Lương là giải pháp quan trọng để giữ chân giảng viên giỏi ở trường ĐH địa phương

17/07/2023 10:39
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tăng đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc là những giải pháp quan trọng để các trường đại học địa phương giữ chân giảng viên giỏi.

Việc giữ chân giảng viên giỏi đang là một vấn đề nan giải đối với nhiều trường đại học, nhất là đối với các trường đại học địa phương.

Trong khi có trường năng động, có cơ chế tốt đã không chỉ giữ chân được giảng viên giỏi mà còn thu hút được giảng viên từ nơi khác về. Nhưng cũng có những trường rất vất vả khi giữ chân nhân sự chất lượng cao dù có cơ chế, khuyến khích nhưng nguồn lực yếu nên khó thực hiện.

Trường Đại học Hồng Đức có tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ đạt trên 42%. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Hồng Đức có tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ đạt trên 42%. Ảnh: website nhà trường

Cơ chế "giữ chân" giảng viên của Trường Đại học Hồng Đức

Là trường đại học địa phương, nhưng hiện tại, Trường Đại học Hồng Đức có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên 42% cao hơn so với mặt bằng chung cả nước.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức về kinh nghiệm giữ chân giảng viên giỏi.

"Dù là một trường đại học địa phương nhưng từ nhiều năm qua, Trường Đại học Hồng Đức không chỉ giữ chân được giảng viên giỏi mà còn thu hút được những giảng viên từ nơi khác về giảng dạy tại nhà trường.

Vấn đề giữ chân và thu hút giảng viên giỏi được tập thể lãnh đạo Nhà trường, Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng trường rất quan tâm chỉ đạo sát sao các phòng, ban tham mưu, đơn vị sử dụng nguồn nhân lực này xây dựng chính sách, cùng với đó tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên này được thể hiện các năng lực của họ. Do đó, việc giữ chân giảng viên giỏi đối với Trường Đại học Hồng Đức không gặp khó khăn gì", Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ

Chia sẻ kinh nghiệm giữ chân giảng viên giỏi của nhà trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết:

“Để giữ chân được nhân sự chất lượng cao, nhà trường đã có nhiều chính sách như: Tạo điều kiện để họ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ ); cử đi biệt phái; tạo điều kiện được đăng ký thực hiện hoặc được giao nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu dạy học,…; được xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; có hệ số trong tăng thu nhập hàng tháng; giới thiệu để tham gia các Hội đồng tư vấn cấp tỉnh, bộ, trường, ngành,… ".

Thầy Bùi Văn Dũng cho rằng, tăng đãi ngộ chỉ là một biện pháp nếu như người giỏi không có môi trường làm việc thích hợp để gia tăng giá trị và phát triển khả năng của mình thì cũng rất khó giữ chân được họ.

Chia sẻ về kinh nghiệm nhà trường cử giảng viên đi học nâng cao trình độ tiến sĩ, nhưng các giảng viên vẫn quay về trường công tác, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết:

“Hằng năm, Nhà trường đều phê duyệt quy hoạch đào tạo trình độ tiến sĩ đối với giảng viên (trong đó có cả đào tạo nước ngoài, đào tạo trong nước, đạo tạo tại trường) và có thực hiện báo cáo, đánh giá kết quả hằng năm gắn với thi đua-khen thưởng. Vì vậy đến nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đạt trên 42% (cao hơn trung bình chung cả nước).

Trường Đại học Hồng Đức được phép đào tạo trình độ tiến sĩ từ năm 2015. Hiện trường đang thực hiện đào tạo 06 chuyên ngành trình độ tiến sĩ và chuẩn bị mở ngành đào tạo trình độ thứ 7.

