Người trong nghề chỉ ra tố chất cần có nếu muốn theo học ngành Đạo diễn sân khấu

Người trong nghề chỉ ra tố chất cần có nếu muốn theo học ngành Đạo diễn sân khấu

17/04/2025 06:21
Thảo Lê
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo chia sẻ từ những đạo diễn sân khấu, sinh viên theo học ngành này ngoài năng khiếu còn phải liên tục học hỏi và trau dồi kinh nghiệm làm nghề.

Đạo diễn sân khấu là những người chịu trách nhiệm chính trong việc sáng tạo, tổ chức và điều phối toàn bộ quá trình dàn dựng một vở diễn trên sân khấu. Họ là người chuyển ý tưởng trong kịch bản thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, kết hợp các yếu tố như: diễn xuất, âm nhạc, ánh sáng, cảnh trí, phục trang,… để mang đến một trải nghiệm nghệ thuật sống động và có chiều sâu tới khán giả.

Học ngành Đạo diễn sân khấu, sinh viên cần những tố chất gì?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tố chất cần có ở một sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu, Tiến sĩ, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Bùi Như Lai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng sinh viên cần có khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú.

"Đạo diễn sân khấu là người đứng sau hào quang của một vở diễn, vai trò của họ rất quan trọng và có thể nói là không thể thay thế. Để chuyển thể những con chữ từ kịch bản lên sân khấu cũng là quá trình làm việc đầy thử thách. Điều này đòi hỏi người đạo diễn cần có niềm say mê với sân khấu, khả năng quan sát, trí tưởng tượng phong phú.

Điều làm nên thành công của một đạo diễn sân khấu đến từ trải nghiệm làm nghề và chiêm nghiệm về cuộc sống thông qua các vở diễn. Khi có nền móng đào tạo tốt, các sinh viên học ngành Đạo diễn sân khấu cần chủ động trau dồi kỹ năng làm nghề, ví dụ như: học lên bậc học cao hơn, tìm hiểu sự mới mẻ ở sân khấu quốc tế. Khi đó kết hợp với những nền tảng văn hóa của Việt Nam, các bạn có thể tạo nên những sân khấu chất lượng. Sân khấu cũng giống như đời sống, nó luôn vận động, vì thế sự khao khát sáng tạo của các đạo diễn luôn cần cháy bỏng để thổi hồn cho từng tác phẩm.

Học tập ở môi trường đào tạo chuyên nghiệp là cơ hội giúp sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu được va vấp với nghề một cách thực tế nhất, có sự hỗ trợ của các thầy cô giáo đều xuất thân là những đạo diễn có kinh nghiệm".

BÙI NHƯ LAI.png

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, giảng viên Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng: "Khi nói đến cụm từ đạo diễn sân khấu tức là nói đến người chịu trách nhiệm dàn dựng lên một tác phẩm nghệ thuật ở sân khấu. Đây là người phải có khả năng điều hành, tập hợp, dẫn dắt các bộ phận khác trong cả tập thể để tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, người đạo diễn sân khấu cũng phải phát triển tất cả các kỹ năng, trong đó có đàm phán và thuyết trình, giúp diễn viên hiểu ý đồ của mình.

Với người đạo diễn sân khấu, sản phẩm của họ là một tác phẩm sân khấu. Trong sân khấu lại chia ra nhiều thể loại như: sân khấu chèo, sân khấu tuồng, cải lương, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch,... Vai trò của một đạo diễn sân khấu là rất lớn, bao quát nhiều đầu việc khác nhau.

Để trở thành đạo diễn sân khấu sinh viên phải nắm được các kỹ thuật biểu diễn hoặc có trải nghiệm cơ bản với sân khấu từ sớm. Vì vậy, những người chọn thi vào ngành Đạo diễn sân khấu đa phần đều là những sinh viên có nền tảng là diễn viên, có kinh nghiệm diễn xuất và mong muốn mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động.

Tôi thấy rằng, thông tin truyền thông về các ngành nghệ thuật nói chung hiện tại vẫn chưa phổ biến rộng rãi, nên việc tìm hiểu hay lựa chọn thi vào ngành này ở những học sinh trung học phổ thông cũng chưa nhiều. Xu hướng chung của các bạn là sẽ theo học diễn viên trước, đến khi có độ chín chắn và có niềm yêu thích với sân khấu mới tiếp tục theo đuổi ngành học này", thầy Tùng bày tỏ.

THẦY HOÀNG TÙNG

Cùng chia sẻ về vấn đề này, anh Tony Nguyễn (Lê Thiện Toàn) hiện là một giáo viên, diễn viên kịch tác gia và cũng là một đạo diễn sân khấu cho rằng khả năng làm việc nhóm, lãnh đạo là tố chất đầu tiên cần có ở một đạo diễn sân khấu tương lai.

"Tố chất cần có ở người đạo diễn sân khấu, thứ nhất là khả năng làm việc nhóm, có sự hợp tác tốt với nhiều bộ phận như: âm thanh, ánh sáng, nhạc công, diễn viên,... Thứ hai là sự kiên định, khi phải làm việc với nhiều người, đạo diễn phải nghe rất nhiều ý kiến khác nhau và nếu không kiên định, thiếu quyết đoán thì rất dễ sẽ không thể hoàn thành tốt vở diễn. Thứ ba là sự dấn thân, làm đạo diễn sân khấu bạn phải chấp nhận rằng quá trình làm nghề luôn phát sinh những bất ngờ, thậm chí là rủi ro cần đối diện và vượt qua. Không ngoa khi nói rằng, đạo diễn sân khấu là người biết tất cả mọi thứ về sân khấu. Cũng vì thế, để thực sự làm công việc đạo diễn sân khấu, kinh nghiệm và sự va vấp với nghề là rất quan trọng.

Với những đạo diễn trẻ mới ra nghề, thế mạnh lớn nhất chính là sự táo bạo, nắm bắt xu hướng nhanh nhạy, điều này sẽ giúp các bạn tạo nên những sản phẩm mới mẻ, được khán giả yêu mến. Tuy nhiên, để đi đường dài còn cần nhiều đến sự trải nghiệm và không ngừng nâng cao chuyên môn", anh Tony Nguyễn nhấn mạnh.

TONY NGUYỄN

Sinh viên cần chú trọng kỹ năng thực hành và trau đồi ngoại ngữ

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, bên cạnh lý thuyết sinh viên cần chú trọng đến yếu tố thực hành. Đây cũng là nội dung được nhà trường ưu tiên trong chương trình đào tạo.

"Hơn 80% thời lượng học tập của sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu là thực hành. Bởi vì, dù học lý thuyết chắc chắn đến đâu mà không thực hành thì sinh viên sẽ không thực sự hiểu hết kiến thức mình được học ứng dụng ra sao.

Mỗi kỳ học của sinh viên tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có nhiều nội dung thực hành và độ khó, độ phức tạp sẽ tăng dần.

Kỳ một, sinh viên sẽ thực hành các tiểu phẩm có thời lượng dưới 10 phút, đây là bài tập vỡ lòng đầu tiên của các đạo diễn. Kỳ hai, sinh viên sử dụng một cốt truyện có sẵn sau đó triển khai dựng lên thành một tác phẩm.

Kỳ ba, sinh viên sẽ làm quen với kịch bản dành cho sân khấu của các tác giả Việt Nam. Kỳ bốn, kịch bản dân gian và kịch bản lịch sử là nội dung các em được tiếp cận. Kỳ năm, sinh viên được tiếp cận với chất liệu kịch nước ngoài, hiện đại.

Kỳ sáu, các bạn sẽ làm quen với dữ liệu kịch cổ điển, là cổ đại hoặc cổ điển của nước ngoài. Đến hai kỳ học cuối cùng, sinh viên sẽ phải dàn dựng một vở diễn trọn vẹn", thầy Tùng chia sẻ.

Cũng theo giảng viên Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, hoạt động của đạo diễn sân khấu bắt đầu từ việc nhận đề bài từ nhà sản xuất (người đứng lên chịu trách nhiệm chính về kinh phí cho tác phẩm). Người đạo diễn bắt đầu xem xét nhu cầu khán giả và yêu cầu của nhà sản xuất để bắt tay vào công đoạn ý tưởng.

Có trường hợp, đạo diễn sẽ được giao kịch bản theo dạng thử nghiệm, nghĩa là được toàn quyền quyết định về triển khai nội dung. Tiếp đến, đạo diễn sân khấu sẽ lựa chọn ekip làm việc với mình bao gồm: đội ngũ diễn viên, người phụ trách âm nhạc, phụ trách ánh sáng, phụ trách mỹ thuật,... Cuối cùng là khớp tất cả các đầu mối với nhau, tập dượt, sơ duyệt, tổng duyệt và công diễn.

Trong khi đó, thầy Lê Hùng, Trưởng phòng, Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nội dung thực hành cũng được nhà trường chú trọng. Đây là yếu tố cốt lõi để sinh viên có thể làm quen và dần dần thành thạo với nghề.

"Sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu sẽ được học các khía cạnh quan trọng của việc đạo diễn các vở kịch và các sản phẩm nghệ thuật trên sân khấu, bao gồm: lý thuyết và lịch sử sân khấu, kỹ thuật đạo diễn, nghệ thuật diễn xuất, thiết kế và cảnh trí.

Trong chương trình đào tạo ngành Đạo diễn Sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên sẽ trải qua quá trình thực hành song song với lý thuyết ở từng môn học.

Sinh viên được tham gia vào các hoạt động: Thực hành dàn dựng vở diễn như các trích đoạn hoặc vở kịch hoàn chỉnh, từ việc phân tích kịch bản đến tổ chức biểu diễn trên sân khấu; Tham gia dự án thực tế: dự án nghệ thuật, lễ hội hoặc sự kiện văn hóa, giúp tích lũy kinh nghiệm và hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất sân khấu; Hợp tác với các đoàn kịch, nhà hát. Nhà trường có thể tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại những đoàn kịch, nhà hát chuyên nghiệp, nơi họ được làm việc cùng các đạo diễn và diễn viên giàu kinh nghiệm”, thầy Hùng chia sẻ.

Cùng chia sẻ về nội dung này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khuyên các sinh viên nên trau dồi ngoại ngữ để bổ trợ cho quá trình tìm hiểu chuyên sâu sau này với ngành Đạo diễn sân khấu.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc học ngoại ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu. Ngoại ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là chìa khóa giúp các bạn tiếp cận với kho tàng tri thức đa dạng từ nền sân khấu thế giới, từ lý thuyết nghệ thuật hiện đại đến xu hướng dàn dựng tiên tiến.

Việc thành thạo ngoại ngữ sẽ hỗ trợ đắc lực trong quá trình nghiên cứu, học hỏi, giao lưu quốc tế và đặc biệt là trong việc phát triển tư duy sáng tạo, từng bước hoàn thiện bản thân trên con đường trở thành một đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp trong thời đại hội nhập.

Cùng với đó, đạo diễn sân khấu sẽ làm việc chủ yếu với nhóm diễn viên, vì thế để tăng sự hiệu quả các sinh viên cũng cần phải trau dồi cả khả năng diễn xuất và hiểu biết sâu sắc về những loại hình sân khấu mà mình thực hiện có tính chất như thế nào", thầy Lai chia sẻ.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm nghề cũng như học tập ở môi trường quốc tế, anh Tony Nguyễn liệt kê những kỹ năng nghề nghiệp của một đạo diễn sân khấu: "Kỹ năng của một người đạo diễn sân khấu trước hết chính là viết ra được ý tưởng, kịch bản hoàn chỉnh cho vở diễn. Bên cạnh việc xây dựng ý tưởng cho vở diễn, đạo diễn sân khấu cũng cần có kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả để có thể đứng ra tổ chức và sản xuất vở diễn.

Ngoài ra, do đặc thù của ngành đạo diễn sân khấu đòi hỏi tinh thần làm việc nhóm cao, nên khả năng giao tiếp cũng là yếu tố không thể thiếu. Trong quá trình làm việc, xung đột giữa đạo diễn và các bộ phận khác là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, đạo diễn phải là người chủ động tìm giải pháp, lắng nghe và dung hòa quan điểm của các bên để hướng tới sự đồng thuận, đảm bảo tiến trình sáng tạo diễn ra suôn sẻ và hiệu quả".

thumb
Để học tốt ngành Đạo diễn sân khấu sinh viên cần chú trọng nội dung thực hành. (Ảnh: Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội)

Cơ hội việc làm phong phú bởi sân khấu luôn cần những đạo diễn có tâm và có tầm

Đạo diễn Tony Nguyễn nhận định, cơ hội việc làm và thu nhập của một đạo diễn sân khấu ở mức ổn định. Vị đạo diễn hé lộ, mức thu nhập của đạo diễn sân khấu sẽ phụ thuộc nhiều vào tên tuổi của người đó. Một tác phẩm sân khấu được dàn dựng có thể có mức chi phí lên tới cả trăm triệu đồng thậm chí hơn.

"Thị trường việc làm theo tôi là khá rộng mở với ngành Đạo diễn sân khấu, đặc biệt với những người có vốn ngoại ngữ ổn vì có thể dàn dựng cả những vở diễn tiếng nước ngoài, điều này đồng nghĩa với việc thu nhập cũng có thể tăng lên nhiều hơn. Thu nhập của một đạo diễn sẽ phụ thuộc vào tên tuổi và kinh nghiệm làm nghề. Một vở diễn được dàn dựng ở những sự kiện tầm cỡ có thể lên đến cả trăm triệu đồng.

Trước khi nghĩ đến việc nâng cao thu nhập, đạo diễn mới ra nghề cũng có những sân khấu nhỏ để thử sức như: sân khấu nghệ thuật ở phường, xã, sự kiện nhỏ rồi mới dần tiến đến những sân khấu lớn chuyên nghiệp hơn. Thời điểm này, các bạn đạo diễn trẻ cũng phải bỏ bớt cái tôi cá nhân, lăn xả với nghề từ những vị trí đơn lẻ tại sân khấu như: phụ trách âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, dàn dựng sân khấu,... Và dần khi có nhiều tác phẩm thì các bạn sẽ khẳng định được tên tuổi của mình nhiều hơn", anh Tony Nguyễn cho biết.

hai.jpg
Ảnh minh họa: website Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh

Thầy Nguyễn Hoàng Tùng cũng nhận định rằng cơ hội việc làm ngành Đạo diễn sân khấu khá rộng mở và tuổi nghề của đạo diễn sân khấu không giới hạn như nhiều ngành nghề khác.

"Tuổi nghề của đạo diễn sân khấu sẽ phụ thuộc vào khả năng sức khỏe và mong muốn của người đó. Hiện tại, những đạo diễn đã nghỉ hưu vẫn làm việc tới 70 - 90 tuổi, chỉ cần sức khỏe cho phép. Tại Việt Nam, sân khấu quần chúng rất phát triển, các công ty hay doanh nghiệp đều muốn làm kịch sân khấu cho sự kiện hay chất liệu cho những cuộc thi. Bởi vì các đơn vị không chuyên thường không có chuyên môn trong lĩnh vực diễn xuất và đạo diễn, họ sẽ mời và thuê những đạo diễn chuyên nghiệp đến để hướng dẫn.

Những đạo diễn mới ra nghề có thể tham gia vào các câu lạc bộ kịch không chuyên của các trường học, tham gia dựng các vở kịch, thậm chí là viết những tiểu phẩm ngắn để lấy kinh nghiệm thêm. Đồng thời, đạo diễn sân khấu cũng có kinh nghiệm diễn xuất nên tham gia dạy ở các trung tâm nghệ thuật cũng là một hướng đi đáng cân nhắc.

Tôi muốn nhắn gửi đến sinh viên rằng, sân khấu kịch hay sân khấu nói chung sẽ luôn gắn liền với đời sống của khán giả, miễn là người đạo diễn có sức sáng tạo như thế nào để phục vụ được khán giả hay không. Sân khấu có nhiều thể loại khác nhau nên việc định hình phong cách mình muốn theo đuổi từ sớm sẽ giúp sinh viên nhanh chóng tìm được hướng đi phù hợp với nghề sau khi ra trường".

Thảo Lê