Môn tích hợp: rối rắm khi ra đề, chấm bài kiểm tra, lo ngại tính bảo mật

17/12/2022 06:30
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu như, Bộ và các địa phương không tiến hành nhanh việc bồi dưỡng chuyên môn giáo viên thì việc phân công công việc vẫn rất manh mún, rời rạc.

Năm học 2022-2023 là năm thứ 2 ngành giáo dục triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở cấp Trung học cơ sở nhưng những bất cập vẫn đang song hành không chỉ trong giảng dạy mà khi ra đề, duyệt đề, tiến hành chấm bài, vào điểm cho học trò cũng khá phức tạp.

Một môn học có nhiều phân môn khác nhau nên khi kiểm tra định kỳ phải xây dựng ma trận, bảng đặc tả, đề, đáp án chung rồi ráp nối các phần kiến thức của từng phân môn trong 1 đề khiến cho giáo viên gặp khó khăn hơn trước đây rất nhiều.

Ngày trước, làm 1 đề kiểm tra học kỳ chỉ một giáo viên thực hiện, sau đó nộp cho Ban giám hiệu nhà trường nên khá thuận lợi và đảm bảo được tính bảo mật. Bây giờ, đối với các môn học tích hợp phải 3 người ra 1 cái đề kiểm tra và có trường phân công đến 3 người duyệt 1 cái đề.

Các khâu thực hiện hiện nay khá phức tạp nhưng nhà trường cũng rất khó đưa ra được một phương án khả thi vì thực tế phân môn của ai người đó dạy, người đó ra đề kiểm tra chứ đa phần các giáo viên chưa thể đảm nhận được cả môn học tích hợp.

Các môn học đang gặp nhiều bất cập khi thực hiện ở cơ sở (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Các môn học đang gặp nhiều bất cập khi thực hiện ở cơ sở (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở đang gây ra nhiều bất cập

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở đang có nhiều môn học “tích hợp”, đó là: Khoa học tự nhiên (Hóa hóa, Sinh học, Vật lý); Lịch sử và Địa lý ( Lịch sử, Địa lý); Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân).

Trong khi, đa phần các trường Trung học cơ sở hiện nay chưa có giáo viên tích hợp nên đang phải phân công giảng dạy theo đơn môn. Chính vì vậy, những môn học này liên quan đến nhiều giáo viên, thậm chí nhiều tổ chuyên.

Vì thế, việc kiểm tra, đánh giá các môn học này đối với những bài kiểm tra thường xuyên thì phân công cũng không phải khó khăn vì cơ bản phân môn nào, phân môn đó thực hiện. Nhưng, nó thực sự rối rắm khi thực hiện các bài kiểm tra định kỳ (giữa kỳ; cuối kỳ) bởi đây là những bài kiểm tra quan trọng nhất, điểm số hệ số 2 và hệ số 3.

Theo hướng dẫn của Công văn số 496/BGDĐT-GDTr về việc triển khai thực hiện chương trình mới đối với lớp 6 và lớp 7 trong năm học 2022-2023 này, những bài kiểm tra định kỳ được định hướng như sau:

Môn Lịch sử và Địa lí: Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí theo tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn và chủ đề chung đến thời điểm kiểm tra, đánh giá. Giáo viên được phân công dạy học chủ đề chung, chịu trách nhiệm việc kiểm tra, đánh giá chủ đề chung.

Môn Khoa học tự nhiên: Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Nội dung giáo dục của địa phương: Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Môn Nghệ thuật: Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

Theo hướng dẫn của Bộ và thực tế tại các nhà trường thì bài kiểm tra định kỳ phải là kiến thức chung của từng phân môn và được tính toán theo một tỉ lệ phù hợp (theo số tiết của từng phân môn ở mỗi học kỳ/ tháng điểm 10).

Vì thế, trước khi kiểm tra định kỳ, các giáo viên, các tổ chuyên môn phải ngồi lại với nhau để thống nhất tỉ lệ phần trăm bài kiểm tra sao cho phù hợp. Rồi tiến hành xây dựng ma trận, bảng đặc tả, ra đề, đáp án.

Phức tạp nhất là việc xây dựng ma trận và bảng đặc tả vì các phân môn có những cách xây dựng ma trận, đặc tả riêng. Sau đó, giáo viên dạy phân môn nào, ra đề phân môn đó rồi gửi qua email, hoặc zalo cho một người đại diện ráp lại để hoàn thiện đề kiểm tra cho học trò.

Về nguyên tắc, sau khi xây dựng xong đề kiểm tra thì tổ trưởng chuyên môn và phó hiệu trưởng chuyên môn sẽ là người duyệt đề. Nhưng, tổ trưởng chuyên môn cũng chỉ nắm được kiến thức của 1 phân môn mà thôi.

Vì thế, có những trường phân công nhiều giáo viên (tổ trưởng, tổ phó) duyệt 1 cái đề kiểm tra để dò lại kiến thức, cấu trúc nhằm hạn chế tối đa những sai sót về kiến thức, cấu trúc. Bởi lẽ, trước khi kiểm tra học kỳ thì phòng, sở hay về các trường để kiểm tra công tác ôn tập, ra đề kiểm tra của các nhà trường.

Hơn nữa, khi kiểm tra thì đề của học sinh không để xảy ra những sai sót về kiến thức, câu chữ vì đề là đề chung cho cả một khối.

Tuy nhiên, môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý dù phức tạp nhưng giáo viên cùng chung một tổ nên họ còn dễ dàng để gặp gỡ, trao đổi với nhau.

Đối với môn Nội dung giáo dục địa phương dù chỉ có 35 tiết/ năm nhưng nó đang liên quan đến 6 môn học và 3 tổ chuyên môn (Ngữ văn; Lịch sử và Địa lý; Nghệ thuật) nên việc thống nhất ra đề, duyệt đề thường gặp nhiều khó khăn.

Ai là người duyệt đề vẫn là nỗi băn khoăn của giáo viên? Nếu một người duyệt mà đề đó có những sai sót, khi sở, phòng về kiểm tra thì trách nhiệm người duyệt đề phải gánh. Nhưng, chẳng nhẽ một cái đề mà 3 tổ trưởng chuyên môn cùng đưa bút vào ký tên cùng nhau?

Chấm bài chung, vào điểm chung

Trước thực trạng các môn học tích hợp như môn Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên được chủ trương là môn học tích hợp nhưng với nhân lực hiện tại thì các trường chưa thể bố trí một giáo viên giảng dạy cả môn học.

Vì thế, việc kiểm tra các bài định kỳ không chỉ khó khăn khi ra đề mà khi chấm bài kiểm tra cuối học kỳ cũng 2-3 giáo viên cùng thực hiện chung và họ phải phân chia nhau vào điểm ở phần mềm.

Chính vì mục tiêu dạy học phát triển phẩm chất năng lực cho học trò nên phần đánh giá bằng nhận xét cũng được chú trọng nên giáo viên cũng phải phân chia nhau “đại diện” nhận xét cho học trò từng lớp trên phần mềm.

Môn Âm nhạc, Mĩ thuật thì sách giáo khoa riêng, giáo viên riêng nhưng khi kiểm tra định kỳ thì gộp chung lại thành môn Nghệ thuật nên giáo viên cũng phải phân chia lớp ra để chấm điểm, vào điểm, nhập nhận xét cho học trò.

Môn Nội dung địa phương có 6 phân môn, mỗi học kỳ dạy 3 phân môn nên giáo viên cũng phải thực hiện chung các nhiệm vụ như các môn tích hợp khác…

Tuy nhiên, chính vì thực hiện đề chung, chấm chung, vào điểm chung, nhận xét chung nên gây ra muôn vàn rắc rối cho giáo viên ở các tổ chuyên môn. Điều băn khoăn là những lời nhận xét, đánh giá của giáo viên cho các môn học này thực ra chỉ mang cảm tính là nhiều.

Bởi lẽ, giáo viên dạy 1 phân môn nhưng lại đánh giá cho cả 2-3 phân môn khác nhau nên rất khó có những nhận xét, đánh giá về khả năng, năng lực của học trò một cách cụ thể, chính xác.

Năm nay là lớp 6 và lớp 7, các năm tiếp theo còn thêm lớp 8 và lớp 9 nên mức độ phức tạp sẽ còn nhiều hơn. Nếu như, Bộ và các địa phương không tiến hành nhanh việc bồi dưỡng chuyên môn giáo viên thì việc phân công công việc vẫn rất manh mún, rời rạc.

Mục tiêu, hiệu quả môn học tích hợp khó đạt được và những bất cập vẫn song hành với chương trình 2018 trong những năm tới đây-đó là một thực tế.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY