Không cần sáng kiến kinh nghiệm vẫn được xét Chiến sĩ thi đua, GV có lợi thế?

11/09/2023 06:43
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ hội của giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ thường rất khó đạt được số phiếu tín nhiệm cần thiết từ Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường.

Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi 2022 được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 15/6/2022 bao gồm 8 Chương, 96 Điều quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng.

Theo hướng dẫn mới, tại Điều 23. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của Luật thi đua, Khen thưởng 2022 thì cá nhân được xét, đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” là những người đạt các tiêu chuẩn “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Nhìn qua hướng dẫn này, nhiều giáo viên có thể cảm thấy vui mừng vì tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí duy nhất khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Thế nhưng, những giáo viên không kiêm nhiệm các chức vụ, đoàn thể trong nhà trường cũng rất khó có thể đạt được danh hiệu này vì số lượng rất khiêm tốn và được bỏ phiếu kín.

Sáng kiến kinh nghiệm đã được ưu ái trong các năm vừa qua khi xét thi đua (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Sáng kiến kinh nghiệm đã được ưu ái trong các năm vừa qua khi xét thi đua

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Sáng kiến kinh nghiệm được nhiều ưu ái

Sau một năm học, điều mà một số giáo viên giảng dạy tích cực, hiệu quả và tham gia nhiều phong trào của trường, của ngành đều hướng tới việc cá nhân mình sẽ được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được xét danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Mục đích này, suy cho cùng đó là mặt tích cực trong quá trình công tác, phấn đấu của giáo viên ở các nhà trường nhằm thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị.

Vì thế, ngoài công việc giảng dạy theo định mức, một bộ phận giáo viên còn được lãnh đạo nhà trường tin tưởng phân công ôn thi học sinh giỏi; hướng dẫn học sinh một số cuộc thi có liên quan đến bộ môn của mình mà ngành, địa phương phát động.

Bên cạnh đó, một số giáo viên còn thi làm đồ dùng dạy học; thi viết sáng kiến kinh nghiệm; thi giáo viên chủ nhiệm giỏi; giáo viên dạy giỏi nhằm có thêm những thành tích để cuối năm được đánh giá, xếp loại và xét thi đua.

Nhưng, trớ trêu ở chỗ là trong hướng dẫn xét loại viên chức, xét thi đua cuối năm của viên chức những năm qua lại quá xem trọng sáng kiến kinh nghiệm mà việc sáng kiến kinh nghiệm đạt giải lại thường rất khó khăn đối với những giáo viên đứng lớp.

Cụ thể, việc xếp loại viên chức cuối năm những năm qua theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP; Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP đều yêu cầu phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xét viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2020/NĐ-CP không yêu cầu viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có sáng kiến kinh nghiệm nữa nhưng dưới cơ sở vẫn ưu ái đối với những giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm được Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh công nhận mới xét loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đặc biệt, việc xét danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên theo Điều 9, Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ vẫn yêu cầu phải có sáng kiến. Các loại hình khen thưởng như Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ, Chính phủ….đều yêu cầu có từ 2 sáng kiến kinh nghiệm trở lên.

Danh hiệu Nhà giáo ưu tú; Nhà giáo nhân dân cũng yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm…

Trong khi đó, việc chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do lãnh đạo Phòng Giáo dục chấm, Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định công nhận.

Sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường trung học phổ thông; trung tâm giáo dục thường xuyên do lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chấm, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận.

Chính vì thế, những giáo viên vô danh, không kiêm nhiệm các chức vụ ở trường học viết sáng kiến kinh nghiệm thường khó đạt giải bởi không phải địa phương nào cũng thể hiện được tính công tâm, khách quan khi chấm.

Vậy nên, lãnh đạo nhà trường viết thì gần như đều đạt giải, không giải A thì giải B. Thấp nhất cũng giải C- đủ điều kiện để xét các danh hiệu thi đua và đánh giá, xếp loại viên chức ở mức cao nhất.

Trong khi, theo hướng dẫn của Nghị định 91/2017/NĐ-CP thì các đơn vị xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.

