Khi miễn học phí bậc THCS, nguồn kinh phí để đảm bảo nhà trường sẽ lấy từ đâu?

10/07/2022 06:48
Hải Phượng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh cấp trung học cơ sở từ năm 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là điều vô cùng quan trọng cần thực hiện ngay.

Đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh cấp trung học cơ sở từ năm 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được nhiều chuyên gia cho rằng đây là điều vô cùng quan trọng cần thực hiện ngay.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 6 (ngày 4/7), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.

Khoản 1 Điều 14 Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định rất rõ rằng: “Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở”.

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh
Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đinh Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc.

“Tôi nghĩ nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện được đề xuất này thì quá tốt vì đây là điều hầu như tất cả các bậc phụ huynh và nhà trường đều mong muốn. Số tiền học phí có thể không nhiều nhưng nó là nguồn động viên tinh thần cho phụ huynh, học sinh có thể có thêm quyển vở hay chiếc bút mới thì đó là một điều tốt. Nếu đề xuất được thực hiện thì không chỉ phụ huynh mà cả nhà trường đều cảm thấy rất mừng”, cô Thu chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết cũng bày tỏ mong muốn nhà nước sẽ có những khoản bù học phí phù hợp cho phía nhà trường nếu thực hiện đề xuất trên để nhà trường đảm bảo mức thu nhập cho cán bộ nhân viên và các hoạt động khác trong trường.

Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Tân (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng đây là đề xuất cần thiết và hợp lí.

“Tôi không biết trên thành phố thế nào chứ ở nông thôn điều này là quá cần thiết. Mặc dù mức học phí không đáng kể nhưng dân ta còn nghèo đặc biệt sau 2 năm dịch bệnh thì "đỡ được tí nào quý tí đấy" cho các cháu mua sách mua bút. Nếu miễn học phí thì chắc ngân sách nhà nước sẽ bù nên về phía nhà trường chắc cũng không có vấn đề gì”, thầy Sinh bày tỏ quan điểm.

Thật ra đề xuất này nếu thành hiện thực thì chủ yếu là đỡ cho phụ huynh. Ví dụ như ở trường Đồng Tân học phí là hơn 500.000 đồng/học sinh/năm tức là con số không nhiều nhưng đó là nguồn động viên phụ huynh, học sinh”, thầy Sinh tâm sự.

Theo chia sẻ của thầy Lê Văn Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội), việc đề xuất miễn học phí là cần thiết. Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giải thích rõ, cơ sở nào để Bộ đặt ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc và liệu đề xuất này có thực hiện được không?

“Bên cạnh đề xuất miễn học phí Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên thông tin rõ về vấn đề, nếu thực hiện đề xuất nói trên thì nguồn kinh phí để đảm bảo cho nhà trường sẽ lấy từ đâu?", thầy Bình bày tỏ thắc mắc.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh trung học cơ sở từ năm học 2022 – 2023 (ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí: 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học). Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 03 năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Hải Phượng