Hơn 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao tạo nguồn thu cho trường đại học?

21/09/2023 06:33
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiếm có doanh nghiệp nào muốn bỏ một số tiền lớn cho cơ sở giáo dục đại học để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ

Hiện nay, nguồn thu của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đều phụ thuộc chủ yếu vào học phí nên khi nhiều năm không được tăng học phí khiến trường đại học đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, học phí chỉ chiếm khoảng 30-40%, ngoài ngân sách hỗ trợ từ Chính phủ, họ có phần trăm tương đối lớn từ nguồn thu qua việc hợp tác với doanh nghiệp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân,…

Thế nhưng, việc có được nguồn thu từ việc hợp tác với doanh nghiệp đối với các cơ sở giáo dục đại học của nước ta hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê thực hiện trong thời gian vừa qua, có thể thấy, các doanh nghiệp nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 97% số doanh nghiệp cả nước. [1]

Chia sẻ từ lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, do các doanh nghiệp hiện nay cũng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa như vậy nên rất khó để có thể có được nguồn thu từ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghiệp bởi doanh nghiệp sợ gặp phải rủi ro cao.

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Phiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho hay, hiện nay, việc tạo nguồn thu từ việc hợp tác với doanh nghiệp thường qua các kênh như hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất. Trường đại học cung cấp các dịch vụ đào tạo ngắn hạn cho nhân sự của doanh nghiệp; cựu sinh viên khi thành công quay lại hỗ trợ nguồn thu cho nhà trường,…

Sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Đối với Trường Đại học Khánh Hòa, việc tạo ra nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp của trường chủ yếu đến từ việc đào tạo các lớp ngắn hạn cho nhân lực của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trường và một số doanh nghiệp cũng phối hợp trong việc đào tạo các tín chỉ thực hành, tín chỉ thực tập cho sinh viên. Qua đó, những sinh viên có đóng góp cho cơ sở thực hành, thực tập sẽ được doanh nghiệp tài trợ hoặc trao học bổng.

Theo thầy Phan Phiến, để tạo nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp qua việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ là rất khó khăn với các cơ sở giáo dục đại học trong thời điểm hiện tại.

Bởi, ở nước ta, sự phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, do đó, hiếm có doanh nghiệp nào muốn bỏ một số tiền lớn cho cơ sở giáo dục đại học để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nào đó vì chủ yếu các doanh nghiệp nước ta hiện nay vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp lo ngại về rủi ro cao khi thực hiện việc đầu tư trên, thay vào đó, họ lựa chọn mua luôn các công nghệ có sẵn từ nước ngoài.

Cũng theo thầy Phan Phiến, trên thực tế có thể thấy, có những công nghệ đã được ứng dụng ở nước ngoài mấy năm rồi nhưng về Việt Nam vẫn là công nghệ mới.

Vậy nên, muốn tạo được nguồn thu từ doanh nghiệp qua việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học của nước ta phải nghiên cứu được công nghệ mới, cải tiến được những giải pháp tốt mới có thể tiếp cận được với doanh nghiệp. Từ đó, mới có thể nhận được khoản đầu tư từ phía doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có thể phát triển được công tác nghiên cứu khoa học như vậy, theo thầy Phiến, cần phải có những chính sách, đãi ngộ tốt hơn cho giảng viên của các trường đại học.

Tại một số nước phát triển về giáo dục, giảng viên chỉ đi giảng dạy đã có thể nuôi sống được bản thân và gia đình. Do vậy, ngoài thời gian giảng dạy, họ có thể dành thời gian để chuyên tâm cho công tác nghiên cứu khoa học.

Thế nhưng, với mức lương của giảng viên của nước ta hiện còn thấp nên nhiều thầy cô bên cạnh việc giảng dạy còn phải làm thêm các công việc khác để trang trải cuộc sống, khó có thể dành thời gian hay chuyên tâm cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Trong khi đó, để thực hiện được một đề tài nghiên cứu chất lượng đòi hỏi tốn nhiều chi phí và cả thời gian.

Cùng bàn về thực trạng trên, Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, hiện trường chưa có nguồn thu từ việc hợp tác với doanh nghiệp mà nguồn thu của trường hiện nay chủ yếu dựa vào học phí.

Do là một trường đại học tư thục nên trường tự thu tự chi, tuy nhiên, mức thu học phí vẫn thực hiện theo quy định hiện hành và tình hình kinh tế của người dân. Chính vì vậy, hiện tại trường vẫn thu mức học phí tương đối thấp còn gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Để các cơ sở giáo dục đại học có thể thuận lợi thực hiện việc tạo ra nguồn thu từ việc hợp tác với doanh nghiệp, thầy Hóa cho rằng, nên xây dựng Đề án về việc tạo nguồn thu từ việc hợp tác của doanh nghiệp với trường đại học.

Từ đó, có thể giúp cho tất cả các trường đại học kể cả công lập hay tư thục đều có thể thuận lợi thực hiện cách thức tạo ra nguồn thu này, thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò giữa nhà trường và doanh nghiệp ra sao.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-khac/2023/05/doanh-nghiep-nho-va-vua-co-the-dong-gop-nhieu-cho-cong-nghiep-ho-tro/

Tường San