Do tính đặc thù, đa số những sinh viên theo học ngành Đạo diễn sân khấu đều có xuất thân là diễn viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng phải bắt đầu làm diễn viên thì người học mới có thể theo đuổi ngành Đạo diễn sân khấu.
Những tố chất cần có khi học ngành Đạo diễn sân khấu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đạo diễn Bạch Khiết, một nữ đạo diễn sân khấu trẻ, tốt nghiệp Trường Đại học Sân Khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 cho biết: "Tôi không phải người có nền tảng là diễn viên từ trước, cá nhân tôi từng theo học khoa tiếng Trung của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi học khoảng một năm, tôi quyết định thi tuyển vào ngành Đạo diễn sân khấu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Lý do tôi chọn rẽ hướng sang ngành học này là bởi vì trong tôi luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho sân khấu. May mắn đối với tôi là từ năm 3 tuổi tôi được đi hát và biểu diễn khá nhiều, điều này giúp tôi sớm cảm nhận và mường tượng phần nào về sân khấu, dù lúc đó vẫn còn khá mơ hồ.
Môi trường học tập của sinh viên tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp tôi tiếp cận với công việc của một đạo diễn sân khấu. Thông qua những tiết thực hành thực tế tại trường và những buổi dàn dựng sân khấu qua bài tập ở từng kỳ học đã giúp tôi mở mang nhiều điều về sân khấu, bồi đắp những thế mạnh sẵn có của bản thân".
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu khi theo học ngành Đạo diễn sân khấu, chị Bạch Khiết cho biết: "Không có nền tảng của một diễn viên chuyên nghiệp, việc theo đuổi ngành Đạo diễn sân khấu bước đầu với tôi cần nhiều sự kiên nhẫn. Thực tế khi là sinh viên năm nhất, việc tìm hiểu về sân khấu, tiết tấu và nhịp trên sân khấu là những bài học sơ khai. Khi ấy, tôi phải chủ động học tập bằng việc đi xem kịch nhiều hơn để học thêm về âm nhạc, ánh sáng, lời thoại, cách nhả chữ, và cách di chuyển trên sân khấu. Đây là những kiến thức khó và phải học lâu nhất, ngoài học trong trường, đến khi tốt nghiệp, làm nghề tôi vẫn phải tiếp tục trau dồi liên tục những kiến thức này.
Ngoài ra còn có nhiều mảng kiến thức liên quan về mỹ học, thiết kế sân khấu, lý học để phân tích nhân vật, phân tích tâm lý nhân vật, hay kiến thức về lịch sử sân khấu thế giới, lịch sử sân khấu Việt Nam. Về cơ bản những điều này học trên lý thuyết 1 phần, 9 phần còn lại phải áp dụng vào thực hành mới giúp sinh viên hiểu đúng về những gì mình được học. Đây là lý do, khi học ngành Đạo diễn sân khấu chúng tôi thường được khuyên “hãy làm nghề đi” là như vậy.
Với một ngành đặc thù như Đạo diễn sân khấu, kinh nghiệm làm nghề được đong đếm bằng chính những trải nghiệm thực tế, sự chiêm nghiệm qua từng độ tuổi, góc nhìn qua từng vấn đề cuộc sống. Ngoài ra, từ trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy nếu sinh viên có khả năng ngoại ngữ để đọc các tư liệu nước ngoài, có thể giúp ích rất nhiều cho việc lĩnh hội tri thức mới mẻ về ngành Đạo diễn sân khấu".
Cùng có xuất phát điểm là một sinh viên học ngôn ngữ rẽ hướng sang học ngành Đạo diễn sân khấu, đạo diễn Châu Trần, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện cũng thường xuyên hỗ trợ các dự án sân khấu của sinh viên tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Thời điểm thi đại học, tôi cũng giống như đa phần những bạn sinh viên khác, ưu tiên lựa chọn ngành học ổn định, có định hướng về nghề nghiệp rõ ràng ở tương lai.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy mình có niềm say mê với sân khấu từ khi học lớp 10, qua những vở trích đoạn cổ tích được xem trên truyền hình, băng đĩa. Tuy nhiên, khi xét tuyển vào đại học tôi chưa đủ can đảm để theo đuổi ngành Đạo diễn sân khấu ngay từ đầu vì khi đó thông tin về ngành này trên các phương tiện truyền thông chưa nhiều, những hình dung với ngành học này chưa đủ rõ ràng. Đây cũng có thể coi là một khó khăn đối với những bạn yêu thích ngành học nhưng chưa có cơ hội va vấp với sân khấu nhiều như tôi.
Để theo đuổi ngành Đạo diễn sân khấu trước hết sinh viên cần có sự nhạy cảm với mọi thứ xung quanh, cùng với khả năng tìm tòi và học hỏi liên tục. Ngoài ra, ngành Đạo diễn sân khấu cũng là ngành học khá khó với những bạn trẻ, vì vậy để theo đuổi lâu dài tôi nghĩ việc có mục tiêu rõ ràng rất quan trọng. Đây là kim chỉ nam để giúp các bạn xác định đường đi nước bước cụ thể, không bị lung lay trước khó khăn thử thách sau này. Nếu coi ngành học này là một trải nghiệm đơn thuần thì rất khó để các bạn có thể theo nghề".
Định kiến nữ giới khó theo nghề đạo diễn sân khấu cần thay đổi
Nghề đạo diễn sân khấu được nhận định là nghề phù hợp với nam giới hơn nữ giới, định kiến này đã vô tình tạo áp lực đối với những đạo diễn nữ khi mới ra nghề. Bày tỏ suy nghĩ về vấn đề này, đạo diễn Bạch Khiết cho biết: "Với những đạo diễn nữ, họ luôn gặp phải rào cản, định kiến giới khi học và làm nghề. Nhiều người cho rằng điểm yếu của đạo diễn nữ chính là yếu tố cảm xúc, điều này làm họ khó đưa ra những quyết định hợp lý trong quá trình làm việc. Nếu như ai đã từng đọc về cuộc đời cố đạo diễn Dương Khiết, nữ đạo diễn của bộ phim “Tây Du Ký” có thể sẽ hiểu rõ hơn những định kiến mà người phụ nữ đã trải qua khi theo nghề là như thế nào. Để trở thành đạo diễn sân khấu, với nữ giới là cả quá trình cần biết nắm bắt cơ hội.
Tuy nhiên, theo tôi, điều này lại không phải khó khăn quá lớn mà là một thế mạnh với nữ giới khi làm nghề. Đặc tính nghề nghiệp cần có của một người đạo diễn sân khấu là sự rung cảm với mọi thứ xung quanh, nhờ vào điều này mà các đạo diễn nữ thường có sự cảm thụ vở diễn nhạy bén hơn so với đạo diễn nam. Vì thế nếu tóm gọn về thách thức của một đạo diễn nữ nói riêng và đạo diễn sân khấu nói chung thì đó chính là việc phải cân bằng tốt giữa lý trí và cảm xúc khi làm nghề".
Nhắc đến một số tố chất cần có ở một đạo diễn sân khấu, đạo diễn Bạch Khiết nhấn mạnh: "Một trong những tố chất quan trọng khi theo học ngành Đạo diễn sân khấu chính là sự kiên trì và đôi khi cần cả sự bất chấp. Bởi lẽ, người đạo diễn sau này phải cùng lúc xử lý nhiều vấn xung quanh như: vấn đề tài chính, nhân sự, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác nhau,... Đây đều là những biến số, có sự thay đổi liên tục. Vì vậy, nếu không có sự kiên trì và sự bất chấp đến cùng thì rất khó để xử lý những tình huống phát sinh, đạo diễn có thể sẽ dễ nản chí.
Bên cạnh đó, khả năng lên kế hoạch và sắp xếp các hoạt động chi tiết cũng là yếu tố cần có khi theo học ngành Đạo diễn sân khấu. Việc phải quản lý rất nhiều đầu việc và nhân sự cùng lúc sẽ thuận lợi hơn nếu bạn có được kỹ năng này ngay từ khi còn là sinh viên".
Đối với đạo diễn Châu Trần, để theo đuổi ngành Đạo diễn sân khấu, người đạo diễn phải có đủ trí và lực.
"Để dàn dựng một vở diễn đôi khi đạo diễn phải làm việc liên tục từ sáng đến đêm, thậm chí diễn ra trong nhiều ngày liền. Tất cả những rào cản này là điều mà sinh viên nên nhìn nhận trước, vì ngành học nào cũng sẽ có những khó khăn nhất định, vượt qua được tâm lý đó sẽ là cơ hội để bản thân sinh viên, đặc biệt là nữ giới, bứt phá nhiều hơn trong nghề này. Ngoài ra, tâm lý của đạo diễn sân khấu phải vững vàng mới có thể dàn dựng được một sân khấu chất lượng.
Bên cạnh đó, một vấn đề mà sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu nói chung cũng cần đối mặt đó là vấn đề tài chính. Để làm ra một vở diễn hoàn chỉnh, các bạn cần cân đo đong đếm nhiều chi phí như: chi phí chi trả cho ekip (nếu đông người), chi phí thuê phục trang, chi phí làm bối cảnh,... Nếu tài chính không quá dư giả, việc cân đối chi tiêu sao cho phù hợp cũng là một bài toán khó", đạo diễn Châu Trần chia sẻ thêm.

Để gắn bó lâu dài với nghề, chỉ dựa vào tấm bằng tốt nghiệp là chưa đủ
Với nền tảng kiến thức phong phú cả lý thuyết và thực hành, sinh viên tốt nghiệp ngành Đạo diễn sân khấu có cơ hội việc làm tương đối rộng mở. Tuy nhiên, theo một số đạo diễn để gắn bó lâu dài với nghề, nếu chỉ dựa trên tấm bằng tốt nghiệp thôi là chưa đủ.
"Học phải đi đôi với hành, điều này đúng ở mọi ngành nghề chứ không riêng đạo diễn sân khấu. Bằng cấp là phương tiện để làm nghề, còn kinh nghiệm là thứ giữ chân người đạo diễn ở lại với nghề.
Để tạo được bản sắc riêng của một đạo diễn sân khấu, thời điểm đầu tôi chấp nhận việc bản thân mình có thể sẽ giống một ai đó và dần dần tách ra để tìm kiếm chất riêng. Điều này là hoàn toàn bình thường với những đạo diễn trẻ, mới vào nghề, đôi khi họ cần phải chậm lại để định hình xem bản thân mình thật sự phù hợp với thể loại sân khấu nào.
Thử nghiệm càng nhiều phong cách, bạn sẽ càng hiểu rõ phong cách nào phù hợp với bản thân. Đừng quá lo lắng về việc bản thân phải thành công ngay lập tức, hãy cứ bình tĩnh, kiên trì học hỏi", đạo diễn Bạch Khiết bày tỏ.
Trong khi đó, đạo diễn Châu Trần cho hay, tốt nghiệp ngành Đạo diễn sân khấu, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm khác nhau như: đi dạy diễn xuất, dàn dựng sân khấu cho những sự kiện của các đơn vị hành chính hay doanh nghiệp lớn,...
"Tại Việt Nam, nghệ thuật sân khấu luôn cần những đạo diễn trẻ, có sức sáng tạo và công hiến. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay rất sẵn lòng chiêu mộ các đạo diễn có kinh nghiệp để giúp họ dàn dựng những vở diễn cho các sự kiện nội bộ hay cả những sự kiện tầm cỡ. Thu nhập của đạo diễn cũng khá tốt nếu họ biết tận dụng cơ hội và chăm chỉ làm việc.
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào ra trường cũng làm được đạo diễn, các bạn phải trải qua rất nhiều thử thách, học hỏi từ những đạo diễn gạo cội khác thì mới đủ bản lĩnh theo nghề. Hiện tại tôi cũng vẫn phải tiếp tục học tập, trau dồi bản thân, tôi tin rằng có những cơ hội đến là do bản thân chủ động chứ không thể ngồi đợi.
Mức lương của đạo diễn sân khấu tùy vào năng lực và tên tuổi của họ, muốn gia tăng thu nhập chắc chắn bạn phải không ngừng nỗ lực phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Trung bình mức thu nhập của đạo diễn sân khấu khoảng 15-30 triệu đồng/tháng".
Ngoài ra, đạo diễn sân khấu có thâm niên làm nghề có thể công tác tại các nhà hát theo diện thi tuyển viên chức. Nhạc sĩ Phạm Bá Chỉnh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ về vấn đề tuyển dụng đạo diễn sân khấu tại nhà hát.
"Đạo diễn sân khấu muốn làm việc tại Nhà hát Cải lương Hà Nội phải tham gia đợt thi tuyển công chức của Sở Nội vụ Hà Nội. Mỗi năm sở sẽ giao chỉ tiêu tuyển dụng cho nhà hát nên chúng tôi sẽ dựa trên cơ sở đó để tuyển dụng.
Số lượng đạo diễn mới hiện nay gần như chưa có nhiều mà đa số là các nghệ sĩ ưu tú có thâm niên và kinh nghiệm làm việc lâu năm tại nhà hát. Có một thực tế, càng có nhiều trải nghiệm sống, các đạo diễn sẽ càng có kinh nghiệm để dàn dựng sân khấu tốt hơn. Vì phải chu toàn nhiều đầu việc, làm việc với nhiều bộ phận khác nhau trong nhà hát nên đạo diễn sân khấu cần có sự dày dặn về kinh nghiệm chuyên môn.
Với những sinh viên mới ra trường, để có một định hướng rõ nét và nghiêm túc với nghề đạo diễn sân khấu, các bạn cần có thời gian để xông pha với nghề".

Ông Chỉnh cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi luôn mong muốn trong tương lai sẽ có những đạo diễn sân khấu tài năng, với sự trẻ trung và niềm yêu mến sân khấu sẽ đầu quân về nhà hát công tác. Đã đến lúc những thế hệ đạo diễn trẻ được cống hiến, phát huy những giá trị nghệ thuật sân khấu kết hợp với tính hiện đại của xu thế. Điều này sẽ còn là một hành trình dài đối với những đạo diễn trẻ và cả đơn vị nghệ thuật".