Là GV, tôi muốn nghỉ việc không vì lương thấp mà muốn đi về phía có sự tôn trọng

29/11/2022 06:32
Hàn Nhân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ ở đây là: giáo viên chúng tôi mong muốn được tôn trọng.

Tôi là giáo viên công tác hơn 20 năm. Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ ở đây là: giáo viên chúng tôi mong muốn được tôn trọng thực sự. Sự tôn trọng từ cộng đồng, xã hội và cả những người trong ngành giáo dục.

Tất cả những việc đáng buồn trong ngành giáo dục gần đây đều bắt đầu từ việc không có sự tôn trọng xứng đáng với người thầy. Không thể hoàn toàn trách học sinh, phụ huynh sau những vụ việc đó. Có thể, đấy là hậu quả của việc “thuận theo” cách nhìn về người dạy học của xu hướng chung ở thời điểm hiện tại mà thôi.

Ảnh minh họa: nguồn baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: nguồn baochinhphu.vn

Nguyên nhân có thể bắt đầu từ những người làm công tác quản lý giáo dục với rất nhiều chủ trương dần tước đi vị thế người thầy.

Cho đến bây giờ, việc chấm điểm yếu, xếp loại hạnh kiểm trung bình với học sinh là vô cùng khó, dù chất lượng học tập, rèn luyện có thể xứng đáng như vậy. Có một loạt chỉ tiêu đặt ra và giáo viên phải làm đẹp báo cáo.

Quản lý giáo dục tầm cao không đào tạo được (hoặc vì lý do nào đó chưa đào tạo) đội ngũ những người quản lý các cấp dám nhận yếu kém của bản thân nên cuối cùng, điểm khó đổ dồn về... giáo viên.

Hiện nay, chúng ta đang đồng thanh hô vang các khẩu hiệu có nội dung tôn vinh vai trò người học. Cấp quản lý giáo dục chưa giải thích cho mọi người hiểu thật đúng, thật rõ vai trò chủ động của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động dạy học chứ không phải trung tâm duy nhất của ngành giáo dục hay của cả xã hội. Cứ như vậy nên sự tôn trọng đối với người dạy bị xô nghiêng. Ban đầu là điểm trung bình sau đó là điểm cao và rất cao, hạnh kiểm cũng tăng dần tỷ lệ tốt lên. Rồi chúng ta không có học sinh ở lại lớp, không có khiển trách cho đến khi học sinh vô lễ với thầy cô. Hay phụ huynh đánh giáo viên, bắt giáo viên quỳ … cũng do giáo viên sai?

Đau lòng hơn là giáo viên không nhận được sự tôn trọng từ chính những người trong ngành hoặc cơ quan quản lý mình. Còn nhớ có một dạo, giáo viên tất tả ngược xuôi "lo" chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ... mà không biết thực sự để làm gì. Nhiều thầy cô lắm phen rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi tìm gặp “cò chứng chỉ”, có khi lại là học trò cũ, để có thể làm chứng chỉ nhanh hơn, chỉ mất tiền không mất thời gian học. Bao năm học lấy tấm bằng tốt nghiệp đại học sư phạm không bằng cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ư?

Có thầy cô kêu trời vì sự... kiểm tra bằng cấp. Đã nộp, đã kiểm tra không nhớ hết là bao nhiêu lần, nay lại nộp. Kiểm định chất lượng để làm gì khi giáo viên phải nộp hồ sơ cá nhân 5 năm gần nhất? Nếu có sai sót từ trước đó, thì nhiều lứa học sinh cũng đã ra trường rồi. Có huyện, giáo viên công tác đến nay sắp về hưu vẫn chưa có quyết định hết tập sự. Hơn một lần tổ chức làm hồ sơ công nhận hết tập sự mà đến nay vẫn chưa có.

Từ những chuyện trên, vai trò của người thầy có phải đang bé mọn quá không?

Ngay trong cùng một cơ quan, sự tôn trọng nhau của người dạy học cũng bị bào mòn bởi thi đua. Không hiểu quy định chỉ 80% giáo viên được công nhận lao động tiên tiến có từ đâu và từ bao giờ mà quy định ấy làm cho đồng nghiệp cứ cuối năm lại ngồi mổ xẻ hơn thua để người được, kẻ mất. Và không ít nơi, như chuyện đương nhiên, cái "sự thân quen" đã chen vào để "đè" đánh giá thi đua khách quan.

Giáo viên chưa được tôn trọng đúng mức và có một số người tự trọng cũng dần bị phôi pha khi đứng trước áp lực thành tích, nhất là dạy thêm. Những biến thể “tăng tiết”, “phụ đạo”, “bổ trợ kiến thức”… các nhà quản lý có biết đó là dạy thêm không? Cớ sao nó vẫn tồn tại?

Nhìn rộng thêm chút nữa sẽ thấy chủ trương không phân biệt loại hình đào tạo cũng làm “giảm giá” giáo viên. Xưa đã có chuẩn văn bằng, nay theo quy định, chuẩn văn bằng của giáo viên từ bậc tiểu học trở lên phải đạt trình độ đại học. Ở góc độ nào đó, điều này khiến các loại hình đào tạo từ xa, tại chức, chuyên tu …được dịp trăm hoa đua nở. Trong khi một thực tế phải nhìn nhận là: có sự chênh lệch về chất lượng người học giữa đào tạo chính quy tập trung và hệ từ xa. Khi “vàng thau lẫn lộn” mà dần dần, người ta xem vàng cũng như thau, thì phải chăng vị thế người thầy cũng vì thế mà không được như xưa?

Thành thật mà nói tôi cũng từng có trách phạt học sinh, nhưng suốt hơn 20 năm tôi dạy học, chưa một lần phụ huynh phàn nàn. Tôi không để tiền bạc chen vào quan hệ thầy - trò và không dạy thêm, dù có học sinh đăng ký học. Tôi vốn nghèo khó từ nhỏ nên đã quen và có sự thông cảm với học trò, vì vậy, tôi không giục các em đóng các khoản tiền.

Nói thật, theo nghề nhiều năm, chính tôi bây giờ đang có ý định bỏ việc, nhưng không phải vì lương thấp. Tôi muốn đi về phía có sự tôn trọng dành cho mình và tôi mong xã hội dành cho chúng tôi sự tôn trọng xứng đáng.

Hàn Nhân