Giảng viên tham gia đào tạo tạo trình độ tiến sĩ được Nhà trường tạo rất nhiều điều kiện, như: Hỗ trợ học phí theo quy định; hỗ trợ kinh phí đi lại hằng năm; giảm định mức lao động (nếu học không tập trung); hỗ trợ kinh phí mua tài liệu; chế độ các ngày lễ, Tết; chế độ thưởng nếu hoàn thành khóa học sớm (các mức có xu hướng tăng lên hằng năm trong khuôn khổ tài chính của Trường); đề nghị Tỉnh khen thưởng; ưu tiên trong quy hoạch, bổ nhiệm,….; riêng đối với giảng viên đi nước ngoài, ngoài các chế độ theo quy định, Nhà trường vẫn thực hiện giống đi đào tạo trong nước.

Để tránh việc học xong trình độ tiến sĩ, giảng viên xin chuyển đi trường khác ngoài việc thực hiện các chính sách như trên, Nhà trường yêu cầu giảng viên ký cam kết trở về trường sau khi hoàn thành khóa học hoặc phải bồi hoàn toàn bộ chi phí được hưởng trong thời gian đào tạo.

Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc giữ chân giảng viên giỏi, nhưng "Nhà trường vẫn tiếp tục nghiên cứu để không ngừng nâng cao các chính sách thưởng, ưu đãi nhằm không chỉ giữ chân được các giảng viên giỏi mà còn thu hút được nhiều giảng viên giỏi về công tác tại trường", Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ thêm.

Nhà nước nên có chính sách ưu tiên cho trường đại học địa phương

Cũng liên quan đến vấn đề giữ chân và thu hút giảng viên giỏi, có trình độ tiến sĩ gắn bó, làm việc tại trường đại học địa phương, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã chia sẻ thực tế của trường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng, tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, mức thu nhập của giảng viên, nhất là giảng viên trẻ còn thấp nên việc giữ chân giảng viên giỏi có khó khăn. Nguyên nhân, do tự chủ tài chính của trường ở mức cao nên kinh phí để chi tăng thêm cho cán bộ, giảng viên rất hạn chế.

Tuy vậy, Trường Đại học Phạm Văn Đồng vẫn đã và đang tìm cách giữ chân những giảng viên giỏi bằng những kế hoạch cụ thể:

“Trường đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ các nội dung về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức, người lao động nhất là các chế độ đối với giảng viên đi làm nghiên cứu sinh, giảng viên được phong học hàm; chi hỗ trợ các công bố khoa học quốc tế trên các tạp chí ISI, Scopus Q1-Q4. Ngoài ra, trường tạo điều kiện cho giảng viên của trường trong hợp tác với các chuyên gia, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước và quốc tế để thực hiện các đề tài, dự án khoa học có tính ứng dụng thực tiễn, tham gia công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành.

Các giảng viên có năng lực được xem xét đưa vào quy hoạch, cử đi đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, bố trí các chức danh quản lý phù hợp với chuyên môn”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng cho biết.

Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: Website nhà trường

Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: Website nhà trường

Trước ý kiến cho rằng việc giữ chân giảng viên giỏi không chỉ là câu chuyện về chính sách tiền lương mà còn nhiều vấn đề khác như môi trường làm việc, môi trường nghiên cứu khoa học... Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng:

“Việc giữ chân giảng viên giỏi bằng chính sách tiền lương là một giải pháp quan trọng, với các trường đại học địa phương, việc giữ chân giảng viên giỏi còn hạn chế về môi trường hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học… so với các trường đại học tại các thành phố lớn”.

Chia sẻ về giải pháp để nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Nhà trường, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng cho rằng:

“Để nâng tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ, Nhà trường đã có nhiều giải pháp trong đó có tạo điều kiện cho giảng viên làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, bên cạnh đó trường đang nghiên cứu các chính sách để giữ chân giảng viên sau khi học xong về làm việc tại trường”.

Để các cơ sở đại học có thể giữ chân giảng viên giỏi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng kiến nghị:

“Ngoài các chính sách từ nguồn lực của trường, Nhà nước nên có chính sách ưu tiên đầu tư cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi, nhất là giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đối với trường đại học địa phương”.

Lại Cường