Các trường có cần phải kiểm tra học kỳ sớm?

24/11/2023 06:38
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kiểm tra học kỳ sớm bắt buộc phải đảo tiết, đảo phân phối chương trình đã được tổ chuyên môn xây dựng, nhà trường duyệt từ đầu năm học.

Ngày Khai giảng năm học 2023-2024 được thực hiện đồng loạt trên cả nước vào ngày 5/9, sau đó các trường mới bước vào thực học nên thời điểm này các cấp học phổ thông đang thực hiện giảng dạy và học tập ở tuần thứ 10.

Thông thường, việc kiểm tra giữa kỳ sẽ rơi vào tuần 9 và tuần 10 nên có những môn học vừa kiểm tra giữa kỳ nhưng nhà trường đã triển khai đến các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập, làm đề kiểm tra cuối kỳ để thực hiện kiểm tra vào tuần thứ 16 của năm học.

Việc triển khai kiểm tra học kỳ sớm, tổ chức kiểm tra học kỳ sớm sẽ dẫn đến nhiều bất cập cho các tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn bởi họ phải làm bảng đảo tiết nhiều tuần và sau khi kiểm tra thì một số môn học còn khá nhiều tiết. Kiểm tra học kỳ xong, học sinh biết điểm kiểm tra, biết điểm trung bình môn nên động cơ học tập không còn.

Một số giáo viên cũng loay hoay chấm bài, nhập điểm và nhận xét vào phần mềm, vào điểm học bạ nên những bài học còn lại thường bị xem nhẹ. Trong khi, kiến thức sách giáo khoa của chương trình mới thường được thiết kế theo các chủ đề nên mỗi chủ đề có một vai trò, vị trí riêng biệt. Những thiệt thòi này sẽ thuộc về học sinh ở các nhà trường.

Lịch kiểm tra học kỳ I, năm học 2023-2024 của một tỉnh phía Nam vào tuần 16 (Ảnh do giáo viên cung cấp)

Lịch kiểm tra học kỳ I, năm học 2023-2024 của một tỉnh phía Nam vào tuần 16 (Ảnh do giáo viên cung cấp)

Kiểm tra học kỳ sớm gặp nhiều bất cập trong quá trình thực hiện

Một giáo viên trung học cơ sở đang công tác tại một tỉnh phía Nam chia sẻ, nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, điều mà bản thân người viết bài khá băn khoăn là lịch kiểm tra học kỳ các môn học do sở giáo dục và đào tạo ra đề thường được thực hiện khá sớm so với thời điểm kết thúc học kỳ.

Hiện nay, mỗi năm học có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần). Nhiều sở ra đề kiểm tra một số môn học đối với những lớp cuối cấp là lớp 9 và lớp 12. Điều thường thấy là lịch kiểm tra các môn mà sở ra đề ở học kỳ I rơi vào tuần 16, học kỳ II là tuần 33.

Điều này có nghĩa, sau khi kiểm tra học kỳ, học sinh sẽ còn 2 tuần thực học và những môn nhiều tiết như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ còn nhiều bài học ở phía sau.

Chẳng hạn, môn Ngữ văn 9 hiện nay có 5 tiết/ tuần, lịch kiểm tra của sở rơi vào tuần 16 cũng đồng nghĩa tuần 16 còn lại 3 tiết, tuần 17, 18 của học kỳ I còn lại 10 tiết, tổng cộng sẽ còn tới 13 tiết chưa dạy. Vì thế, sau khi kiểm tra thì giáo viên và học sinh phải dạy và học 13 tiết nữa mới kết thúc học kỳ I (trường sẽ sắp thời khóa biểu 1 tuần 6 tiết và 1 tuần 7 tiết).

Môn Toán mỗi tuần có 4 tiết, kiểm tra ở tuần 16 cũng còn lại tới 10 tiết chưa dạy cho học trò vì tuần kiểm tra còn 2 tiết và 2 tuần phía sau còn lại 8 tiết; môn tiếng Anh cũng còn lại tới 8 tiết.

Việc kiểm tra ở tuần 16 đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông như một số địa phương hiện nay đang triển khai thì môn ít tiết nhất như Giáo dục công dân còn lại 2 tiết. Các môn khác đa phần sẽ có số lượng từ 2 tiết trở lên nên số tiết còn lại sau kiểm tra khá nhiều.

Tâm thế của học sinh sau khi kiểm tra sẽ giảm hẳn động lực học tập vì các em lúc nào cũng chờ mong điểm các môn học, thầy cô vào giảng dạy các em cũng không tập trung.

Bởi lẽ, học sinh thừa hiểu giai đoạn này việc dạy và học chỉ để hết bài chứ thầy cô cũng không kiểm tra, nội dung kiến thức các bài này chỉ có lớp 9 và lớp 12 còn sử dụng cho việc thi cuối cấp. Các lớp còn lại không còn sử dụng vào mục đích kiểm tra nữa vì kiểm tra định kỳ chỉ dựa vào kiến thức của từng học kỳ cụ thể.

Đối với giáo viên sau khi kiểm tra học kỳ sẽ có rất nhiều công việc dồn ứ lại. Đó là họ phải chấm bài kiểm tra cho học trò. Giáo viên môn nào cũng có rất nhiều bài kiểm tra. Trong khi, một số môn nhiều tiết thì số tiết còn lại nhiều hơn định mức vì bài 2 tuần còn nguyên và có thêm mấy tiết trong tuần kiểm tra cũng chưa học.

