GV mong thầy Thuyết chỉ lối ra cho bất cập môn tích hợp nhưng mãi không thấy!

30/03/2023 06:34
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Thuyết có chia sẻ cơ duyên khi đảm nhận vai trò Tổng chủ biên và tham gia SGK Cánh Diều nhưng không thấy nói về bất cập môn tích hợp

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa ra 5 phẩm chất của học sinh trong chương trình giáo dục tổng thể gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Đồng thời, chương trình mới cũng đưa ra 10 năng lực cốt lõi. Trong đó, có 3 năng lực chung, đó là: Tự chủ và tự học; Kỹ năng giao tiếp và hợp tác nhóm với các thành viên khác; Giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau một cách sáng tạo và triệt để.

Và, 7 năng lực đặc thù hay còn gọi là năng lực chuyên môn: Ngôn ngữ; Tính toán; Tin học; Thể chất; Thẩm mỹ; Công nghệ; Tìm hiểu tự nhiên và xã hội. Những phẩm chất, năng lực này được xem là kim chỉ nam của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt, chương trình mới có thêm một số môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở vẫn đang còn nhiều ý kiến trái chiều- dù đã thực hiện gần hết 2 năm. Riêng kiến thức sách giáo khoa vẫn còn "sạn" mà dư luận cũng thường xuyên phản ánh.

Thế nhưng mới đây (ngày 18/3/2023), thầy Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018- Tổng chủ biên sách Tiếng Việt (Tiểu học), sách Ngữ văn (cấp Trung học cơ sở) đã có những chia sẻ về việc xây dựng chương trình khiến nhiều người băn khoăn.

Thầy Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới trong buổi họp báo ngày 27/12/2018 công bố chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh: moet.gov.vn)

Thầy Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới trong buổi họp báo ngày 27/12/2018 công bố chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh: moet.gov.vn)

Các phẩm chất của chương trình được hình thành như thế nào?

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về chương trình, sách giáo khoa mới gần đây, thầy Nguyễn Minh Thuyết đã có những chia sẻ thú vị về cơ duyên khi đảm nhận vai trò Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tham gia sách giáo khoa Cánh Diều.

Những chia sẻ của thầy Thuyết về giáo dục bao giờ cũng cuốn hút, hấp dẫn bởi mấy chục năm qua thầy đã gắn bó với ngành giáo dục nước nhà. Đặc biệt, thầy là Tổng chủ biên; Đồng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt, Ngữ văn từ lớp 2 cho đến lớp 9 của chương trình 2006.

Khi đã về hưu, có lẽ thầy vẫn canh cánh về giáo dục nên đã đảm nhận vai trò Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đọc những chia sẻ của thầy Thuyết về chương trình mới cũng có những điều khiến dư luận cảm thấy chưa thực sự yên tâm.

Đó là, khi thầy Thuyết cho biết: “Viết sách giáo khoa đã khó, làm cả một chương trình giáo dục càng khó hơn. Cái khó đầu tiên là có những khái niệm cơ bản, nếu không trao đổi kĩ để hiểu cho thấu đáo thì khó định hướng được cho chương trình.

Ví dụ, Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông quy định: “Chương trình phải được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và được thực nghiệm nhằm bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính khả thi và độ tin cậy”, nhưng lúc đó anh em còn phải bàn nhau xem “thực nghiệm chương trình” nghĩa là gì. Bộ phận thường trực cũ của Ban Phát triển chương trình chưa giải quyết được vấn đề này.

May mắn cho tôi là đã từng làm đại biểu Quốc hội 2 khóa, từng thẩm tra nhiều dự án luật, dự án kinh tế. Kinh nghiệm cho tôi thấy thực nghiệm chương trình chính là đánh giá tác động của chương trình, giống như đánh giá tác động của dự án. Khi chúng tôi còn là đại biểu, chúng tôi đã phải xem xét nhiều văn bản đánh giá như thế.

Chương trình mới đi theo xu hướng quốc tế, chuyển từ định hướng tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Ở nước ngoài, người ra giải quyết câu chuyện này lâu rồi. Hàng mấy chục năm nay không ai còn bàn đến chuyện năng lực là cái gì, phẩm chất là cái gì nữa...

[...] Cũng còn nhiều vấn đề khác phải tranh cãi rất lâu. Ví dụ như tiểu học có học 2 buổi/ngày không? Hay còn vấn đề tích hợp, ngay cả khi chương trình được triển khai rồi vẫn còn rất nhiều ý kiến”. [1]

Bản thân người viết không dám bàn luận sâu về nội dung chia sẻ của thầy Tổng chủ biên nhưng có lẽ bản thân chúng tôi và rất nhiều người- đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo đang dạy phổ thông sẽ cảm thấy băn khoăn, lo lắng.

Vì, ngay cả những người biên soạn chương trình “còn phải bàn nhau xem “thực nghiệm chương trình” nghĩa là gì. Bộ phận thường trực cũ của Ban Phát triển chương trình chưa giải quyết được vấn đề này” thì làm sao giáo viên không lo được.

Hơn nữa, chương trình mới đề ra 5 phẩm chất mà thầy cô giáo phải hướng tới cho học trò khi dạy chương trình mới nhưng đã có những thời điểm các thầy cô trong Ban phát triển chương trình còn chưa thống nhất, chưa đưa ra được, còn phải đi tham vấn…

“Cũng còn nhiều vấn đề khác phải tranh cãi rất lâu”

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai ở cấp Tiểu học năm thứ 3, cấp Trung học cơ sở năm thứ 2 và năm đầu tiên ở cấp Trung học phổ thông. Nhưng, đúng là như chia sẻ của thầy Tổng chủ biên “còn nhiều vấn đề khác phải tranh cãi rất lâu” nữa mới có thể kết thúc bởi có quá nhiều những vấn đề, sự việc đang tồn tại những bất cập.

Việc thầy Nguyễn Minh Thuyết…dự báo: “Cũng còn nhiều vấn đề khác phải tranh cãi rất lâu. Ví dụ như tiểu học có học 2 buổi/ngày không? Hay còn vấn đề tích hợp, ngay cả khi chương trình được triển khai rồi vẫn còn rất nhiều ý kiến”. [1]

Những dự báo này cho thấy một thực tế đang tồn tại, bất cập khi triển khai chương trình mới. Trong đó, nổi bật hơn cả là “vấn đề tích hợp” dù đã được triển khai nhưng luôn nhận được ý kiến trái chiều từ cơ sở.

Thậm chí, khi chưa làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Nguyễn Minh Thuyết đã từng đặt câu hỏi về vấn đề tích hợp như sau: “Ai là người viết sách để chuyển tải được tinh thần “tích hợp”?

Bởi vì hiện chúng ta chưa có chuyên gia tích hợp mà chỉ có chuyên gia từng môn học. Làm sao để cuốn sách đúng là sách dạy kiến thức tích hợp có ích cho đời sống, chứ không phải là cuốn sách mang tính tổng hợp, gộp hai - ba môn lại in trong cùng một cuốn sách.

Thứ hai là người dạy, vì hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn. Dạy được môn tích hợp, đó là câu chuyện rất khó. […] Dĩ nhiên để thực hiện điều này, ngay từ lúc này các trường sư phạm sẽ phải thay đổi phương thức đào tạo.

Nhưng để thay đổi như vậy phải có nội dung giảng dạy, mà hiện nay nội dung tích hợp chưa có. Giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm phải có nội dung cụ thể, chứ không đơn giản là một sinh viên vừa học Lý vừa học Hóa, tự sinh viên đó tổng hợp lại thành một cái gì đó gọi là tích hợp”. [2]

Ngay cả thầy Nguyễn Minh Thuyết khi chưa đảm nhận vai trò Tổng chủ biên chương trình 2018 còn băn khoăn về môn tích hợp như thế thì làm sao giáo viên có thể yên tâm khi họ được đào tạo đơn môn mà đi dạy tích hợp?

Không thấy thầy Thuyết nói về môn tích hợp hiện nay và chuyện "sạn" trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (Cánh Diều)

Gần 2 năm nay, khi ngành giáo dục triển khai chương trình mới ở lớp 6 và 7- cấp học có nhiều môn học mới-môn học tích hợp với rất nhiều những khó khăn, bất cập. Thế nhưng, mặc cho dư luận lên tiếng, phản ánh, chúng tôi hiếm thấy thầy Nguyễn Minh Thuyết lên tiếng nói kiến giải về những bất cập của môn học như lúc thầy chưa làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thậm chí, ngay cả khi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (Cánh Diều) do thầy Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên bị dư luận lên tiếng vì có quá nhiều sạn, đến nỗi đơn vị chủ quản bộ sách này phải phát hành tài liệu bổ sung thì thầy Thuyết cũng gần như im lặng.

Chính vì thế, làm sao giáo viên cảm thấy vui vẻ khi dạy môn tích hợp đến thời điểm làm đề kiểm tra phải cần nhiều giáo viên cùng chung tay xây dựng. Họ có thực sự được giảm tải khi có nhiều tuần phải dạy dồn vượt quá nhiều tiết so với quy định vì nhà trường sắp cho dạy phân môn của mình.

Tích hợp nhưng khi giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức môn tích hợp vẫn đang được học đơn môn từ các giảng viên. Tích hợp nhưng sách giáo khoa vẫn đang viết riêng từng phân môn.

Thế nhưng, nhiều môn học đang dạy riêng mà phải kiểm tra chung đề, vào điểm, nhận xét kết quả học tập rèn luyện chung như: môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ 6, Nghệ thuật, Nội dung giáo dục địa phương...ở cấp Trung học cơ sở.

Thực tế, nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy áp lực, lo lắng khi dạy chương trình mới nhưng họ còn cảm thấy lo lắng hơn, băn khoăn hơn nhiều khi đọc những chia sẻ với báo chí của thầy Nguyễn Minh Thuyết vào thời điểm trước và sau khi làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bản thân người viết là giáo viên và không còn thấy thầy Thuyết nói hay, nói nhiều, nói đúng, nói trúng về giáo dục nước nhà như khi thầy còn là đại biểu Quốc hội thuở nào.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nguoiduatin.vn/e-viet-sgk-neu-loi-nhuan-lon-tai-sao-khong-co-nhieu-nxb-lam-a598438.html

[2] https://amp.vov.vn/xa-hoi/giao-duc/doi-moi-giao-duc-pho-thong-chuyen-gia-mo-xe-tinh-kha-thi-423732.vov

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN