Ngày 4/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh có con đang theo học trung học cơ sở bày tỏ niềm vui mừng và phấn khởi.
Chị Trần Thị Quang (51 tuổi, Vĩnh Phúc) có con năm sau lên lớp 8 Trường Trung học cơ sở Yên Bình háo hức chia sẻ: “Dù chưa biết điều này có thực hiện được không vì mới chỉ là đề xuất, tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy rất vui vì có thể giảm đi một khoản phải lo vào đầu năm học mới. Có lẽ, với các gia đình ở thành phố, vài trăm nghìn học phí mỗi năm không phải là nhiều, nhưng với gia đình ở nông thôn như chúng tôi lại là khoản tiền đáng kể”.
Chị Trần Thị Quang (ở giữa) cùng 2 con. Ảnh: NVCC |
Vợ chồng chị Quang đều làm nông và không có nguồn thu nhập ổn định, chị kể, nhà có 5 người con và chỉ có 2 con đang theo học tại trường (con gái lớn học đại học, con út học trung học cơ sở). Mỗi lần đến kỳ đóng học phí, nếu không đúng dịp vụ mùa có lúa để bán, gia đình đều phải đi vay mượn họ hàng.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Hùng (39 tuổi, Quảng Ninh) có 2 con học Trường Trung học cơ sở Hà Trung hy vọng đây không chỉ là đề xuất mà sẽ thành quyết định chính thức trong thời gian tới.
Anh Hùng là lao động chính của gia đình, ngoài 2 con đang học cấp 2 thì gia đình anh mới có thêm một thành viên mới. Anh chia sẻ: “Vợ tôi làm nội trợ nên vốn không có khoản thu nhập nào, giờ nhà có thêm thành viên mới nên có nhiều khoản phải chi. Miễn học phí trong năm học tới sẽ khiến gia đình bớt được một phần nỗi lo”.
Cùng đồng tình với đề xuất miễn học phí cấp trung học cơ sở từ năm học 2022-2023, ông Ngô Ngọc Toàn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu (Sơn La) bày tỏ quan điểm: “Huyện có 3/15 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nhiều học sinh còn không có sách khi đi học cần được hỗ trợ chứ chưa nói đến học phí. Chính vì vậy, khi nghe được đề xuất từ Bộ, tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Bên cạnh đó, ông Quản Văn Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cho hay, huyện đã thực hiện miễn giảm học phí cấp trung học cơ sở mấy năm nay.
“Miễn học phí sẽ tạo điều kiện cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, con em dân tộc thiểu số đến trường vì vậy tôi hoàn toàn ủng hộ. Là địa phương đã thực hiện miễn học phí mấy năm nay, tôi thấy rằng điều này sẽ mở ra cơ hội, giảm được một phần gánh nặng cho phụ huynh có con đang học ở trường.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong nhà nước quan tâm nhiều hơn đến các trường, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để các em được học trong môi trường giáo dục đầy đủ và tốt nhất”, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đà Bắc nói.
Bên cạnh đó, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự đồng tình đối với đề xuất vì đáp ứng được nguyện vọng, mong ước của nhân dân.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh |
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam đặt ra vấn đề liên quan tới Nghị định 81 của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Thầy Lâm nhấn mạnh, các tỉnh đang thực hiện vấn đề thu, miễn giảm học phí theo nghị định này. Bởi vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giải thích rõ, cơ sở nào để Bộ đặt ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc, đề xuất này có thực hiện được không.
“Nếu không nói rõ, vấn đề này có thể trở thành rào cản cho các tỉnh đang thực hiện Nghị định 81”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên thông tin rõ về vấn đề, nếu thực hiện đề xuất nói trên, nguồn kinh phí sẽ từ đâu, tức điều kiện nào để đảm bảo đề xuất đó là hợp lý, có thể thực hiện được.
"Tôi mong Bộ Giáo dục làm rõ thêm phần này, vì nếu không làm rõ sẽ khiến dân hiểu lầm, trong khi các tỉnh đang phải thực hiện Nghị định 81. Về vấn đề miễn học phí, chỉ Bộ trưởng Bộ Giáo dục không thể tự quyết được mà Bộ Tài chính cũng cần phải lên tiếng, xem xét có khả năng thực hiện hay không”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh thêm.
Được biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; đồng thời giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023-2024 về các nội dung như sau:
Đối với học phí giáo dục mầm non công lập năm học 2022-2023:
Đối với cơ sở giáo dục mầm non chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Đề nghị giữ ổn định học phí như năm học 2021-2022;
Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Đối với các địa phương đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023.
Từ năm học 2023-2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.
Bên cạnh đó, đối với giáo dục đại học công lập: Lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 01 năm. Năm học 2022-2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021-2022.
Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).
Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).
Đối với hệ trung học cơ sở: Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh trung học cơ sở từ năm học 2022 – 2023 (ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí: 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học). Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 03 năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).
Đối với hệ trung học phổ thông:
Đề nghị giữ ổn định mức học phí như năm học 2021 – 2022 đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên;
Đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết định mức thu học phí năm học 2022- 2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023. Từ năm học 2023-2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí đối với trung học phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.
Các nội dung không nêu tại nghị quyết của Chính phủ đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành hữu quan, trình Chính phủ để ban hành nghị quyết về các nội dung nêu trên cho kịp triển khai từ năm học 2022 – 2023.