Kinh phí R&D tăng lên 2% GDP sẽ tạo động lực cho trường đại học đẩy mạnh NCKH

29/04/2025 06:36
Mạnh Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, việc nâng mức chi cho nghiên cứu và phát triển lên 2% GDP tạo động lực cho nhà trường đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Một trong những mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2030 là: kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Đây là bước tiến mới đầy triển vọng cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam, được lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học đánh giá cao.

Tiền đề để khoa học, công nghệ phát triển ngang tầm khu vực và thế giới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng vào năm 2030 là điều rất cần thiết và là tiền đề để các lĩnh vực khoa học, công nghệ phát triển ngang tầm với khu vực và thế giới.

Theo thầy Hoàn, việc kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP là đột phá rất lớn trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Trước đây, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế cùng các thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, khi kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển tăng lên đạt 2% GDP sẽ tạo cơ hội cho các nghiên cứu được “đi đến vạch đích” cùng nhiều ý tưởng chưa có cơ hội hiện thức hóa cũng mạnh dạn đi vào nghiên cứu thực tế. Đặc biệt, các nghiên cứu có thể “thương mại hóa” ngay tại nơi được sinh ra, mà không cần qua sự can thiệp của doanh nghiệp hoặc nhượng quyền nghiên cứu khi chưa hoàn thiện.

Cùng với đó, việc bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển sẽ là xung lực tác động vào việc phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao sự phát triển ngành, nghề trong từng lĩnh vực. Từ đó, nguồn lực và lao động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ sẽ không ngừng thay đổi tích cực. Việc phát triển khoa học, công nghệ cùng sự thay đổi về chính sách trong những lĩnh vực này cũng tạo điều kiện nâng cao chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn chia sẻ.

thầy Hoàn công thương hcm.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, việc chi 2% GDP cho hoạt động nghiên cứu phát triển (nếu tính theo GDP năm 2024 thì 2% GDP tương đương hơn 230 nghìn tỷ đồng) là một dấu hiệu tích cực cho khoa học, công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, đây là một mức chi cao và phản ánh sự chuyển hướng rõ rệt trong chính sách phát triển quốc gia. Đồng thời, điều này sẽ tạo ra những cơ hội to lớn để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 57 đã đề ra, bao gồm cả việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

“Việc chi 2% GDP cho hoạt động nghiên cứu phát triển giúp tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia thông qua phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu, nâng cao năng lực các viện, trường và doanh nghiệp. Cùng với đó, điều này góp phần kích thích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm trí tuệ. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển trong các trường đại học sẽ tạo điều kiện để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, thu hút và giữ chân nhân tài.

Ngoài ra, với nguồn vốn được tăng cường, các trường đại học có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào hoạt động hợp tác nghiên cứu quốc tế, tăng số lượng công bố khoa học trên các tạp chí uy tín và nâng cao vị thế trên bản đồ khoa học thế giới, giúp thúc đẩy hội nhập quốc tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải bày tỏ.

Về mục tiêu chi tối thiểu 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải đánh giá: “Đây là một quyết định chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện của Việt Nam. Nguồn đầu tư này sẽ giúp tăng cường sức mạnh khoa học và công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới quy trình sản xuất sản phẩm, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đây cũng là nền tảng để cung cấp quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng hạ tầng hiện đại, phát triển nền tảng, ứng dụng dịch vụ kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, chính sách này cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu, từng bước làm chủ công nghệ cốt lõi. Đặc biệt, việc tăng cường đầu tư sẽ hỗ trợ hoàn thiện hệ thống sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo môi trường thuận lợi cho các ý tưởng sáng tạo được phát triển và thương mại hóa. Đây là bước đi phù hợp với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải cho hay.

gs ts trần ngọc hải đại học cần thơ.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh: website nhà trường)

Đồng ý kiến với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng vào năm 2030 là tiền đề quan trọng để nâng hàm lượng khoa học, công nghệ trong nền kinh tế và cũng là cơ sở quan trọng để tái cấu trúc cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Theo thầy Vũ, mặc dù khoản kinh phí 2% GDP cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển là mức trung bình chung của thế giới, nhưng ở Việt Nam những năm gần đây, mức chi cho lĩnh vực này chỉ vào khoảng 0,5% GDP. Nếu mức chi cho nghiên cứu và phát triển nâng lên 2% GDP, tức tăng 4 lần. Do đó, đây là khoản phí lớn dành cho phát triển khoa học công nghệ nhưng cần lưu ý những thách thức đặt ra khi nâng mức chi cho nghiên cứu và phát triển. Trong đó, cần tính toán cụ thể để huy động đủ 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là từ các nguồn ngoài ngân sách. Đồng thời, cần sử dụng nguồn kinh phí này cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển một cách hiệu quả nhất.

Thầy Vũ cũng cho hay, ở một số nước phát triển kinh tế nhanh như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,… mức chi cho các hoạt động khoa học công nghệ đều chiếm tỉ lệ rất lớn, dẫn tới nền kinh tế của các nước này có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, tầm ảnh hưởng của các sản phẩm khoa học công nghệ đối với nền kinh tế của các nước này cũng rất rõ ràng.

Do đó, nếu Việt Nam tăng cường đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ và nguồn kinh phí này được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta sẽ tăng lên. Đồng thời, việc gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ cũng sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, giúp đất nước sớm gia nhập vào nhóm những nước có mức thu nhập bình quân cao.

Trường đại học xây dựng kế hoạch đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ

Về phía Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trần Vũ cho biết, với vai trò và sứ mệnh của mình, nhà trường luôn xác định các hoạt động khoa học công nghệ là một nhân tố quan trọng, đóng vai trò trụ cột trong sự phát triển của trường. Bởi nguồn thu từ các hoạt động liên quan tới khoa học công nghệ chiếm tỉ lệ tương đối cao trong tổng nguồn thu của trường.

Để đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung tổ chức và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn với những lĩnh vực công nghệ chiến lược, hướng tới việc làm chủ công nghệ cốt lõi, trọng yếu và hình thành các trung tâm xuất sắc về khoa học công nghệ. Đồng thời, trường cũng dần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ để các sản phẩm khoa học công nghệ của nhà trường sớm được ứng dụng trong thực tiễn.

thầy phạm trần vũ bka hcm.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, trong nhiều năm qua, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh luôn đặt nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ song song với nhiệm vụ đào tạo. Hiện tại, nhà trường đang đẩy mạnh đưa các nghiên cứu vào ứng dụng thực tế. Đồng thời, tất cả các đơn vị trong trường đều thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính, giảng dạy.

Cùng với đó, nhà trường cũng đã thực hiện xây dựng phần mềm liên quan về quản lý khoa học công nghệ. Trong đó, tất cả các nghiên cứu được công bố từ cán bộ giảng viên, sinh viên đều được cập nhật và kiểm duyệt qua phần mềm. Đây là sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ số. Ngoài ra, các hội thảo khoa học, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp cũng đã được nhà trường thực hiện chuyển đổi số qua những nền tảng số để gắn kết các nhà khoa học đến từ nhiều khu vực.

Đặc biệt, nhà trường ưu tiên phát triển song song giữa cơ sở vật chất và con người để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của kỷ nguyên số. Trong đó, các phần mềm công nghệ thường xuyên được nâng cấp. Đồng thời, các cán bộ giảng viên của nhà trường cũng phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ về chuyển đổi số.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải có một số kiến nghị để các trường đại học phát triển bền vững hơn trong việc thực hiện mục tiêu về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.

Thứ nhất, việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều phối ở cấp quốc gia cần có sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước để định hướng và điều phối các hoạt động khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong toàn hệ thống giáo dục đại học. Điều này bao gồm việc xây dựng những chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia rõ ràng, đồng bộ và có lộ trình cụ thể để các trường đại học có thể triển khai hiệu quả.

Thứ hai, nhà nước cần tăng cường đầu tư ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Khoản đầu tư này cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, phòng thí nghiệm tiên tiến, trang thiết bị nghiên cứu đồng bộ và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích nguồn đầu tư từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác vào hoạt động khoa học, công nghệ của các trường đại học.

Thứ ba, cơ chế tự chủ cần đi kèm trách nhiệm giải trình rõ ràng để các trường linh hoạt và năng động hơn.

Thứ tư, đối với chính sách thu hút nhân tài, cần có cơ chế đãi ngộ cạnh tranh, môi trường làm việc tốt cùng cơ hội phát triển sự nghiệp.

Thứ năm, cần thúc đẩy hợp tác trường đại học - doanh nghiệp - viện nghiên cứu thông qua quỹ hỗ trợ nghiên cứu chung, giúp giảm các thủ tục hành chính.

sinh viên đh công thương hcm.jpg
Trường đại học xây dựng kế hoạch đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. (Ảnh minh họa: website Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh)

Thứ sáu, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia mạnh mẽ với vai trò trung tâm của các trường đại học. Trong đó, trường đại học cần được xem là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi ươm mầm ý tưởng sáng tạo, phát triển các công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo khác để tạo ra một môi trường thuận lợi cho hoạt động này

Thứ bảy, trường đại học cần tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ số vào quản lý, điều hành, giảng dạy, học tập, nghiên cứu và các hoạt động khác. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn tạo môi trường thực tế để người học làm quen và ứng dụng công nghệ số.

Thứ tám, cần tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ trong giáo dục. Trong đó, việc mở rộng hợp tác quốc tế với các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới sẽ giúp các trường đại học Việt Nam tiếp cận được các kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm tốt nhất, đồng thời nắm bắt các cơ hội giúp nâng cao vị thế và uy tín quốc tế.

Mạnh Dũng