Khuyến cáo tránh mở ồ ạt vi mạch, bán dẫn chạy theo phong trào

04/02/2024 06:21
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2024, nhiều trường mở ngành/chuyên ngành về thiết kế vi mạch. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, cả nước chỉ có khoảng vài chục tiến sĩ về thiết kế vi mạch.

Công nghiệp vi mạch, bán dẫn là ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng và làm nền tảng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác.

Tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vào ngày 19/10/2023 [1], chuyên gia đến từ các trường đại học kĩ thuật nhận định nhu cầu đào tạo nhân lực ngành này trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm; nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kĩ sư/năm, song hiện khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Sinh viên Đại học Huế thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Sinh viên Đại học Huế thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Còn theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế cho rằng, dự kiến tổng nhu cầu nhân lực lĩnh vực công nghiệp vi mạch, bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người, từ trình độ đại học trở lên.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông báo mở ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ đại học về thiết kế vi mạch. Trong đó, có cơ sở giáo dục dự kiến đào tạo thạc sĩ về thiết kế vi mạch.

Trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực là xu hướng phát triển của giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc các trường mở ngành/chuyên ngành đào tạo lĩnh vực vi mạch, bán dẫn cần tránh dẫn đến tình trạng chạy theo phong trào, khó đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Và vấn đề được quan tâm nhất lúc này là các cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên ra sao để đáp ứng mở ngành/chuyên ngành Thiết kế vi mạch ngay trong năm 2024.

Nhiều trường dự kiến mở ngành/chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch

Theo tìm hiểu của phóng viên, với một số cơ sở giáo dục đại học công lập, năm 2024, các đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng gồm Trường Đại học Bách khoa; Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn; và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật bắt đầu tuyển sinh ngành, chuyên ngành mới về thiết kế vi mạch.

Cụ thể, từ khóa tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tuyển sinh và đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch (khoảng 100 chỉ tiêu); Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) dự kiến tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn với khoảng 50 sinh viên; và Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) tuyển 40 chỉ tiêu chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn.

Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu ngành Thiết kế vi mạch và tuyển 20 học viên chương trình thạc sĩ vi mạch bán dẫn. Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng dự kiến tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch năm 2024

Cũng trong năm nay, Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai các chương trình đào tạo bồi dưỡng thiết kế vi mạch từ 3 đến 6 tháng đối với sinh viên năm cuối, sinh viên đã tốt nghiệp.

Trường Bách Khoa (Đại học Cần Thơ) mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính trình độ đại học (thời gian đào tạo 4,5 năm với 161 tín chỉ).

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch từ năm học 2024-2025.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng thông báo mở ngành/chuyên ngành đào tạo lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Cụ thể như, Trường Đại học CMC xây dựng đề án mở ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông với định hướng tập trung đào tạo thiết kế vi mạch, dự kiến tuyển 80 - 120 chỉ tiêu từ năm học 2024-2025;

Cuối năm 2023, Trường Đại học FPT thông báo thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, dự kiến tuyển sinh lứa đầu tiên vào năm học 2024-2025 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.

Trường Đại học Phenikaa dự kiến mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn từ năm học 2024-2025. Và Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng cho biết sẽ mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch từ năm học tới.

Ghi nhận thực tế cho thấy, ở nhiều cơ sở giáo dục, nội dung đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch, bán dẫn đã được giảng dạy trong một số ngành gần, như: Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật,…

Ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, gồm ngành Điện tử - Viễn thông; chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Hệ thống nhúng (thuộc ngành Điện tử - Viễn thông); Điện - Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính, Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu - Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

Lộ trình đào tạo các cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

Chưa có mã ngành đào tạo về bán dẫn vi mạch

Việc các cơ sở giáo dục đại học mở ngành đào tạo thiết kế vi mạch là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, cũng như chuẩn bị lực lượng đội ngũ nhân sự chất lượng cao cho thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, kỹ sư thiết kế vi mạch không chỉ cần có kiến thức, phương pháp và kỹ thuật mà phải thành thạo các công cụ thiết kế. Trong khi đó, nhiều trường đại học chưa có khả năng tiếp cận với các phần mềm thiết kế chip EDA (viết tắt của Electronic Design Automation) - bộ công cụ bao gồm phần mềm, phần cứng và dịch vụ được sử dụng trong thiết kế chất bán dẫn.

