tra định kỳ nên nhiều thầy cô giáo đang gặp muôn vàn những phiền toái phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Rõ ràng, khi Bộ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên cấp Trung học cơ sở đang chịu xáo trộn và bị tác động nhiều nhất bởi có thêm nhiều môn học mới.

Dù đã bước sang năm học thứ 2 thực hiện chương trình mới nhưng mọi thứ vẫn chưa được định hướng rõ nét và có những môn học không thể xếp vào tổ chuyên môn nào vì nó liên quan đến nhiều môn học khác nhau.

Giáo viên dạy các môn học tích hợp, các tổ trưởng chuyên môn và phó hiệu trưởng chuyên môn đang chịu rất nhiều áp lực, vất vả nhưng hiệu quả các môn học này thực sự ra sao là điều gây rất nhiều băn khoăn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN