Liêm chính khoa học và loạt lùm xùm "khó quên" trong xét GS, PGS từ 2019 đến nay

04/04/2025 06:34
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2019 là năm đầu tiên xét giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định số 37, yêu cầu ứng viên phải có các bài báo khoa học quốc tế đăng trên các tạp chí uy tín.

Năm 2019 là năm đầu tiên xét giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư của Thủ tướng Chính phủ.

So với trước đó, một điểm mới là từ năm 2019 ứng viên bắt buộc phải có "bài báo khoa học quốc tế" thay vì chỉ quy định chung là bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học. Ứng viên phó giáo sư phải là tác giả chính của 3 bài báo khoa học, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của 5 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

nhan.jpg
Ảnh minh họa: DN.

Năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg để sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg.

Trong các đợt xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, dư luận nhiều lần "dậy sóng" vì những lùm xùm, tố cáo liên quan đến các ứng viên, chủ yếu về tiêu chuẩn bài báo quốc tế.

Năm đầu tiên áp dụng Quyết định 37, xôn xao chuyện ứng viên xuất sắc vẫn "trượt"

Trong đợt xét giáo sư, phó giáo sư năm 2019 dư luận xôn xao trước việc có 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị "trượt" ở vòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước dù đã được các hội đồng ngành/liên ngành thông qua.[1]

Trong số 7 ứng viên giáo sư bị "trượt" có 2 ứng viên liên ngành Cơ khí động lực, 1 ứng viên ngành Kinh tế, 2 ứng viên ngành Vật lý, 2 ứng viên ngành Y.

9 ứng viên phó giáo sư bị "trượt" có 1 ứng viên liên ngành Cơ khí động lực, 1 ứng viên ngành Kinh tế, 3 ứng viên ngành Vật lý, 2 ứng viên ngành Y học, 2 ứng viên Văn hóa nghệ thuật - Thể dục thể thao. Dư luận cho rằng, danh sách các ứng viên bị đánh trượt có nhiều người rất xuất sắc.

Thời điểm đó, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước chia sẻ, 7 ứng viên giáo sư thì có 6 người không được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa vào danh sách bầu là do đều phạm vào tiêu chuẩn không có hướng dẫn nghiên cứu sinh; không chủ trì biên soạn giáo trình/chuyên khảo theo quy định.

Trường hợp ứng viên giáo sư ngành Vật lý, mới được công nhận phó giáo sư năm 2018 và đến năm 2019 nộp hồ sơ xin xét chức danh giáo sư. Điểm của ứng viên này rất cao, đạt tới hơn 65 điểm nhưng hội đồng nhận ra số điểm này được tích lũy chủ yếu trong thời gian trước khi làm phó giáo sư.

Đối với 9 ứng viên phó giáo sư, thiếu một trong các điều kiện sau: Thiếu hướng dẫn học viên được cấp bằng thạc sĩ; không tham gia đào tạo liên tục 3 năm cuối; đang trong thời gian bị kỷ luật; thiếu bài báo quốc tế nhưng không có chương sách do nhà xuất bản quốc tế uy tín hoặc sách chuyên khảo do nhà xuất bản uy tín; thiếu giờ giảng, phải gấp đổi điểm công trình khoa học nhưng không đạt đủ số điểm tối thiểu theo quy định.

Theo Quyết định số 68/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019, có 73 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, và 349 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.

Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký ban đầu tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở là 58,48% (trong đó tỉ lệ đạt của ứng viên giáo sư là 63,02%, ứng viên phó giáo sư là 57,59%).

Trước đó, năm 2018 nước ta không thực hiện việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Đợt xét năm 2017, số ứng viên cho các chức danh này lên đến 1.226 người, bao gồm 85 giáo sư và 1.141 phó giáo sư.

Loạt ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Y, Dược bị tố gian dối

Năm 2020, việc công bố ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư bị lùi lại khoảng hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu do Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn tố cáo ứng viên ngành Y, Dược gian dối bài báo quốc tế.

Theo đó, Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu - người có kinh nghiệm thẩm định các công bố trong lĩnh vực khoa học sự sống (Sinh học, Y-Dược học), gửi đơn kiến nghị lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện nghi ngờ của ông đối với 16 ứng viên thuộc Hội đồng sư ngành Dược và ngành Y học. Các ứng viên này bị tố cáo khai gian dối các bài báo trên các tạp chí kém chất lượng có tên chung là Open Access, viết tắt là OA (những tạp chí thu tiền, in bài, không có hệ thống kiểm duyệt tốt nên thường có chất lượng thấp).

Trong số 16 ứng viên bị tố cáo, có 15 ứng viên đã được các hội đồng giáo sư ngành thông qua để Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2020. Báo cáo thẩm định của Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu cho thấy 12/16 ứng viên ngành Y, Dược bị tố cáo không đạt yêu cầu về công bố do không đủ bài theo yêu cầu đối với ứng viên giáo sư, phó giáo sư…

thumbnail GS PGS.png
Ảnh minh họa: Tuệ Nhi.

Sau đó, Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu tiếp tục nhận thêm email tố 21 ứng viên phó giáo sư có hồ sơ không đủ tiêu chuẩn nhưng đã được Hội đồng Giáo sư ngành Y thông qua.

Qua quá trình xem xét thẩm định lại, có 25 ứng viên đủ các điều kiện, bao gồm cả về các bài báo quốc tế uy tín. [2]

Một số nhà khoa học cho rằng, năm 2020 có thể gọi là "năm sóng gió" đối với Hội đồng Giáo sư ngành Y khi có tới 33/40 ứng viên bị tố cáo liên quan chủ yếu đến vấn đề bài báo quốc tế.

Sau những lùm xùm đó, năm 2020, có 39 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và 300 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở là 62,55% (trong đó tỉ lệ đạt của ứng viên giáo sư là 50,65%, ứng viên phó giáo sư là 64,52%).

Nổi cộm vấn đề về liêm chính khoa học

Ngày 8/2/2022, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021.

Ngay sau đó, những lùm xùm xung quanh việc xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải, khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Bài viết “Rộ thông tin ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư 2021 đăng bài trên tạp chí giả mạo” ngày 18/2/2022 trên Báo Thanh Niên thông tin, Giáo sư Ngô Việt Trung đề nghị Hội đồng cho rà soát lại việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư ở các Hội đồng ngành vì chất lượng công bố quốc tế của một số ứng viên “có vấn đề” và còn có biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học. [3]

Bài viết “Xác minh tố cáo với hàng loạt ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành kinh tế” ngày 17/2/2022 trên Báo VietNamNet dẫn chứng, một ứng viên phó giáo sư là tác giả chính của 5 bài báo khoa học quốc tế. [4]

Trong số 5 bài này có 1 bài đăng trên tạp chí Academy of Accounting and Financial Studies Journal là tạp chí của nhà xuất bản “săn mồi” Allied Academies (còn có tên khác là Allied Business Academies); 1 bài báo đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education là một tạp chí chất lượng rất thấp; 1 bài báo đăng trên tạp chí đã bị loại khỏi danh mục Scopus từ năm 2018.

Hay bài viết “Một ứng viên phó giáo sư bị tố cáo vi phạm liêm chính khoa học” ngày 18/2/2022 được đăng tải trên Báo Tiền Phong phản ánh, ứng viên phó giáo sư N.L.M (thuộc liên ngành Xây dựng – Kiến trúc) khai có 8 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín thế giới nhưng một số bài vi phạm đạo văn. [5]

Như vậy, có thể thấy, trong đợt xét duyệt giáo sư, phó giáo sư năm 2021 nổi cộm lên vấn đề liên quan đến liêm chính khoa học.

Ngày 14/3/2022, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố 405 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2021.

Số bài báo tăng đột biến, có ứng viên trung bình mỗi tháng một bài

Đến năm 2023, bài viết "Xét công nhận chức danh GS, PGS 2023: Lại lùm xùm bài báo khoa học" ngày 3/10/2023 trên Báo Tiền phong cho biết, một số ứng viên có bài báo khoa học đăng trên tạp chí tăng đột biến trong thời gian một, hai năm trước khi nộp hồ sơ xét duyệt. [6]

Theo đó, có một ứng viên phó giáo sư ngành Luật có bằng tiến sĩ năm 2011. Sau 10 năm nhận bằng tiến sĩ, từ năm 2021-2023 ứng viên này viết 4 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế và 1 bài viết đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế.

Lại thêm ứng viên khác, trong 10 năm không có bài báo tiếng Anh nào nhưng trong vòng 6 tháng đầu năm 2023 lại có đến 5 bài đăng trên tạp chí quốc tế.

Bài viết cũng đề cập đến trường hợp một ứng viên phó giáo sư ngành Kinh tế năm 2021 đăng 10 bài báo, trong đó người này là tác giả chính của 1 bài quốc tế và 5 bài trong nước; là tác giả độc lập của 3 bài báo quốc tế nhưng không khai trong hồ sơ. Năm 2022, ứng viên này đăng tổng cộng 16 bài báo. Đáng chú ý, trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, người này đăng 11 bài báo là tác giả chính và 1 bài là đồng tác giả.

Ngày 20/11, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước ký Quyết định 80/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư 2023 cho 630 nhà giáo, trong đó có 58 giáo sư, 572 phó giáo sư.

Năm 2024, có 91 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại

Tháng 10/2024, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024. [7]

Theo danh sách này, có 582 ứng viên vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. So với danh sách 673 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024, có 91 ứng viên bị loại ở vòng xét này.

Trong 582 ứng viên vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, có 43 ứng viên giáo sư, 539 ứng viên phó giáo sư (chưa tính 2 ngành Khoa học an ninh và Khoa học quân sự do không công khai danh sách).

Năm 2024, có 615 ứng viên đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, theo danh sách công bố của Hội đồng Giáo sư Nhà nước vào ngày 4/11/2024. Trong đó, có 45 người đạt chuẩn giáo sư, 570 người đạt chuẩn phó giáo sư.Danh sách này đã bao gồm các ứng viên từ Hội đồng giáo sư ngành Khoa học An ninh và Hội đồng giáo sư ngành Khoa học Quân sự.

Sau đó có một ứng phó giáo sư liên ngành Nông - Lâm nghiệp có đơn xin rút với lý do cá nhân và đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước chấp nhận.

Quy trình xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện trải qua 3 cấp hội đồng: cơ sở, ngành/liên ngành và nhà nước.

Theo đó, hàng năm, căn cứ nhu cầu xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định việc thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở (trong đó, cần đảm bảo yêu cầu về số lượng và tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở theo quy định).

Kết quả đánh giá tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở được lên Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Tiếp đó, Hội đồng Giáo sư Nhà nước lại giao cho Hội đồng ngành, liên ngành tiến hành thẩm định các ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Và cuối cùng là vòng thẩm định, đánh giá tại Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Theo quy định tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để được xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, ứng viên cần là tác giả chính của 3-5 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus hoặc danh mục khác do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định.

Đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư là một trong những điều kiện quan trọng để cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhất là với trình độ sau đại học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/giao-duc/hoi-dong-giao-su-nha-nuoc-ly-giai-vi-sao-16-ung-vien-truot-giao-su-pho-giao-su-20191119070026031.htm

[2] https://giaoduc.net.vn/ket-qua-ra-soat-ho-so-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-cua-nganh-y-duoc-post213347.gd

[3] https://thanhnien.vn/ro-thong-tin-ung-vien-xet-gs-pgs-2021-dang-bai-tren-tap-chi-gia-mao-1851430453.htm

[4] https://vietnamnet.vn/xac-minh-to-cao-voi-hang-loat-ung-vien-gs-pgs-nganh-kinh-te-815869.html

[5] https://tienphong.vn/mot-ung-vien-pho-giao-su-bi-to-cao-vi-pham-liem-chinh-khoa-hoc-post1417101.tpo

[6] https://tienphong.vn/xet-cong-nhan-chuc-danh-gs-pgs-2023-lai-lum-xum-bai-bao-khoa-hoc-post1574537.tpo

[7] https://daibieunhandan.vn/91-ung-vien-bi-loai-khoi-danh-sach-xet-giao-su-pho-giao-su-nam-2024-post392792.html

Tuệ Nhi