Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm. [1]
Đáng chú ý, tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này nêu rõ, việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải bảo đảm yêu cầu sau:
- Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 (bốn mươi lăm) học sinh;
- Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;
- Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.
Xung quanh quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông xin có đôi điều cùng trao đổi thêm về 3 nội dung trên.

Thứ nhất, là giáo viên bậc trung học phổ thông, người viết nhận thấy quy định mỗi lớp học thêm có không quá 45 học sinh là chưa phù hợp.
Theo Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đối với trường hợp "Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt", nếu xếp 45 học sinh/lớp thì giáo viên rất khó để theo sát, kèm cặp cho từng học sinh, nhất là các em lớp 9, lớp 12 phải thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Những năm qua, sau khi hoàn tất kiểm tra học kì 1, các tổ chuyên môn (ở đơn vị nơi người viết đang công tác) có môn thi tốt nghiệp tiến hành sàng lọc những học sinh có điểm kiểm tra dưới 3,5 hoặc học lực yếu để dạy phụ đạo (miễn phí) cho các em.
Học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ theo các môn học, mỗi nhóm tối đa là 15 học sinh. Người viết thấy rằng, việc chia nhóm càng nhỏ, càng có ít học sinh thì việc dạy càng hiệu quả. Hơn nữa, học sinh thấy giáo viên quan tâm sát sao nên các em sẽ cố gắng để không phụ lòng giảng dạy của thầy cô.
Giả sử một lớp học có từ 35 học sinh thì chủ yếu là thầy giảng trò nghe; thầy viết trên bảng, trò chép bài vào vở; giáo viên không đủ thời gian để chỉ bài, kiểm tra bài, chấm sửa bài cho từng học sinh.
Thứ hai, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định "không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường", theo quan điểm người viết là chưa phù hợp với đối tượng "Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi".
Bởi vì, học sinh giỏi hầu hết là những em hoàn toàn có khả năng học trước chương trình mà không gặp khó khăn hay áp lực gì nhiều. Hơn nữa, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia vẫn cần học trước chương trình để các em có thêm thời gian được bồi dưỡng nâng cao.
Đó cũng là lí do tại khoản 2 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định trường hợp học sinh phát triển sớm về trí tuệ thì được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định. [2]
Vừa qua, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho biết, dựa trên quy định tại điểm b, điểm c, Khoản 4 Điều 5 Thông tư 29: “…không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học thêm phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường”, “mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 tiết/tuần” chưa thực sự phù hợp với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và đối tượng học sinh giỏi.
Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh lại những nội dung trên cho phù hợp với tình hình thực tiễn. [3]
Người viết rất đồng tình với đề xuất này và mong cơ quan quản lí giáo dục cao nhất sớm xem xét, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn bồi dưỡng học sinh giỏi ở các nhà trường phổ thông.
Thứ ba, theo ghi nhận của người viết, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định "Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần" khiến nhiều hiệu trưởng và giáo viên rất băn khoăn.
Thực tiễn dạy học tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông cho thấy, học sinh giỏi và học sinh lớp 9, lớp 12 hoàn toàn có thể học nhiều hơn 2 tiết/tuần/môn.
Tại trường học nơi người viết đang công tác, trước lúc ngành giáo dục tổ chức kì thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2024-2025, giáo viên dạy đội tuyển dành toàn bộ buổi 2 để dạy bồi dưỡng cho các em. Học sinh học 3 tiết/buổi, học trong 4 buổi; tổng cộng là 12 tiết/tuần.
Riêng quy định học sinh lớp 9, lớp 12 chỉ được học thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần được nhiều hiệu trưởng và giáo viên cho là chưa hợp lí.
Việc ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm cũng cố kiến thức cho học sinh là rất quan trọng và đòi hỏi phải có nhiều thời gian để giáo viên vừa giúp các em nắm lại kiến thức lí thuyết vừa rèn kỹ năng giải đề.
Người viết lấy ví dụ đối với môn Ngữ văn lớp 12, một đề luyện tập theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 2 phần: Đọc hiểu và Viết (nghị luận xã hội, nghị luận văn học).
Để hướng dẫn học sinh luyện tập được 1 đề môn Ngữ văn, giáo viên cần tối thiểu là 3 tiết. Nếu học sinh học thêm trong 3 tuần thì giáo viên chỉ ôn được 2 dạng đề, không đảm bảo kiến thức cho các em làm bài thi.
Chưa kể, một tiết 45 phút thì giáo viên mất khoảng 5-7 phút để ổn định lớp học, dặn dò học sinh sau tiết học nên thời gian còn lại chẳng là bao.
Ngoài ra, quy định "Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần" cũng khiến lãnh đạo trường học rất khó sắp xếp thời khoá biểu và phân công giáo viên giảng dạy.
Ví dụ, giáo viên dạy các môn Ngữ văn, Toán, Anh Văn thường được phân công dạy 2 lớp 12. Nếu việc ôn thi tốt nghiệp được tổ chức trong 3 tuần thì 1 giáo viên chỉ dạy 1 buổi (4 tiết)/tuần. Các buổi còn lại thầy cô muốn đi du lịch, về thăm quê hay làm công việc khác cũng không được.
Cùng với đó, Khoản 2 Điều 3 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học quy định (trích):
Trường hợp phải phân công giáo viên dạy vượt định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần (bao gồm cả tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì tổng số tiết dạy vượt trong 01 tuần không quá 50% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần, tổng số tiết dạy vượt trong 01 năm học không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo quy định này, ví dụ giáo viên bậc trung học phổ thông chỉ được dạy vượt định mức là 8,5 tiết/tuần (tiết định mức là 17 tiết/tuần). Vì vậy, người viết đề xuất, mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 04 tiết/tuần là phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-29-2024-TT-BGDDT-quy-dinh-day-them-hoc-them-622469.aspx
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx
[3] https://giaoduc.net.vn/so-gddt-binh-dinh-neu-vuong-mac-ve-quan-ly-day-them-hoc-them-can-duoc-thao-go-post250524.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.