Kinh phí để thưởng Tết cho giáo viên, nếu muốn sẽ có

13/01/2019 07:05
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Hiệu trưởng và Kế toán nhà trường nói hết kinh phí trong năm thì lấy nguồn đâu mà…thưởng Tết.

Thời điểm này, các trường học đã có con số cụ thể về việc thưởng Tết cho giáo viên, nhân viên nhà trường từ việc tiết kiệm nguồn kinh phí sử dụng trong năm qua.

Thậm chí, có trường đã được nhận tiền thưởng Tết ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2019.

Tuy nhiên, thường thì các Hiệu trưởng và Kế toán rất hay giữ…bí mật đến cận Tết Nguyên đán mới thông tin và chuyển khoản hoặc phát luôn cho giáo viên trong trường.

Vì thế, câu chuyện thưởng Tết ở giai đoạn này hay được các giáo viên “thầm thì” với nhau.

Theo quy định hiện hành thì ngành giáo dục không có chuyện thưởng Tết bằng tháng lương 13 như một số đơn vị kinh doanh khác.

Nếu minh bạch tài chính sẽ có nhiều nguồn thưởng Tết cho giáo viên ( Ảnh minh họa trên vov.vn)
Nếu minh bạch tài chính sẽ có nhiều nguồn thưởng Tết cho giáo viên ( Ảnh minh họa trên vov.vn)

Vì thế, nếu có thưởng Tết thì các đơn vị cơ sở được lấy từ nguồn chính là tiết kiệm kinh phí chi tiêu không thường xuyên hàng năm để thưởng Tết cho giáo viên.

Còn khoản kinh phí chi tiêu thường xuyên thì đã dùng để phát lương hàng tháng cho giáo viên, nhân viên nhà trường.

Việc tiết kiệm trong chi tiêu để tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho giáo viên ở các nhà trường được Luật ngân sách cho phép và có những hướng dẫn khá cụ thể như sau:

Kết thúc năm, trước ngày 31 tháng 1 năm sau, đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi và kinh phí chi thu nhập tăng thêm của năm trước theo qui chế chi tiêu nội bộ của đơn vị để thanh toán thu nhập tăng thêm cho người lao động đảm bảo không vượt mức theo qui định”. 

Tuy nhiên, thực tế những đơn vị giáo dục có tiền thu nhập tăng thêm ở cuối năm không nhiều.

Thậm chí nhiều nơi, nhiều trường không có. Bởi, Hiệu trưởng và Kế toán nhà trường nói hết kinh phí trong năm thì lấy nguồn đâu mà…thưởng Tết.

Vậy nên, việc thưởng Tết của giáo viên bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào “tài năng” và “tâm đức” của Hiệu trưởng và Kế toán từng đơn vị.

Thực tế, chẳng có Hiệu trưởng và Kế toán nào dự trù kinh phí hoạt động trong năm của đơn vị mà lại tính thiếu.

Bởi, việc chi lương định kỳ, chi cho tăng lương hàng năm thì đã rất rõ ràng. Những phong trào trong trường mà Hiệu trưởng nói “được phép chi” thì đã mang tính cố định trong nhiều năm.

Những phát sinh khác như tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, phát thưởng cho học trò, chi cho những học sinh khó khăn thì phần lớn là nhà trường kêu gọi xã hội hóa và vận động đóng góp từ tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường.

Vì thế, bao giờ kinh phí hoạt động đơn vị cũng được tính toán rất chi li mới đề nghị lên cấp trên cấp kinh phí hoạt động trong năm cho trường.

Nhưng, có một điều “rất lạ” là việc mua sắm, sửa chữa vào dịp cuối năm của các nhà trường lại rất hay diễn ra.

Bởi đây là thời điểm nhà trường đã biết kinh phí còn dư thừa bao nhiêu trên những con số cụ thể mà những chi tiêu phát sinh cũng gần như không còn.

Có điều, Hiệu trưởng, Kế toán là người nắm rất rõ là giai đoạn này nếu kinh phí dư thừa mà đem chia đều cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường thì mọi người đều như nhau.

Nhưng, nếu mua sắm, sửa chữa một hạng mục cơ sở hạ tầng hay mua sắm, thay thế trang thiết bị thì bản thân Hiệu trưởng và Kế toán có những khoản chênh lệch khá lớn từ các đơn giá và hoa hồng.

Vì thế, việc mua sắm, sửa chữa cuối năm thường rất nhạy cảm ở các đơn vị trường học. Tất nhiên, khi đã mua sắm, sửa chữa sẽ dẫn đến việc chi tiền thu nhập tăng thêm mỗi người chỉ còn lại con số mang tính…tượng trưng mà thôi.

Nếu được minh bạch sẽ có nhiều kinh phí thưởng Tết cho giáo viên

Thứ nhất: Thực tế việc mua sắm, sửa chữa hàng năm của các đơn vị nhà trường với số lượng cũng không hề ít nhưng công tác giám sát gần như không có.

Chẳng hạn khoản lớn như sửa chữa hè thì Hiệu trưởng chỉ làm đề nghị lên cấp Phòng, Sở là tiến hành thực hiện bởi đa phần cấp trên đều đồng ý bởi trường nào cũng đều sửa chữa hè.

Trường nhỏ thì cũng từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu. Những trường lớn lên đến hàng tỉ đồng. Nhưng, cuối cùng chẳng có mấy khi được giám sát.

Bao nhiêu vật tư, vật tư loại nào, bao nhiêu nhân công khi được quyết toán đều chỉ là những con số được lập của Kế toán và Hiệu trưởng nhà trường.

Vì thế, vừa lãng phí kinh phí mà chất lượng hạng mục được đầu tư xây dựng, sửa chữa cũng kém.

Ngoài các hạng mục sửa chữa lớn thì việc mua sắm trang thiết bị dạy học, văn phòng phẩm cũng khá nhiều và thường xuyên…

Dù ở trường có Ban thanh tra nhân dân nhưng thực tế cái Ban này chẳng có tác dụng gì.

Họ chỉ có việc duy nhất là mỗi lúc quyết toán hay có thanh tra về là ký vài chữ ký đã được Kế toán lật và chỉ vào…để ký cho hợp thức hóa giấy tờ.

Việc lập ra ban giám sát sửa chữa hè cũng được liệt kê đầy đủ ban bệ nhưng chẳng mấy khi những người có tên trong “kế hoạch” được triệu tập vào trường để giám sát.

Họ liệt kê đầy đủ thành phần chủ yếu là để đối phó cấp trên còn triển khai ở trường chỉ có Hiệu trưởng và Kế toán.

Chính vì vậy, nếu chi tiêu tiết kiệm và được giám sát chặt thì việc mua sắm thường xuyên và không thường xuyên sẽ tiết kiệm một khoản tiền chênh lệch không hề nhỏ.

Đằng này, tiền chỉ chảy vào túi của Hiệu trưởng và Kế toán nhà trường.

Thứ hai: Việc minh bạch các khoản hoa hồng trong nhà trường nếu được thực hiện công khai, nếu Hiệu trưởng có tâm thì khoản này hoàn toàn có thể đưa vào quỹ phúc lợi của nhà trường.

Thực tế, khoản hoa hồng trong trường học hiện nay rất lớn.

Từ việc mua các loại bảo hiểm (y tế, tai nạn) cho thầy và trò; mua các loại văn phòng phẩm, các loại dịch vụ khác nhau như nhà xe, căn tin, tin nhắn điện tử; tiền chiết khấu vay ngân hàng của giáo viên…

Những trường lớn, các khoản hoa hồng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Thế nhưng, nó vẫn là khoản tiền “bí mật” và xem như đây là khoản tiền đương nhiên dành cho những thành viên trong Ban Giám hiệu, Kế toán, Thủ quỹ nhà trường nhận.

Chính vì những khoản thu –chi không được minh bạch, vì một số Hiệu trưởng, Kế toán nhà trường có phần tham lam nên kinh phí  hoạt động hàng năm thường không còn.

Các khoản hoa hồng của nhà trường cũng được bí mật chia cho nhau.

Vì thế, đa phần giáo viên hiện nay không có tiền thưởng Tết, hoặc có một ít tượng trưng thì âu cũng là lẽ thường tình.

Có điều, nhiều trường học vẫn có một khoản thu nhập tăng thêm khá cao so với lương giáo viên.

Chính vì sự khập khễnh này dẫn đến nhiều câu hỏi cho các Hiệu trưởng và Kế toán các trường không còn tiền chi thưởng Tết cho giáo viên, nhân viên nhà trường.

Bởi, cùng một chính sách, cùng là đơn vị sự nghiệp đang hưởng ngân sách nhà nước để hoạt động nhưng vì sao mỗi trường, mỗi nơi mỗi khác?

NGUYỄN NGUYÊN