Thu hút giảng viên là GS, PGS đã khó nhưng việc giữ chân họ còn khó hơn

09/10/2022 06:50
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiếu lực lượng giảng viên là GS, PGS xảy ra chủ yếu ở các trường đại học định hướng nghiên cứu và các trường đại học đào tạo khối ngành khoa học cơ bản.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện nay có 232 trường đại học, tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31/12/2021 là hơn 85.000 người.

Trong đó, số giảng viên có chức danh giáo sư đang tham gia giảng dạy chiếm tỷ lệ 0,89%; số giảng viên có chức danh phó giáo sư là 6,21%; số giảng viên có học vị tiến sĩ là 25,19%; số giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ đông đảo nhất với 60,35% và giảng viên trình độ đại học là 7,36%.

Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 khối giáo dục đại học tổ chức ngày 12/9, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC bày tỏ băn khoăn khi tổng số giáo sư, phó giáo sư năm 2021 chỉ hơn 7%, giảm so với mức 8% của năm 2010, đi ngược với kế hoạch thúc đẩy số lượng tiến sĩ, giáo sư và phó giáo sư trong các trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nói rằng con số này là thấp so với nhu cầu trong nước và tương quan khu vực. Theo bà Thủy, cần quan tâm, đầu tư vào đội ngũ này để cải thiện chất lượng giáo dục đại học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: để có cái nhìn tổng thể chính xác, cần xác định rõ không phải số lượng giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư giảm mà là tỷ lệ giảng viên đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư trên tổng quy mô giảng viên đại học giảm so với thống kê năm 2010.

“Từ các số liệu thống kê, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể thấy rằng năm 2010, cả nước chỉ có hơn 150 trường đại học và 226 trường cao đẳng với số lượng giảng viên gần 62.000 người; hiện nay cả nước có 232 trường đại học với số lượng giảng viên toàn thời gian là hơn 85.000 người (chưa tính giảng viên từ trường cao đẳng do không có số liệu).

Nếu xét riêng về số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hằng năm, có thể nhận thấy từ năm 2019, khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước triển khai xét duyệt theo Quyết định 37/2018/QĐ - TTg với những tiêu chuẩn cao hơn giai đoạn trước đó thì số ứng viên đạt chuẩn có sự sụt giảm so với giai đoạn trước.

Cụ thể, năm 2019 có 424 người; năm 2020 có 339 người; năm 2021 có 405 người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư đưa tổng số giáo sư, phó giáo sư giảng dạy trong các trường đại học tăng bình quân 0,5% đối với chức danh giáo sư và 5-6% đối với chức danh phó giáo sư.

Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này vẫn thấp so với tỷ lệ tăng giảng viên có trình độ tiến sĩ nói riêng và so với tỷ lệ tăng quy mô giảng viên của toàn bộ hệ thống các trường đại học nói chung”, Giáo sư Hồ Đắc Lộc phân tích.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc. Nguồn: Website Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc. Nguồn: Website Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện tại, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có 16 giáo sư (chiếm 0,87%) và 42 phó giáo sư (chiếm 2,44%). So với số liệu bình quân của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tỷ lệ giảng viên là giáo sư của trường thấp hơn 0,02%; tỷ lệ giảng viên là phó giáo sư thấp hơn 3,77%.

Mặc dù, tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư của trường đang thấp hơn so với mặt bằng chung, tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:

“Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đa ngành, phát triển theo định hướng ứng dụng. Vì vậy, các giảng viên là giáo sư, phó giáo sư của trường tập trung chủ yếu vào công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy cho các chương trình đào tạo sau đại học, và với số lượng giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ hiện có, trường cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo và nghiên cứu hiện tại”.

Bàn về thực trạng một số trường đại học hiện nay thiếu trầm trọng lực lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, Giáo sư Hồ Đắc Lộc nói: việc thiếu lực lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư xảy ra chủ yếu ở các trường đại học định hướng nghiên cứu và các trường đại học đào tạo khối ngành khoa học cơ bản.

"Theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, giáo sư, phó giáo sư trong các trường đại học ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của giảng viên theo quy định của Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, chế độ làm việc của giảng viên và các văn bản pháp luật liên quan thì còn một nhiệm vụ rất quan trọng là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Lực lượng giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư ở các trường đại học hiện nay đang ngày được trẻ hóa, có nhiều công bố khoa học trong các tạp chí uy tín trên thế giới và có liên kết quốc tế tốt đã và đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các trường đại học, góp phần đưa các trường đại học ở Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hạng đại học trên thế giới.

Chính vì vậy, việc thiếu hụt đội ngũ này sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy trong trường, sau đó là ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường”, Giáo sư Hồ Đắc Lộc nói.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, nhà nước đang có chính sách mở rộng tự chủ đại học. Do đó, những trường tự chủ có tiềm lực về tài chính sẽ có nhiều chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nội bộ để đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng như các chính sách thu hút, đãi ngộ đối với lực lượng này.

Đây là một sự “cạnh tranh” lành mạnh để giúp các trường phải tự vươn lên để nâng cao chất lượng đội ngũ của mình.

“Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cũng có những chính sách thu hút, đãi ngộ đối với các giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học xuất sắc về làm việc tại trường.

Có một thực tế là việc thu hút đã khó nhưng việc giữ chân họ còn khó hơn. Vì vậy, trường tập trung đầu tư, nghiên cứu các giải pháp nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển từ nguồn giảng viên nội tại của trường cũng như xây dựng môi trường làm việc và những chế độ chính sách giúp họ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với trường”, Giáo sư Hồ Đắc Lộc cho hay.

Anh Trang