Bên cạnh trang bị cơ sở vật chất, các cơ sở giáo dục mở ngành đào tạo đại học, thạc sĩ về thiết kế vi mạch cũng phải chuẩn bị về đội ngũ giảng viên.

Liên quan đến việc mở ngành mới, theo Điều 4, Chương II, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học phải có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, và có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình.

Còn theo Điều 5, Thông tư 02, điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ quy định có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên.

Đáng nói, căn cứ Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, hiện chưa có mã ngành đào tạo về vi mạch, bán dẫn. Vì vậy, muốn mở ngành đào tạo vi mạch, bán dẫn - cụ thể là Thiết kế vi mạch thì trước tiên cần được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng theo số liệu tìm hiểu của phóng viên, cả nước hiện có khoảng vài chục giảng viên trình độ tiến sĩ về thiết kế vi mạch. Trong đó, các cơ sở giáo dục tập trung nhiều giảng viên trình độ tiến sĩ về vi mạch như: Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) và Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội); Học viện Kỹ thuật Quân sự; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội....

Đồng tình với việc trường đại học mở ngành/chuyên ngành đào tạo lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, để công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu, các bộ, ngành liên quan và chính quyền cần có chính sách tạo thuận lợi để cơ sở giáo dục mời các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế hoặc Việt kiều đang làm việc tại các công ty nước ngoài về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn đến Việt Nam để tham gia giảng dạy, nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, hội nghị.

Một số thách thức khi mở ngành/chuyên ngành đào tạo vi mạch, bán dẫn là làm thế nào để thu hút người học, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, thiếu chuyên gia đầu ngành và hệ thống các phòng thí nghiệm chưa đầu tư đồng bộ. Do vậy, cần tránh tình trạng các trường đại học ồ ạt mở ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch, bán dẫn chỉ để "chạy theo xu hướng thời đại" trong khi khó đảm bảo được cơ sở vật chất.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Bởi, đất hiếm là nguyên liệu "chiến lược" để làm chất bán dẫn cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác. Trong khi đó, thế mạnh của Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm (chỉ sau Trung Quốc); đội ngũ trí thức, nhà khoa học Việt Nam cũng được các nước đánh giá có thể làm tốt, nghiên cứu giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc các trường đại học mở ngành/chuyên ngành đào tạo lĩnh vực vi mạch, bán dẫn có thể là hướng đi đúng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để tránh việc mở ngành/chuyên ngành đào tạo vi mạch, bán dẫn trở thành phong trào, các trường phải cân nhắc:

Thứ nhất, các trường dự kiến mở ngành/chuyên ngành đào tạo lĩnh vực vi mạch, bán dẫn phải trả lời được câu hỏi "có đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy hay không?".

Thứ hai, đội ngũ giảng viên của trường có đủ trình độ, chuyên môn và số lượng đáp ứng ra sao.

Thứ ba, quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp về vi mạch, bán dẫn như thế nào để phục vụ yêu cầu đào tạo, nhất là đào tạo thực hành.

Hiện nhiều trường sẵn sàng chuẩn bị đội ngũ giảng viên tham gia dạy ngành/chuyên ngành Thiết kế vi mạch nhưng vẫn cần điều tra rõ nhu cầu của thị trường, khả năng hợp tác giữa nhà trường với công ty, doanh nghiệp về vi mạch, bán dẫn của thế giới ra sao.

Bên cạnh đó, các trường cũng lưu ý, ngoài tập trung đào tạo mảng thiết kế, cần quan tâm đầu tư đào tạo về mảng chế tạo vật liệu, đất hiếm, điện tử. Đầu tư cho hạ tầng, ổn định tần số, điện áp, không được gián đoạn. Bởi, công nghệ vi mạch chỉ cần giảm điện áp - mất điện một vài giây là không đáp ứng đào tạo, chưa kể sẽ làm hỏng máy móc trang thiết bị vô cùng đắt tiền. Song, để làm chủ được các khâu sau thiết kế thì cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp và có sự hỗ trợ từ nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-ky-thuat-va-cong-nghe/hoi-thao-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-nganh-cong-nghiep-chip-ban-dan-7576.html

Ngọc Mai