Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Thông tư này sẽ thay thế cho Thông tư 03/2022/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Tại dự thảo, các nội dung có nhiều thay đổi so với Thông tư 03 để phù hợp với định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và phù hợp với Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT quy định về chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Một trong những điểm mới của dự thảo là, cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố.
Điểm mới này đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ sở giáo dục đại học và chuyên gia.
Thuận lợi hơn cho các trường đại học
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo thông tư được xây dựng theo cách tiếp cận mới từ thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và Thông tư 01/2024.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, những điểm mới trong dự thảo thông tư lần này đều hợp lý và cần thiết. Trong đó đáng chú ý dự thảo cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố.
Hiện nay, Nghị định 04/2021/NĐ-CP và Nghị định 127/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt từ 3% trở lên. Với quy định hiện tại, việc thực tuyển không vượt quá chỉ tiêu đã công bố gây ra không ít khó khăn cho các trường trong xét tuyển và thu hút thí sinh chất lượng.
Còn dự thảo Thông tư tạo điều kiện, cho phép các trường không tuyển vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo đã công bố sẽ giúp các đơn vị có thể chủ động hơn trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, việc xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của từng nhóm ngành buộc các trường phải đảm bảo tốt nhất việc bố trí đội ngũ giảng viên có chuyên môn phù hợp, gắn sát hơn với ngành đào tạo.
"Các quy định trong dự thảo rất hay và đã chỉ làm rõ hơn so với quy định trước đây, giúp các trường đỡ phải "sợ vượt chỉ tiêu" do các ngành khó tuyển sinh cũng như tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay khi các trường phải tuân thủ theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP và Nghị định 127/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, quy định mới sẽ giúp các trường linh hoạt trong xác định chỉ tiêu, từ đó chọn được thí sinh có điểm cao hơn và thực sự mong muốn theo học tại trường", thầy Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, dự thảo đã điều chỉnh, bổ sung một số quy định để đơn giản hóa quy trình, biểu mẫu xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh nhằm tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo chủ động hơn trong công tác tuyển sinh, từ việc xác định, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh đến việc báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, các nội dung của dự thảo Thông tư là cần thiết và mang tính chất cập nhật, phù hợp với các quy định hiện hành.
Dự thảo thông tư lần này có nhiều điểm quy định chi tiết hơn trong việc xác định chỉ tiêu liên quan đến năng lực đào tạo, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo.
Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP, khi tuyển vượt từ 3% trở lên sẽ bị phạt. Điều này cũng gây khó khăn bởi nếu muốn tuyển đúng như chỉ tiêu đã công bố thì phải tính đúng tỷ lệ ảo khi tuyển sinh. Hiện nay tuy quy trình lọc ảo tốt nhưng số thí sinh không nhập học sau khi được gọi vẫn khá cao. Để tuyển đúng, phải tính đến số ảo, và thực tế rất khó để có cách tính đúng 3% trong khi tỉ lệ ảo khá lớn.
Vì vậy, việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% là rất phù hợp và cũng giúp các trường tháo gỡ những khó khăn trong việc xác định được chính xác tỉ lệ gọi nhập học hằng năm.
Cũng theo thầy Chung, hàng năm, số lượng thí sinh không biến động quá nhiều. Hiện nay, có nhiều trường được tự chủ mở ngành, dựa trên cơ sở các ngành nghề phát triển, các trường có thể mở thêm từ 3-5 ngành mới. Mỗi ngành mới mở sẽ có thêm số lượng thí sinh đăng ký, vì vậy, điểm mới trong dự thảo lần này sẽ giúp các trường linh hoạt trong xác định chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, hiện nay, ít người để ý rằng các ngành mới mở nên có chỉ tiêu như thế nào để cân bằng được với những ngành đã mở bởi thường những ngành mới tuyển sinh năm đầu tiên sẽ không có nhiều chỉ tiêu. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần xem xét bài toán tuyển sinh sao cho hợp lý, cân bằng.
Nhìn chung, những tiêu chí mới trong dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở đào tạo và thuận lợi cho các trường trong vấn đề tuyển sinh.
Đồng thời, việc này nhằm đảm bảo tính chủ động của cơ sở đào tạo trong việc điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành khi có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không như dự kiến ban đầu.
Chú trọng hơn trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy
Cùng bàn về vấn đề này, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, khi các trường tuyển sinh sẽ xảy ra 3 tình huống: tuyển không đạt chỉ tiêu, tuyển đúng chỉ tiêu và tuyển vượt chỉ tiêu.
Điểm mới trong dự thảo lần này giúp các trường “dễ thở” khi thực hiện tuyển sinh, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố…
Hiện nay gần như nguồn thu của các trường, đặc biệt các trường tự chủ, hoàn toàn phụ thuộc vào học phí...Trong khi đó, có thể thấy trong những năm tuyển sinh qua, tuy đã đưa tất cả phương thức lên hệ thống lọc chung nhưng vẫn còn tỷ lệ ảo.
Chưa kể trong số thí sinh đã trúng tuyển có những em không nhập học vì nhiều lý do, hoặc các em nhập học được 1 thời gian sau đó nghỉ học. Chính vì vậy, điểm mới này có thể giúp trường “trừ hao” mà vẫn tuyển được số lượng sát hoặc đạt với chỉ tiêu đã công bố.
Bên cạnh việc các trường phải xác định chỉ tiêu theo đúng các điều kiện đảm bảo chất lượng, theo thầy Tống, cần chú trọng hơn nữa về cách kiểm tra, đánh giá, chất lượng của chương trình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Nếu trường có chất lượng tốt khiến đầu ra của sinh viên, tỉ lệ có việc làm cũng sẽ được nâng cao, doanh nghiệp đánh giá tốt, giúp cho người học và nhà trường đều phát triển.
Điều này cũng phù hợp với một điểm mới tại dự thảo là các cơ sở giáo dục đại học không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề bao gồm: Tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15%; tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% bởi các trường sẽ có trách nhiệm và quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp, chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có cơ chế, chính sách giúp sinh viên học tập tốt.
Thầy Tống cho rằng, điểm mới về tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên tại dự thảo nhằm hạn chế việc tăng chỉ tiêu không sát với nhu cầu thực tế của xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy điểm mới trong dự thảo lần này giúp các trường đỡ sợ tuyển vượt chỉ tiêu nhưng không thể vì thế mà nới lỏng chất lượng đầu vào để tuyển nhiều sinh viên. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần có trách nhiệm với sinh viên, để số lượng luôn đi đôi với chất lượng.
Đồng thời, cần nhận thức đúng đắn về chất lượng đào tạo để tuyển sinh cho phù hợp, tương ứng với những điều kiện mà đơn vị đang có, tránh tình trạng nới lỏng, tuyển sinh nhiều theo số lượng mà buông lỏng chất lượng.
Việc xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực đào tạo của từng nhóm ngành đòi hỏi các trường đại học phải chú trọng đến việc bố trí và phát triển đội ngũ giảng viên có chuyên môn phù hợp. Điều này giúp giảng viên gắn kết chặt chẽ hơn với ngành học mà họ giảng dạy, đồng thời đảm bảo chất lượng giảng dạy và nâng cao hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu của chương trình đào tạo.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, dự thảo, việc cho phép các cơ sở đào tạo tuyển sinh không vượt quá 20% bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo là một bước tiến đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh cũng như tháo gỡ nhiều khó khăn so với quy định hiện hành.
Bởi có những ngành khó tuyển sinh, chỉ tiêu chỉ có khoảng 30 em, nếu tuân theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP, các trường không được tuyển vượt trên 3% dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục đại học phải cân đo từng thí sinh ở từng ngành học để tránh vi phạm.
Bên cạnh đó, điều này còn liên quan đến mức điểm chuẩn và sự công bằng với thí sinh. Trong tuyển sinh, chênh nhau 0,1 điểm cũng làm thay đổi rất nhiều đặc biệt là ở những ngành có quy mô lớn thì chênh 0,1 điểm cũng có thể làm tăng thêm hàng chục sinh viên.
Vì vậy, nếu theo dự thảo Thông tư sẽ tạo điều kiện, cho phép các trường không tuyển vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo đã công bố thì đây sẽ là một điểm rất tích cực, giúp cho nhà trường thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh một cách linh hoạt, sinh viên sẽ không bị mất cơ hội.
Khi đó, các trường chỉ cần cân đối giữa các ngành, nhóm ngành sao cho đủ với tổng chỉ tiêu đã đề ra thì rất tốt, dễ dàng, thuận lợi hơn so với Nghị định 04/2021/NĐ-CP.
Có thể thấy rằng, dự thảo Thông tư mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục đại học. Dẫu vậy, mỗi đơn vị cần có kế hoạch để tuyển sinh cho phù hợp, xây dựng kế hoạch đào tạo cho các năm học được đảm bảo và ngày một tốt hơn.