Thời gian vừa qua, câu chuyện quỹ lớp, quỹ trường ở nhiều trường học đã trở thành đề tài nóng được dư luận bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn xã hội. Nhiều người đề xuất và đồng tình với mô hình “trường học không quỹ lớp, quỹ trường”. Là một giáo viên có gần 30 năm làm công tác chủ nhiệm, người viết xin chia sẻ đôi điều.
Không có quy định về quỹ lớp, quỹ trường
Trước hết cần làm rõ, hiện nay không có một văn bản hay một quy định nào nói về việc thu quỹ lớp, quỹ trường. Vì thế, nhiều trường học hiện nay đã không có 2 loại quỹ này.
Được biết, nhiều lớp học ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh đóng góp tiền hàng tuần hoặc hàng tháng để làm quỹ lớp chi cho các hoạt động nhỏ diễn ra trong lớp.
Theo quy định của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh mỗi lớp có một khoản kinh phí từ sự ủng hộ của cha mẹ học sinh trong lớp. Số tiền thu được từ sự ủng hộ tự nguyện này được gọi là "kinh phí hoạt động", nhiều người quen gọi là "hội phí".
"Hội phí" sẽ được trích về Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường. Có thể theo thói quen, nhiều người gọi những khoản này là “quỹ lớp, quỹ trường”?
Vì sao ủng hộ tự nguyện mà phụ huynh lại phản đối?
Tiền quỹ hội là sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh. Đã là đóng góp tự nguyện, vậy tại sao lại có nhiều phụ huynh phản đối?
Là giáo viên, cũng là phụ huynh đã đi dự không biết bao nhiêu cuộc họp phụ huynh các cấp học nên bản thân người viết xin chia sẻ một số nguyên nhân khiến phụ huynh phản đối.
Thứ nhất, giáo viên ở những lớp học đó không thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT để phụ huynh tự nguyện ủng hộ mà đưa ra một số tiền cụ thể bắt phụ huynh phải nộp (kiểu tự nguyện bắt buộc, không nộp không được).
Sẽ có người thắc mắc, vì sao giáo viên không để phụ huynh ủng hộ trên tinh thần tự nguyện mà cứ phải đưa ra mức ủng hộ tối thiểu? Trong thực tế, không ít thầy cô giáo đã làm thế và kết quả là khá nhiều phụ huynh lấy lý do gia đình khó khăn, đông con nên không đủ điều kiện để ủng hộ. Những phụ huynh khác chỉ ủng hộ ở mức 50 ngàn hoặc 100 ngàn là nhiều.
Chính các thầy cô cũng bị áp lực ngầm từ phía nhà trường. Nếu không kêu gọi được sự ủng hộ nhiệt tình từ phụ huynh thì lớp không có khoản kinh phí nào hoạt động, cũng không thể trích phần trăm hội phí nộp về trường.
Thứ hai, số tiền quỹ thu được không chi đúng mục đích là vì quyền lợi của học sinh mà được chi vào một số khoản đã bị cấm trong Thông tư 55. Ví dụ, chi phong bì vào các ngày lễ, tết cho giáo viên quá nhiều hay chi tu bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lớp, cho trường.
Thứ ba, một số gia đình học sinh đông con lại có hoàn cảnh khó khăn mà phải nộp một số tiền quỹ khá lớn cũng dẫn đến bức xúc.
Thứ tư, với suy nghĩ sợ con bị làm khó nên một số phụ huynh không chia sẻ, không mạnh dạn có ý kiến trong cuộc họp phụ huynh để giáo viên, nhà trường và phụ huynh giải quyết lại chọn cách đưa thông tin lên các trang mạng xã hội.
Vì sao phụ huynh lớp tôi luôn vui vẻ ủng hộ tiền hội phí?
Từ nhiều năm nay, năm học nào lớp học do tôi làm chủ nhiệm cũng nhận được sự ủng hộ hội phí nhiệt tình từ nhiều phụ huynh của lớp.
Lý do, phụ huynh tin tưởng và ủng hộ. Trong cuộc họp, tôi đã đưa bảng dự chi các khoản trong năm cho phụ huynh nắm. Các khoản dự kiến đều phục vụ trực tiếp cho học sinh.
Có thể kể đến, tiền mua quà Trung thu cho học sinh cả lớp, phô tô tài liệu ôn tập, giấy luyện viết, bánh kẹo, nước uống vào một số dịp lễ, Tết,…
Tôi đọc cho phụ huynh nghe về Điều 10 Thông tư 55 và nói rõ, tiền hội phí hoàn toàn tự nguyện, không có mức sàn, không cào bằng mức ủng hộ như nhau. Ủng hộ tùy tâm, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà.
Thế là, người ủng hộ 500, người vài trăm, người ít cũng ủng hộ một trăm. Đặc biệt, có phụ huynh ủng hộ hơn một triệu.
Nếu tính tổng số tiền quỹ phụ huynh ủng hộ so với mặt bằng toàn trường thì lớp tôi cũng nằm trong tốp những lớp nhận được ủng hộ nhiều nhất.
Những khoản chi đều thông qua chi hội phụ huynh của lớp. Sau một học kỳ, ở lần họp phụ huynh cuối kỳ I, sẽ công khai những khoản đã chi cho phụ huynh cả lớp xem. Và, cuối học kỳ II, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, cũng sẽ công khai và kết quỹ.
Từ thực tế tôi nhận thấy, đa phần phụ huynh không phản đối việc có quỹ lớp, quỹ hội để hoạt động. Nhưng các hoạt động phải rõ ràng, minh bạch, thu phải trên tinh thần tự nguyện và chi đúng mục đích là phục vụ quyền lợi của chính các em. Tránh tình trạng thu cào bằng với mức tiền quá cao, khoản tiền thu được lại dùng khoản tiền đó chi cho giáo viên vào các dịp lễ, Tết. Chính vì cách làm không minh bạch nên phụ huynh nhiều trường, lớp mới phản ánh tới báo chí như thời gian vừa qua.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.