Không được phê bình học sinh vi phạm, vô lễ, thầy cô phải làm ngơ?

07/04/2022 08:34
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quyền của giáo viên trong xử lý kỷ luật học sinh trong giai đoạn hiện nay được ví với “quyền rơm, vạ đá”.

Mong muốn chung của cả phụ huynh, giáo viên là các em học sinh trở thành con ngoan, trò giỏi, sống có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp phụ huynh “khoán trắng” cho nhà trường và giáo viên trong việc dạy dỗ con em họ nên người.

Nhiều người mặc định việc con em họ không học giỏi, không ngoan là do nhà trường, do giáo viên mà quên đi trách nhiệm lớn của gia đình trong việc giáo dục con cái.

Bên cạnh đó, quyền của giáo viên trong xử lý kỷ luật học sinh trong giai đoạn hiện nay được ví với “quyền rơm, vạ đá”.

Vấn đề kỷ luật học sinh như thế nào vẫn là câu chuyện nhiều giáo viên bàn luận. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Vấn đề kỷ luật học sinh như thế nào vẫn là câu chuyện nhiều giáo viên bàn luận. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Học sinh vi phạm, giáo viên dùng “quyền rơm” để xử lý?

Có thể nói hiện nay, giáo viên vô cùng vất vả và chịu áp lực từ rất nhiều phía.

Về công việc, có rất nhiều thay đổi giáo viên phải cập nhật, nào là nâng chuẩn, bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn chương trình mới, thay sách giáo khoa, bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh,…

Về dạy học, các thầy cô phải xoay sở dạy trực tuyến, trực tiếp, làm hồ sơ trực tiếp, trực tuyến, cấp nhật đủ các loại phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức, các phần mềm sổ điểm điện tử,…

Bên cạnh đó, giáo viên còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau như văn thư, y tế, thiết bị,… công việc cũng giống như một nhân viên thực thụ, nhiều nơi thiếu nhân viên thì giáo viên còn phải trực trường kiêm luôn nhiệm vụ của bảo vệ, tạp vụ.

Công việc của giáo viên chủ nhiệm thì khỏi phải nói, “thượng vàng hạ cám” đều đổ lên đầu giáo viên chủ nhiệm, học sinh vi phạm trong và ngoài nhà trường thì gần như lỗi của giáo viên chủ nhiệm, các loại khoản thu quỹ học phí, quỹ phụ huynh,… cũng được giao chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm.

Các phong trào của học sinh thì giáo viên chủ nhiệm phải trở thành “đạo diễn” bất đắc dĩ.

Rồi hàng loạt các áp lực khác về chỉ tiêu thành tích, chỉ tiêu học sinh giỏi, chỉ tiêu ở lại lớp, chỉ tiêu bỏ học,… đều giao cho giáo viên, giáo viên chủ nhiệm.

Đặc biệt nhất và gây bức xúc nhiều nhất chính là quy định việc giáo viên xử lý học sinh vi phạm.

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ tháng 11/2020, quy định giáo viên không được kỷ luật học sinh vi phạm bằng việc phê bình trước trường, trước lớp,...

Giáo viên không được xúc phạm thân thể, nhân phẩm,… học sinh là đúng nhưng không được phê bình học sinh trước lớp thì khiến giáo viên rất khó khăn trong việc kỷ luật học sinh.

Giả sử giáo viên đang giảng dạy có học sinh không ghi bài, đánh nhau, nói tục chửi thề, khi giáo viên nhắc nhở, em này tiếp tục thách thức, vô lễ giáo viên. Nếu giáo viên không được phê bình học sinh thì giáo viên sẽ xử lý bằng cách nào?

Hình như ở đây có sự nhầm lẫn giữa xúc phạm và phê bình, phê bình là học sinh có vi phạm thì giáo viên có quyền nhắc nhở để em đó không tái phạm và làm gương cho các bạn khác không vi phạm.

Trong buổi sinh hoạt dưới cờ, khi hiệu trưởng đang trình bày thì có học sinh quậy phá, nói tục,… hiệu trưởng vẫn không có quyền phê bình học sinh trước trường, học sinh vi phạm nhiều lần vẫn không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường thì quá vô lý, dung dưỡng cái xấu thì cái xấu sẽ lên ngôi, giáo viên càng vô cảm, thu mình và "mất giá" trong mắt người học, phụ huynh.

Giáo viên có thể bị phê bình trước tập thể hội đồng sư phạm nhưng lại không được phê bình học sinh trước lớp khi học sinh vi phạm nghiêm trọng thì có phần vô lý, nên được xem xét lại.

Giáo viên “quyền rơm” nhưng “vạ đá”

Có thể nói chưa giai đoạn nào mà giáo viên “mất giá” như hiện nay, học sinh vi phạm, thách thức, vô lễ,… thì giáo viên chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đành im lặng, cam chịu,… để được yên thân.

Có thể nói, giáo viên không có cách gì để xử lý học sinh, gần như đã bị tước đoạt quyền xử lý học sinh.

Gần như trong tất cả vụ việc lúc nào cũng quy về có lỗi của giáo viên, nào là giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, nào là không thương yêu học sinh, nào là thiếu am hiểu pháp luật,... ngay cả học sinh bạo hành thể chất và tinh thần giáo viên thì giáo viên cũng có lỗi là tại sao không biết ứng xử để học sinh bạo hành mình.

Giáo viên cô đơn ngay trong ngôi trường mà mình đang giảng dạy. Ai đang làm giáo viên sẽ biết những áp lực vô hình này lớn đến dường nào.

Nhiều vụ giáo viên bị phê bình, nhắc nhở, xử lý kỷ luật,… vì xử lý học sinh vi phạm cho thấy giáo viên hiện nay “quyền rơm, vạ đá”.

Giáo viên vô cảm, thu mình và “sợ” học sinh mình dạy là điều có thật trong giai đoạn hiện nay.

Theo quan điểm người viết, học sinh sai phạm thì không nên mãi nuông chiều, không phải em nào vi phạm cũng dùng cách thuyết phục nhắc nhở để các em không tái phạm, tùy đối tượng học sinh mà có cách giáo dục khác nhau, đôi khi kỷ luật cũng là giáo dục.

Rất mong, trong thời gian tới khi thay thế Thông tư 08/1998 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông (hiện nay đang dự thảo), Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định cụ thể, chi tiết các hình thức giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu trường được xử lý học sinh.

Khi được quy định cụ thể, rõ ràng, hợp lý, hợp tình, có tính chất giáo dục nhưng phải đảm bảo tính răn đe để người vi phạm không tái phạm thì mới giảm bớt các vụ bạo lực học đường trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét lại việc không cho giáo viên phê bình học sinh trước lớp, trước trường và ban hành thêm những việc giáo viên được làm, xử lý học sinh trong quá trình giảng dạy, giáo dục.

Chỉ khi giáo viên được tự chủ, cởi trói về phương pháp giảng dạy và giáo dục học sinh thì giáo viên sẽ có những biện pháp giáo dục hợp lý để các học sinh đều hướng đến sự tốt đẹp, hướng đến chân lý “chân, thiện, mỹ” trong giáo dục, giảm bớt các vụ bạo lực học đường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên