Muôn hình vạn trạng kiểu khó trong tuyển sinh đại học

01/08/2023 06:37
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có ngành miễn học phí hoàn toàn trong 4 năm học đối với sinh viên, cơ hội việc làm rộng mở nhưng trường đại học vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. 

Thực tế hiện nay, có ngành sinh viên đi thực tập, làm cộng tác viên cho các doanh nghiệp từ năm 3, năm 4 với mức thu nhập hấp dẫn. Nhưng cũng có ngành dù được miễn giảm học phí, cơ hội việc làm đa dạng, thu nhập khá cao sau khi ra trường,... vẫn khó thu hút sinh viên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 của trường cơ bản tương tự như năm 2022. Nhà trường tuyển sinh 15 ngành đào tạo với khoảng 2.000 chỉ tiêu.

Năm 2023, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phương thức xét học bạ trung học phổ thông cho tất cả các ngành đào tạo bậc đại học chính quy với các tổ hợp môn tương ứng. Tỉ lệ chỉ tiêu của từng phương thức có thể thay đổi cho đến khi nhà trường tuyển đủ.

Sinh viên ngành Điều dưỡng của Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai tham gia thực tập tại bệnh viện. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên ngành Điều dưỡng của Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai tham gia thực tập tại bệnh viện. (Ảnh: website nhà trường).

“Nhà trường không có học bổng cho sinh viên. Bù lại, sinh viên đều được tạo điều kiện vừa học, vừa thực hành, đi làm thêm tại các doanh nghiệp để có thu nhập ngay từ khi học năm 3, năm 4.

Nhiều sinh viên ngành Công nghệ thông tin khi tham gia làm việc (cộng tác) tại các doanh nghiệp được trả lương và có thể tự đóng học phí mà không cần phải xin gia đình", thầy Sơn chia sẻ.

Cũng theo thầy Sơn, những năm gần đây, đa số sinh viên của trường không phải chật vật đi xin việc mà các em đều được doanh nghiệp tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Trong đó, đối với một số ngành đào tạo về công nghệ, doanh nghiệp rất cần nhân lực nhưng nhà trường không có đủ số lượng sinh viên để giới thiệu.

"Sinh viên ngành công nghệ có thành tích học tập tốt, có kỹ năng, trình độ ngoại ngữ,... đa phần đều được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc với mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng sau khi ra trường", thầy Sơn nói.

Lý giải nguyên nhân cơ hội việc làm rộng mở đối với sinh viên, thầy Sơn cho biết, thực tế các doanh nghiệp rất cần nhân lực có kỹ năng, kiến thức, năng lực. Do vậy, nhà trường đẩy mạnh việc hợp tác doanh nghiệp, ứng dụng chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động này, nhà trường tìm hiểu thông tin, hình thành các phương thức, hình thức giới thiệu việc làm cho sinh viên năm cuối, tổ chức định kỳ các chương trình kiến tập, thực tập.

“Trước tình hình việc làm ngày càng đòi hỏi ứng viên hội tụ kiến thức, kĩ năng, thái độ, nhà trường đã mời đại diện các doanh nghiệp đến trao đổi và đào tạo kỹ năng cho sinh viên nhằm đáp ứng cơ bản yêu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp đó”, thầy Sơn cho biết.

Bên cạnh những ngành thu hút được nhiều sinh viên, theo thầy Sơn, nhà trường còn có các ngành khó đạt chỉ tiêu tuyển sinh như: Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học.

“Ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học trên thị trường lao động rất khát nhân lực do số lượng nhân viên y tế, điều dưỡng bỏ việc nhiều, nhưng sinh viên lại không vào học vì sợ ra trường đi làm lương thấp, học hành vất vả”, thầy Sơn chia sẻ.

Cho biết về mức học phí, thầy Sơn nói, năm học 2023-2024, tổng học phí của một sinh viên từ 35-40 triệu đồng/năm.

Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thực Huy – Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang cho biết, năm 2023, nhà trường tuyển 750 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo, trong đó, tuyển sinh mới với ngành Thương mại điện tử và ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô.

“Những năm qua, các ngành học thu hút được nhiều sinh viên thường thuộc nhóm ngành phi nông nghiệp của trường như: Kinh tế, Ngôn ngữ Trung Quốc, Kế toán,... Bởi, đây là các ngành phù hợp với nhu cầu người học, xu thế của thị trường lao động, sinh viên dễ dàng tiếp cận với việc làm.

Còn các ngành thuộc khối Nông – Lâm nghiệp truyền thống của trường tuyển sinh khó khăn”, thầy Huy chia sẻ.

Cụ thể, theo thầy Huy, những năm qua, các ngành khối Nông – Lâm nghiệp chỉ đạt 30% chỉ tiêu tuyển sinh. Điều này dẫn đến một số khó khăn như: bất cập trong quá trình triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, không đủ số lượng nhân lực để cung ứng cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Do ít sinh viên nên giảng viên của các ngành Nông - Lâm nghiệp dạy không đủ số tiết nên sẽ phải tham gia làm nghiên cứu, thí nghiệm nhiều hơn.

“Cơ hội việc làm trong lĩnh vực Nông – Lâm nghiệp rất đa dạng. Song, một kỹ sư nông nghiệp mới ra trường, đi làm mức thu nhập chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Do đó, dù nhà trường kết nối để tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp nhưng hầu hết các em không muốn ứng tuyển.

Đặc biệt, với học sinh khu vực miền núi, các doanh nghiệp về công nghiệp đến trực tiếp tuyển dụng nhân lực với mức lương hấp dẫn nên nhiều em cũng không thiết tha học đại học, học các ngành Nông – Lâm nghiệp của trường”, thầy Huy chia sẻ.

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh đối với các ngành Nông – Lâm nghiệp, nhà trường xây dựng và triển khai phương án miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ở ký túc xá, xây dựng chương trình thực tập, cho sinh viên tham gia khởi nghiệp và tạo điều kiện để các em nghiên cứu khoa học cùng giảng viên.

Điều đáng nói là dù áp dụng chính sách miễn học phí hoàn toàn trong 4 năm học đối với sinh viên ở một số ngành Nông – Lâm nghiệp, nhiều năm gần đây, nhà trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

“Năm 2022, mức điểm trúng tuyển đối với 13 ngành đào tạo của trường tương đối thấp. Cụ thể, trường xác định điểm trúng tuyển mỗi ngành là 15 điểm theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng vẫn chỉ đạt 70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh”, thầy Huy chia sẻ.

Ngọc Mai