Vì thế, nếu trường có 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến sẽ có 4 người (không xét số lẻ) được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua; có 50 người đạt danh hiệu Lao động tiên tiến sẽ có 7 người được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua…

Vì thế, cơ hội của giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ thường rất khó đạt được số phiếu tín nhiệm cần thiết từ Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường. Bởi lẽ, Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường là các thành viên Ban giám hiệu; tổ trưởng chuyên môn; chủ tịch Công đoàn; Đoàn- Đội. Vì thế, những thành viên ngồi trong hội đồng sẽ có nhiều lợi thế trong việc phân tích ưu điểm, hạn chế để đề nghị xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên và các loại Bằng khen của các cấp.

Việc bỏ phiếu kín thì thông thường những vị có “chức tước” và đang ngồi trong Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường vẫn có nhiều ưu thế hơn. Vì thế, những năm qua vẫn có chuyện giáo viên có nhiều thành tích không được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nhưng những thành viên cốt cán- đặc biệt là các thành viên Ban giám hiệu nhà trường thường có mặt ở vị trí đầu tiên.

Lãnh đạo nhà trường nhiều lợi thế khi xem xét danh hiệu thi đua

Theo hướng dẫn tại Điều 7 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT thì định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

Cụ thể: định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Điều này cho thấy, ngoài công tác quản lý, Ban giám hiệu các trường phổ thông đều phải đứng lớp 1 số tiết bắt buộc và tất nhiên là họ có thể thi giáo viên dạy giỏi các cấp, ôn thi học sinh giỏi; thi làm đồ dùng dạy học...

Tuy nhiên, theo trải nghiệm của người viết, ít hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tham gia những phong trào này mà mỗi năm, những thành viên Ban giám hiệu chỉ cần viết 1 sáng kiến kinh nghiệm là có thể sẽ có mọi thứ.

Trong khi đó, một bộ phận giáo viên ở các nhà trường có rất nhiều thành tích nhưng khi xếp loại viên chức cuối năm, xét thi đua cuối năm thì thường đứng sau Ban giám hiệu nhà trường.

Bây giờ, theo hướng dẫn của Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi 2022 có hiệu lực từ năm 2024 tới đây khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua chỉ cần đáp ứng được 1 trong 2 tiêu chí “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến” có thể là điều đáng mừng đối với giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ nhưng điều này không có nghĩa là sáng kiến kinh nghiệm đã giảm đi “vai trò, vị thế” vốn có.

Khi xét thi đua hiện nay ở các nhà trường vẫn căn theo thành tích và phiếu bầu của Hội đồng thi đua khen thưởng. Vì thế, người có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải rõ ràng vẫn nổi trội hơn người không viết hoặc không đạt giải sáng kiến kinh nghiệm…

Hơn nữa, việc xét thi đua còn đòi hỏi về tính khách quan, công tâm của Hội đồng thi đua khen thưởng nhà trường- nhất là đối với các thành viên Ban giám hiệu nhà trường. Bởi, với hướng dẫn hiện nay ngoài việc sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì những viên chức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” cũng đủ điều kiện để xét và đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Nếu thực hiện không khéo, không khách quan thì những bất cập có thể có nhiều hơn trước đây vì từ năm học này, những thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường có thể không cần viết sáng kiến kinh nghiệm thì họ vẫn nghiễm nhiên đủ điều kiện để xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bởi vì cứ nhìn vào xếp loại viên chức cuối năm học ở các nhà trường, có mấy khi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ” đâu, chủ yếu là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Vì vậy, cơ hội để giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ, đoàn thể vẫn khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn trước đây trong việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở vì tỉ lệ xét Chiến sĩ thi đua cơ sở ít và khi bỏ phiếu tín nhiệm thì giáo viên ở các tổ chuyên môn khó có thể đủ số phiếu cần thiết theo quy định.

Phải thực sự công tâm, khách quan và người đứng đầu đơn vị không xem trọng thành tích cá nhân của mình thì việc xét thi đua mới tạo được động lực cho giáo viên và các văn bản hướng dẫn thi đua, khen thưởng mới phát huy được tính tích cực, mới thực sự đáng mừng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG