Kiểm tra học kỳ II vào thời gian nào là phù hợp nhất?

10/04/2024 06:42
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thời gian tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ II trong tuần 34 (từ ngày 20/5…) là hợp lý nhất.

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định, các cơ sở giáo dục hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2024 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2024.[1]

Do khung chương trình năm học của Bộ Giáo dục chỉ quy định thời gian hoàn thành chương trình, thời gian kết thúc năm học, thời gian kiểm tra thì không quy định chi tiết. Vì thế, thời gian kiểm tra cuối kỳ II thường tùy thuộc vào mỗi trường chủ động kế hoạch cụ thể.

gdvn-anh13-8270.jpg
Kiểm tra học kỳ sớm để dành quỹ thời gian ôn thi vào 10 (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Vì thế, theo tìm hiểu của người viết, lịch kiểm tra học kỳ II ở nhiều trường học hiện nay đang có sự chênh nhau quá lớn về thời gian.

Có trường tổ chức kiểm tra vào cuối tháng 4, trường đầu tháng 5, lại có trường vào giữa tháng 5 hoặc gần ngày 25/5 mới kiểm tra xong học kỳ và bắt đầu làm điểm. Điều đáng nói là, dù kiểm tra học kỳ sớm (cuối tháng tư hoặc đầu tháng 5), nhà trường vẫn phải dạy đến những ngày cuối mới hết chương trình các môn học.

Việc kiểm tra học kỳ II quá sớm cũng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các bên liên quan. Không ít phụ huynh lo lắng, kiểm tra xong con sẽ chểnh mảng học tập. Nhiều thầy cô giáo cũng không đồng tình với việc nhà trường tổ chức kiểm tra học kỳ quá sớm khiến cho việc dạy học sau đó của giáo viên trở nên áp lực, mệt mỏi hơn rất nhiều vì các học sinh nảy sinh tâm lý kiểm tra xong rồi nên học "nhì nhằng".

Về phía nhà trường lại cho rằng, nếu giáo viên giảng dạy đúng trách nhiệm thì các em học sinh không thể lơ là việc học.

Kiểm tra học kỳ xong, trò chán học, thầy chán dạy

Với áp lực về chỉ tiêu hoàn thành môn học và chỉ tiêu lên lớp hiện nay nên trước ngày kiểm tra, giáo viên đã tăng tốc chạy chương trình (dạy trước những bài trọng tâm) và ôn tập kỹ lưỡng cho các em tham gia kỳ kiểm tra có được kết quả tốt nhất.

Vì thế, khi học trò kiểm tra xong, tâm lý các em cũng đã có điểm rồi ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc dạy của giáo viên.

Thời gian này, cũng là lúc nhiều thầy cô giáo cho phép mình được “xả hơi” một chút.

Học trò đã có điểm, bài trọng tâm cũng đã dạy nên dù lên lớp giảng dạy nhưng cũng có giáo viên không còn dạy bài bản như trước.

Hình thức học được nhiều thầy cô chọn nhất vẫn là cho học sinh tự học cá nhân hoặc học nhóm rồi sau đó giáo viên mới đánh giá, nhận xét. Lúc học trò học nhóm, thầy cô sẽ tranh thủ vào điểm, tổng kết, báo cáo số liệu, hoàn thành các biểu mẫu, họp tổ chuyên môn...

Một số giáo viên giảng dạy nghiêm túc cũng khó duy trì nền nếp học tập của lớp như trước. Phần lớn, học sinh với tâm lý “học để thi” và thi mới học. Vì thế, khi nhà trường tổ chức kiểm tra học kỳ xong, nhiều em cũng bắt đầu chểnh mảng trong học tập.

Có em tự ý nghỉ học hoặc cúp tiết đi chơi. Có em đi học nhưng không mang sách vở, bút viết mà ngồi chơi, nói chuyện trong giờ học, không muốn nghe giáo viên giảng bài, cũng không thực hiện nhiệm vụ được thầy cô giao cho. Thậm chí có phụ huynh, khi thấy con đã kiểm tra học kỳ xong cũng ít chú tâm đến việc học của con. Họ sẵn sàng cho con đi chơi ít ngày, người lại xin cho con nghỉ hè sớm về thăm quê. Cũng vì chỉ tiêu lên lớp và duy trì sĩ số mà có giáo viên phải "làm ngơ" cho học sinh nghỉ.

Vì sao các trường luôn bố trí kiểm tra trước?

Kiểm tra học kỳ xong, việc dạy và học của học sinh cũng bị chểnh mảng thì nhà trường có biết không? Chắc chắn sẽ biết, nhà trường mà cụ thể là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng sẽ là người hiểu rõ điều này nhất.

Vậy thì vì sao, nhiều trường học vẫn không để học sinh kiểm tra vào tuần 34, 35 mà nhất định phải kiểm tra từ tuần 30 (thậm chí là trước đó)?

Lý do là việc kiểm tra trước có khá nhiều điều thuận lợi. Tuy nhiên, những mặt thuận lợi như vậy lại không phải dành cho học trò mà cho chính giáo viên và nhà trường.

Thứ nhất, kiểm tra sớm, kết chương trình học sớm, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh lớp 9 được ôn tập nhiều hơn để tham dự kỳ thi vào lớp 10. Học sinh sẽ có thêm quỹ thời gian để ôn nhưng gia đình các em sẽ phải đóng thêm một khoản tiền không ít cho nhà trường để ôn tập. Thậm chí có nơi còn bớt thời gian học chính khóa để tăng thời gian dạy thêm.

Một số giáo viên dạy 3 bộ môn tiếng Anh, Toán, Văn và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ có thêm một khoản thu nhập ngay trong thời gian đi dạy chính khóa.

Thứ hai, giáo viên sẽ hoàn thành việc đánh giá xếp loại cũng như hồ sơ sổ sách khá sớm. Nhà trường cũng có đủ số liệu để báo cáo lên trên. Ngoài ra, những giáo viên các môn học khác (ngoài 3 môn học thi vào 10) cũng sẽ được nghỉ ngơi sớm hơn quy định.

Tuy nhiên, có rất nhiều thầy cô giáo không thích kiểu bớt xén quỹ thời gian như vậy. Họ mong muốn nhà trường không tổ chức kiểm tra quá sớm để ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Nhà trường và một số giáo viên hưởng lợi từ kiểm tra học kỳ sớm thì học sinh là người phải chịu thiệt thòi nhất khi nhiều bài học bị học ép, học dồn để kịp kỳ kiểm tra.

Cùng với đó, nhiều bài học khác (không nằm trong trọng tâm kiểm tra) sẽ học kiểu cho có. Nhiều khi bài trước đây học 2 tiết mới xong thì giờ chỉ cần học một tiết là đủ, thậm chí có những bài sẽ cho học sinh tự học.

Vậy kiểm tra học kỳ II vào thời gian nào là hợp lý nhất?

Từ kinh nghiệm đứng lớp gần 30 năm, người viết cho rằng thời gian tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ II trong tuần 34 (từ ngày 20/5…) là hợp lý nhất.

Kiểm tra đến đâu, giáo viên chấm, thống kê điểm đến đó, cùng với 2 ngày cuối tuần thứ Bảy, chủ Nhật và tuần thứ 35 sẽ có đủ thời gian để hoàn thành các biểu mẫu theo quy định.

Thực tế ở nhiều trường học hiện nay, mỗi khi có lịch kiểm tra học kỳ sớm, không ít thầy cô giáo cũng có ý kiến nên lùi thời gian kiểm tra vào tuần 34 thay vì tuần 30, 31...nhưng khi nhà trường đã ấn định thời gian thì mọi góp ý cũng khó lòng thay đổi.

Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra thời gian cụ thể cho việc kiểm tra học kỳ I và II giống như thời gian bắt đầu và kết thúc năm học. Có thế, học sinh mới được học hết kiến thức một cách nghiêm túc và giáo viên cũng được làm công việc một cách có trách nhiệm nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8677

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên