Khó tuyển sinh, lời giải nào cho bài toán tài chính của trường ĐH địa phương?

31/01/2024 06:27
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để giải quyết được bài toán tài chính cần tập trung phát triển 3 yếu tố: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và quản trị đại học.

Trường đại học trực thuộc địa phương được thành lập với mục tiêu thực hiện sứ mệnh phục vụ nhu cầu đào tạo đa dạng về nguồn nhân lực trình độ cao cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giúp nâng cao dân trí, mở rộng thêm cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học tại chỗ của cộng đồng các địa phương.

Hiện nay, có trường đại học địa phương phát triển nhanh và giàu sức sống; nhưng nhiều trường, nếu thực sự không tìm được chỗ đứng và giải quyết được bài toán tài chính, thì có thể phải đối mặt với tình thế khó khăn.

Phải có sự quan tâm trực tiếp, có trọng tâm, trọng điểm từ địa phương

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Chiến - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho hay, các trường đại học trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh quản lý, hằng năm trên cơ sở nhu cầu đề xuất của nhà trường, Uỷ ban Nhân dân tỉnh sẽ xem xét quyết định cấp ngân sách đầu tư.

Tiến sĩ Trần Đình Chiến - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương. Ảnh: Website nhà trường

Tiến sĩ Trần Đình Chiến - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương. Ảnh: Website nhà trường

Tuy nhiên, mức đầu tư hằng năm cho mỗi trường còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn lực tài chính của địa phương cũng như mức độ được giao tự chủ tài chính của nhà trường.

Nhằm định hướng giải quyết và tháo gỡ bài toán tăng nguồn tài chính để vận hành phát triển cơ sở đào tạo, các trường kiến nghị tăng đầu tư với Uỷ ban Nhân dân tỉnh trên cơ sở nhu cầu mức độ được giao tự chủ tài chính của trường.

Song, mỗi trường đại học cần có lộ trình phát triển cụ thể, rõ ràng và hiệu quả thông qua xây dựng các đề án, kế hoạch được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc được đưa vào chương trình hành động của tỉnh theo năm hoặc theo giai đoạn.

Được biết, kể từ khi thành lập vào năm 2003, trong 21 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Hùng Vương được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh cũng như sự đồng hành, ủng hộ của các sở, ban, ngành tại địa phương và các cơ quan trong tỉnh.

“Đảng uỷ, lãnh đạo trường luôn cần đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên từng bước xây dựng và phát triển nhà trường, tạo được niềm tin của xã hội và lãnh đạo tỉnh.

Từ đó, mối liên kết hai chiều giữa nhà trường và tỉnh địa phương luôn gắn bó chặt chẽ, trường được quan tâm đầu tư sát sao cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Theo kế hoạch từ năm 2024, nhà trường nâng mức tự chủ từ 23% lên 47%, đây là thử thách mới để trường tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác tuyển sinh và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm tăng nguồn thu, đáp ứng nhu cầu phát triển theo chiến lược đã được phê duyệt”, Tiến sĩ Trần Đình Chiến thông tin.

Cùng làm rõ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cho biết, nguồn ngân sách của các tỉnh hiện nay chủ yếu giải quyết cho vấn đề chi trả lương cho các cán bộ, giảng viên trong biên chế và hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ bản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình. Ảnh: Website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình. Ảnh: Website nhà trường

Việc Uỷ ban Nhân dân tỉnh có các chính sách nâng đỡ, hỗ trợ, tạo động lực và điều kiện để cho trường đại học địa phương phát triển vươn lên là điều rất cần thiết và quan trọng. Có thể nói, trường đại học địa phương muốn xây dựng, phát triển bền vững và mạnh mẽ, thì đều cần hội tụ yếu tố gắn kết chặt chẽ với tỉnh.

“Cũng như một số trường đại học địa phương khác, Trường Đại học Thái Bình được Uỷ ban Nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm về giáo dục, đào tạo, phát triển. Những quyết định của tỉnh thể hiện rõ sự ủng hộ đối với quá trình phát triển cũng như “bật đèn xanh” tạo điều kiện thuận lợi ở nhiều mặt. Điều này là một trong số những yếu tố căn cốt giúp nhà trường có điều kiện và động lực để phát triển tốt trong thời gian tới”, thầy Phạm Quốc Thành chia sẻ.

Theo quan điểm của Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình, từ thực tiễn nhận thấy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt hơn cho hệ thống chính sách và chiến lược phát triển nhà trường, lãnh đạo tỉnh nên tham gia vào hội đồng trường.

Nhà trường cũng cần gia tăng giá trị thương hiệu

Theo quan điểm của Tiến sĩ Trần Đình Chiến, một trường đại học nói chung và trường đại học địa phương nói riêng muốn phát triển tốt và giải quyết được bài toán tài chính cần tập trung ưu tiên xây dựng, phát triển ba yếu tố cốt lõi: Cơ sở vật chất đáp ứng công tác đào tạo; Đội ngũ cán bộ, giảng viên – nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo công tác đào tạo; Công tác quản trị đại học hiệu lực, hiệu quả.

Để nhà trường vận hành phát triển thì nhất quyết phải đảm bảo được nguồn đầu tư. Việc tăng nguồn thu tài chính của các trường hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào học phí, do vậy, nhà trường phải làm tốt công tác tuyển sinh đi cùng với đảm bảo chất lượng đào tạo.

“Song, hiện nay, nhiều trường đại học ở địa phương đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh bởi nhiều yếu tố.

Trong đó nguyên nhân chất lượng đào tạo là tiên quyết, tiếp theo là sự đồng hành của nhà trường trong suốt quá trình đào tạo và cam kết việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.

Muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì ba yếu tố cơ sở vật chất, đội ngũ, quản trị đại học phải được thực hiện đảm bảo đồng bộ, đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực (đội ngũ giảng viên) phải được quan tâm đầu tư vì có tính quyết định”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho hay.

Năm 2024, Trường Đại học Hùng Vương nâng mức tự chủ từ 23% lên 47%. Ảnh: Website nhà trường

Năm 2024, Trường Đại học Hùng Vương nâng mức tự chủ từ 23% lên 47%. Ảnh: Website nhà trường

Về giá trị cốt lõi, đối với một trường đại học, chỉ khi chất lượng đào tạo, dịch vụ tốt thì giá trị thương hiệu mới tăng, độ tin cậy và uy tín sẽ cao, từ đó nguồn tuyển sinh mới được đảm bảo. Trong đó, đội ngũ giảng viên là những người tạo ra chất lượng, tạo nên thương hiệu và mang lại giá trị bền vững cho các cơ sở đào tạo.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành nhận định: Nguồn thu của các cơ sở giáo dục đào tạo phải đa dạng. Đối với nhiều trường đại học lớn trên thế giới, nguồn tài chính thu về rất phong phú như từ học phí, nhà nước đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ, dịch vụ hỗ trợ, nguồn quỹ đóng góp từ nhóm cựu sinh viên,...

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chỉ có một số trường đại học thực hiện được đa dạng nguồn thu tốt, các cơ sở đào tạo còn lại vẫn chủ yếu dựa vào học phí. Hơn nữa, đại đa số trường đại học địa phương vừa có định mức học phí không cao, vừa khó thu hút được người học, dẫn đến nguồn thu còn nhiều hạn chế.

Tiết kiệm các nguồn chi và sử dụng hiệu quả các nguồn thu bổ sung là giải pháp định hướng cần thiết. Cơ sở đào tạo nên rà soát lại cơ cấu để có thể mở thêm ngành nghề địa phương có nhu cầu, hoàn thiện cơ cấu đa ngành trong bối cảnh, tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo đảm là một cơ sở đào tạo của tri thức, trí tuệ, gắn giữa nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đúng nghĩa.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình nhấn mạnh việc xây dựng một môi trường văn hóa, làm việc chuyên nghiệp trong trường đại học. Cơ sở giáo dục đại học phải thu hút được giảng viên có trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư; những nhà quản lý có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, có trình độ chuyên môn cao; lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế mới có thể nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng ngành học mới phù hợp, đào tạo người học vững về kiến thức lý thuyết, giỏi về thực hành và có nhiều kỹ năng mềm cần thiết, từ đó quảng bá được chất lượng, uy tín của nhà trường.

Để đạt được mục tiêu như vậy, trường đại học địa phương phải có những chính sách đặc biệt thu hút, chế độ đãi ngộ, trọng dụng người tài; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động, người học; thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; khuyến khích tinh thần làm việc tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm; tạo môi trường học tập, dịch vụ tốt nhất cho người học.

Đặc biệt, trường đại học địa phương cũng cần hoạch định chính sách phù hợp với sự phát triển của tỉnh, thực hiện kết nối nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, mở rộng đào tạo các ngành nghề công nghệ cao phục vụ sự phát triển của tỉnh.

“Mỗi nhà trường cần có nội lực phát triển, năng động, đổi mới, sáng tạo, không nên chỉ trông chờ vào địa phương. Cơ sở đào tạo nên đẩy mạnh kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ; gắn kết doanh nghiệp với nhà trường để đặt hàng ngắn hạn nguồn nhân lực có trình độ tới thực tập, trải nghiệm thực tế.

Đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, tăng cường công tác truyền thông về định hướng xu thế phát triển trong giai đoạn mới của nhà trường cũng là giải pháp hợp lý để tạo dựng môi trường đào tạo lành mạnh và đủ sức hấp dẫn thu hút người học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành nêu bật.

Mặt khác, trong bối cảnh nhiều trường đại học địa phương đang gặp khó khăn về tài chính và tuyển sinh như hiện nay, theo ý kiến của Tiến sĩ Trần Đình Chiến, việc đề xuất “hệ sinh thái” cộng đồng các trường đại học địa phương liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng phát triển, phân tầng, liên thông hệ thống đào tạo là điều nên làm. Bất cứ hệ sinh thái hay cộng đồng nào khi xây dựng chỉ có ý nghĩa khi nó phải đảm bảo nguyên tắc sự tham gia có trách nhiệm và cùng phát triển của các thành viên.

Lưu Diễm