Trường ĐH đặt tại địa phương tuyển sinh khó, chuyên gia kiến nghị giải pháp

06/01/2024 06:13
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số trường đại học công lập đặt tại địa phương xa các trung tâm kinh tế - xã hội lớn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số trường đại học công lập đặt tại địa phương - nơi không gần trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước những năm gần đây gặp khó trong tuyển sinh.

Đơn cử như Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) 2 năm liền tuyển sinh èo uột, thậm chí ngành Công nghệ Kỹ thuật môi trường chỉ tuyển được 1 sinh viên. Năm 2021 nhà trường chỉ tuyển sinh được 469/1870 chỉ tiêu (chiếm 25%), năm 2022 tuyển sinh được 287/1930 chỉ tiêu (chiếm 14,8%).

Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, năm 2021 tuyển được 661 sinh viên trên tổng số 1010 chỉ tiêu được phê duyệt (đạt 65,44%). Năm 2022, số lượng tuyển sinh của trường sụt giảm khi chỉ tuyển được 488/1010 chỉ tiêu (48,31%), giảm 17,13% so với năm 2021.

Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định từ năm 2018 đến năm 2022 đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu và giữa các ngành đào tạo cũng có sự chênh lệch khi có ngành tuyển vượt chỉ tiêu, có ngành lại không tuyển được sinh viên nào.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù có những vai trò nhất định trong phát triển nguồn nhân lực cho đất nước nhưng một số trường đại học công lập đặt tại tỉnh lại tuyển sinh èo uột.

Trường đại học đặt tại địa phương thiệt thòi trong cạnh tranh tuyển sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, trường đại học công lập nằm cách xa các trung tâm kinh tế - xã hội lớn muốn thu hút được sinh viên theo học phải có những ngành đào tạo đặc biệt, có đặc thù riêng, có tính ứng dụng cao và thực sự phù hợp với điều kiện địa phương. Nếu các trường đào tạo các ngành được sao chép y nguyên của các cơ sở đại học đặt tại trung tâm lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thì rất khó để cạnh tranh trong công tác tuyển sinh.

Tiến sĩ Lê Đông Phương - Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Ngân Chi.

Tiến sĩ Lê Đông Phương - Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Ngân Chi.

Trước băn khoăn của phóng viên, việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu có gây lãng phí nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất, kinh phí, Tiến sĩ Lê Đông Phương bày tỏ: "Thực ra có lãng phí, tuy nhiên, các trường đại học này cũng có những sứ mạng phục vụ một địa bàn nhất định.

Chẳng hạn, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì ban đầu được thành lập để phục vụ ngành công nghiệp hóa chất trong vùng. Thế nhưng sau đó, do có những thay đổi về thị trường dẫn đến nhu cầu lao động của những ngành đặc thù không còn phát triển nhiều.

Như vậy, có thể thấy các trường đại học đi theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn trước thì bây giờ sẽ gặp khó khăn khi điều kiện thị trường thay đổi, nhu cầu người lao động, nhân lực cũng bị tác động, điều đáng nói, tác động này xuất hiện muộn nhưng sẽ ảnh hưởng lâu dài".

Cùng bàn luận về thực trạng nêu trên, trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế khẳng định, tuyển sinh là công tác quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các trường đại học.

Theo thầy Đức, về mặt địa chính trị, mặc dù trường đại học công lập có thương hiệu và chất lượng đào tạo nhưng không nằm ở các trung tâm kinh tế - xã hội lớn vẫn khó cạnh tranh tuyển sinh với các trường ở địa bàn lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy Đức cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trường đại học công lập đặt tại địa phương xa trung tâm kinh tế lớn khó thu hút sinh viên. Trong đó, đáng lưu ý là hiện nay định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông chưa được chú trọng nhiều, dẫn đến tình trạng các em chưa có thông tin đầy đủ, sát sườn về các ngành học ở trường đại học đặt tại địa phương.

Còn Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhìn nhận thẳng thắn, các trường đại học công lập đặt tại địa phương sẽ ngày càng khó tuyển sinh nếu không có chiến lược thay đổi kịp thời.

Đại biểu Hồ Thị Minh bày tỏ: "Cùng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu thị trường, sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh ngày càng khốc liệt hơn. Có thể nói, thương hiệu, sự thành công của trường đại học phần nào đó cũng được thể hiện qua số lượng cũng như chất lượng tuyển sinh. Thực tế đã có hai thái cực rõ nét: có những đơn vị ngày càng mở rộng quy mô đào tạo, lại có những trường đại học năm nào cũng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu".

Tuyển sinh không đủ chỉ tiêu ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của trường

Nhìn từ bức tranh tuyển sinh trong 5 năm gần đây (2018-2022) của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), hàng năm nhà trường tuyển được từ khoảng 800-1.000 sinh viên, đạt khoảng 50-60% so với năng lực đào tạo của nhà trường. Thầy Trần Thanh Đức cho rằng, việc tuyển sinh khó khăn ảnh hưởng đến triển khai thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường cũng như thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: NVCC.

Ở mặt vĩ mô, điều này cũng tạo ra sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đào tạo. Thầy Đức nêu dẫn chứng: “Giai đoạn 2021-2023, hàng năm các doanh nghiệp thông qua nhà trường với mong muốn tuyển dụng 2.700 vị trí việc làm nhưng chúng tôi chỉ có khoảng hơn 1.000 sinh viên ra trường, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động đã khẳng định mức lương tối thiểu cho sinh viên ra trường từ 7-8 triệu đồng/tháng. Như vậy có thể thấy rằng, sinh viên của trường có việc làm và thu nhập tương đối tốt sau khi tốt nghiệp ra trường, song việc tuyển sinh vẫn rất khó khăn”.

Còn Đại biểu Hồ Thị Minh thì bày tỏ, việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu gây ra sự lãng phí không đáng có về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, kinh phí và nguồn lực khác của nhà trường. Do đó, các đơn vị cần nhìn nhận thực tế, đánh giá tiềm năng và thay đổi chiến lược cho từng giai đoạn, gắn liền với tình hình thực tế ở từng địa phương.

Cần sự phối hợp từ nhiều phía để giải bài toán tuyển sinh

Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, để giải quyết bài toán tuyển sinh khó khăn này cần có sự phối hợp từ nhiều phía: Nhà trường, cơ quan quản lý và phụ huynh, học sinh.

Tiến sĩ Lê Đông Phương đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy công tác tuyển sinh tại trường đại học công lập đặt xa các trung tâm kinh tế lớn. Theo đó, nhà trường cần nhìn nhận, đánh giá thực tế từ góc nhìn của người học, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng kết quả đào tạo của trường. Từ đó xây dựng được “thực đơn sản phẩm” phù hợp, thu hút để trụ vững trong nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông cũng cần góp phần vào phổ biến thông tin về các chương trình đào tạo, đặc điểm của từng trường giúp nhà trường thu hút được nhiều sinh viên hơn. Ngoài ra, để giải quyết bài toán tuyển sinh khó khăn này cần có sự phối hợp từ nhà trường, cơ quan quản lý và phụ huynh, học sinh.

Một vấn đề nữa là vai trò của các trường phổ thông trong công tác hướng nghiệp cho học sinh. Chuyên gia đánh giá công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông chưa thực sự được chú trọng thực hiện. Thậm chí, trong quá trình hướng nghiệp đâu đó thường giới thiệu về các trường ở thành phố lớn mà bỏ quên các trường đặt ở tỉnh, xa trung tâm kinh tế.

“Các nhà trường phổ thông hiện nay làm công tác hướng nghiệp chưa tốt, dẫn đến học sinh có thể chọn sai. Nếu như các trường đại học, cơ quan truyền thông và nhà trường phổ thông cùng làm công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh từ sớm thì hy vọng sẽ cải thiện được tình hình tuyển sinh mất cân đối giữa trường ở tỉnh xa và trường ở trung tâm lớn", Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của học sinh, tình hình kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Hiện nay, nhiều sinh viên vừa đi học vừa đi làm thêm, các em sẽ ưu tiên lựa chọn các cơ sở giáo dục ở thành phố lớn - nơi có cơ hội làm thêm nhiều hơn để bù đắp phần nào chi phí học tập, giảm gánh nặng cho gia đình. Ở một mức độ nào đó, nhiều em có mong muốn theo học tại các thành phố lớn để sau này học xong thì sẽ ở lại làm việc vì tại đây cơ hội việc làm tốt hơn. Nhà trường cũng cần đẩy mạnh việc hợp tác cùng các nhà tuyển dụng ở địa phương để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, khuyến khích sinh viên theo học.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

Có chung quan điểm này, Đại biểu Hồ Thị Minh nhìn nhận: "Nói hướng nghiệp nghe hoa mỹ nhưng chưa có đội ngũ giáo viên thực sự am hiểu để định hướng cho học sinh. Nhiều nơi đưa hoạt động hướng nghiệp như một tiết ngoại khóa với thời gian ngắn, nội dung sơ sài, học sinh nghe xong rồi quên luôn.

Cần tăng cường các hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông từ sớm, chứ không phải chỉ hướng đến đối tượng là học sinh lớp 12. Bởi đến năm cuối bậc trung học phổ thông, nhiều em đã “chốt” theo học ngành, trường nào rồi, công tác truyền thông và quảng bá tuyển sinh sẽ khó đạt hiệu quả. Hướng nghiệp phải là một quá trình, cần phải thực hiện ngay từ lớp 9, lớp 10, thậm chí là sớm hơn.

Trường đại học công lập tại địa phương cũng có thể đẩy mạnh liên kết trong đào tạo với các cơ sở giáo dục uy tín, đã có thương hiệu. Song song kết hợp với các trường phổ thông để công tác định hướng, quảng bá tuyển sinh được sâu sát, chủ động hơn".

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội và yêu cầu thị trường lao động luôn thay đổi, theo Đại biểu Hồ Thị Minh, nếu các trường đại học công lập đặt tại địa bàn xa trung tâm kinh tế - xã hội lớn không chủ động cập nhật tình hình để có sự điều chỉnh chiến lược kịp thời sẽ rơi vào thế bị động, tuyển sinh khó lại càng khó. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp của nhà trường - gia đình để thay đổi thành kiến “trường đại học đặt tại địa phương thì chất lượng đào tạo không tốt”. Tuy nhiên, để làm được việc này cần có quá trình và đòi hỏi thời gian nỗ lực lâu dài.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức cho rằng, muốn thu hút được sinh viên theo học trường đại học công lập đặt tại địa phương không chỉ nhìn nhận ở giải pháp tuyển sinh của các đơn vị. Chúng ta cần phải nâng cao nhận thức của cả xã hội, song song đó là chú trọng đến công tác hướng nghiệp, thông tin nhiều hơn về cơ hội việc làm của các ngành nghề cho các em học sinh từ bậc phổ thông.

Bên cạnh đó, thầy Đức cũng đề xuất thêm giải pháp để gỡ khó cho công tác tuyển sinh đối với lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản: "Cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò quan trọng của nông, lâm nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế. Ngoài ra, các trường đại học trong khối cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp trong xây dựng và tổ chức đào tạo, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần có các chính sách cụ thể để thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 xác định nhu cầu nguồn nhân lực đảm bảo cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bền vững; xây dựng các đề án phát triển nguồn nhân lực khối ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050.

Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của nhà nước đối với các trường đào tạo và sinh viên theo học các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành này giống như hỗ trợ ngành Sư phạm”.

Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cũng xác định phát triển theo hướng gắn đào tạo lý thuyết gắn với thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao năng lực cho sinh viên, đổi mới phương pháp đào tạo. Trong đó, nhà trường chú trọng việc thực hành theo từng chuyên ngành học, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo. Qua đó giúp cho sinh viên tiếp cận thực tế sau khi ra trường cũng như các em có thể bắt tay ngay vào việc làm chứ không tốn nhiều thời gian thử việc hay đào tạo lại.

Phạm Thi