Bởi vậy, nhiều giáo viên khi lên lớp thấy học sinh lơ là trong học tập nên cũng tranh thủ ngồi chấm bài kiểm tra. Chấm bài xong sẽ nhập điểm, nhận xét lên phần mềm, vào điểm học bạ, báo cáo cho tổ chuyên môn. Tổ trưởng thì tổng hợp các số liệu từ tổ viên báo cáo cho Ban giám hiệu; báo cáo sơ kết.

Vì thế, việc dạy và học đối với 2 tuần còn lại sau kiểm tra sẽ không hiệu quả, giáo viên thì người dạy, người không nên việc quản lớp lớp khá vất vả. Lớp này dạy, lớp kế bên không dạy sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì âm thanh từ lớp này sang lớp kia rất rõ.

Học sinh vào lớp nhưng tiết học, tiết chơi hết buổi thì về nên nhiều em chủ động không đến trường trong những ngày cuối học kỳ. Rõ ràng, việc một số sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch kiểm tra học kỳ sớm đang đan xen rất nhiều bất cập cho các nhà trường và giáo viên dưới cơ sở.

Có cần thiết phải tổ chức kiểm tra học kỳ sớm hay không?

Thực ra, nếu các sở giáo dục tổ chức kiểm tra học kỳ sớm chỉ nên thực hiện đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 ở học kỳ II vì 2 khối lớp cuối cấp có nhiều công việc hơn. Đối với lớp 9 sau khi hoàn thành chương trình nhà trường còn phải lo xét tốt nghiệp và chuẩn bị thực hiện hồ sơ theo các bước để các em ôn tập và dự thi tuyển sinh 10.

Học sinh lớp 12 cũng cần có thời gian để nhà trường hoàn thiện các loại hồ sơ cần thiết cho học sinh để các em dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và còn giúp học sinh gửi kết quả xét tuyển đại học đối với những trường xét tuyển bằng học bạ.Những lớp còn lại của 3 cấp học không cần thiết phải tổ chức kiểm tra học kỳ sớm là gì.

Tuy nhiên, một khi sở ban hành kế hoạch kiểm tra học kỳ, phòng giáo dục cũng căn cứ vào kế hoạch của sở để xây dựng kế hoạch và ban hành đến các nhà trường. Trường sẽ dựa vào kế hoạch, thời gian kiểm tra học kỳ của cấp trên làm kế hoạch cho đơn vị mình.

Một khi những môn sở ra đề ấn định thời gian kiểm tra thì các trường cũng thường bám vào thời gian này để thực hiện kiểm tra đồng loạt đối với các lớp còn lại để tiện phân công gác kiểm tra, phân công giảng dạy, thống kê số liệu báo cáo cho cấp trên.

Vì thế, lịch kiểm tra của các nhà trường đối với các môn đề trường ra cũng thường song song cùng với các đề của sở cho thuận lợi.

Tuy nhiên, năm học này đã có 9 khối lớp đang thực hiện chương trình 2018 nên đa số các môn học được thiết kế theo từng chủ đề (bài học) cụ thể. Mỗi chủ đề có một vai trò, vị thế riêng, độc lập với các chủ đề khác và tất nhiên kiến thức cũng rất quan trọng đối với học trò.

Theo định hướng và phân phối chương trình mà các tác giả sách giáo khoa khi tập huấn sách giáo khoa mới gửi cho giáo viên các địa phương thì kiểm tra cuối học kỳ I thường rơi vào tuần 18 và học kỳ II là tuần 35- tuần cuối cùng của mỗi học kỳ.

Vì thế, việc kiểm tra học kỳ sớm bắt buộc các tổ chuyên môn phải thực hiện đảo tiết, đảo bài từ phân phối chương trình đã được tổ chuyên môn xây dựng và nhà trường phê duyệt ở thời điểm đầu năm học.

Có lẽ, nếu địa phương có thực hiện kiểm tra cuối kỳ sớm cũng chỉ nên thực hiện ở tuần 17 đối với học kỳ I và tuần 34 đối với học kỳ II là phù hợp nhất. Bởi lẽ, tuần 17 và tuần 34 là tuần gần cuối cùng của mỗi học kỳ, sau khi kiểm tra số tiết còn lại ít, học sinh học tập không nhàm chán vì dù sao tuần này học sinh vẫn vào lớp để nghe ngóng điểm số của mình.

Giáo viên chỉ dạy 1 tuần sau kiểm tra họ cũng ít bị áp lực, nhiều giáo viên muốn dạy hết bài nhưng cũng khó có thể dạy được bởi học sinh không còn động lực học tập hoặc lớp dạy lớp không dạy nên việc quản lý học sinh rất vất vả. Điều quan trọng là kiểm tra cuối kỳ ở những tuần cuối cùng của học kỳ sẽ giúp học sinh không bị mất bài học ở phía sau.

Hy vọng, lãnh đạo ngành giáo dục ở một số địa phương nhìn rõ thực trạng này để xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra phù hợp, không nên tổ chức kiểm tra học kỳ quá sớm sẽ dẫn đến thời gian những tuần cuối cùng của học kỳ khiến cho cả thầy và trò khá mệt mỏi mà việc dạy và học cũng khó có hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH