Ngày 11/8, Câu lạc bộ Khối đào tạo Du lịch thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm: “Kinh nghiệm hợp tác với các bên liên quan trong đào tạo và nghiên cứu du lịch”.
Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trường Đại học Yersin, Đà Lạt kết hợp với hình thức trực tuyến.
Tham dự tọa đàm về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội cùng các trưởng phòng ban của Hiệp hội.
Về phía câu lạc bộ có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch (Đại học Huế), Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối Đào tạo Du lịch; Tiến sĩ Phạm Đình Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt cùng lãnh đạo các trường, khoa, bộ môn và doanh nghiệp đến từ hơn 30 cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch (Đại học Huế), Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối Đào tạo Du lịch phát biểu tại tọa đàm. |
Phát biểu tại tọa đàm, Phó giáo sư Trần Hữu Tuấn cho biết: Du lịch là một ngành kinh tế liên ngành, liên vùng, mang tính quốc tế.
Bản thân ngành du lịch có liên quan mật thiết với các ngành nghề, thành phần, chủ thể kinh tế trong nền kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tham gia vào thị trường lao động du lịch đầy sôi động, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và quốc tế hoá như hiện nay, các cơ sở đào tạo có xu hướng liên kết ngày càng chặt chẽ, rộng rãi với các bên liên quan trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Việc tăng cường liên kết với nhiều bên liên quan trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học giúp các cơ sở đào tạo tận dụng các nguồn lực bên ngoài, hỗ trợ cho quá trình đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra của sinh viên, học viên.
Theo Phó giáo sư Trần Hữu Tuấn, hiện nay, hoạt động liên kết trong đào tạo và nghiên cứu khoa học điển hình là: liên kết 3 Nhà (Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp); liên kết giữa nhà trường với các cơ sở đào tạo du lịch trong nước và quốc tế; liên kết giữa nhà trường với các tổ chức nghề nghiệp liên quan.
Ngoài ra, trong tiến trình phát triển, sự liên kết giữa các trường đào tạo du lịch với cộng đồng địa phương ngày càng chặt chẽ với nhiều mô hình dạy – học mới. Trong đó cộng đồng vừa thể hiện vai trò là người học (như trong các đợt tập huấn du lịch cộng đồng), đồng thời cũng là người tham gia vào quá trình đào tạo như mô hình học tập cùng cộng đồng – service learning.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo du lịch liên kết ngày càng nhiều hơn với chính quyền địa phương, các sở, ngành trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về du lịch. Góp phần mang lại bề dày các công trình nghiên cứu, tăng cường tính học thuật cho nhà trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng tại địa phương.
Tọa đàm: "Kinh nghiệm liên kết với các bên liên quan trong đào tạo và nghiên cứu khoa học” nhằm tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường cũng như giữa các trường với doanh nghiệp.
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia, thầy cô đã có tham luận, trao đổi, chia sẻ về nhiều vấn đề trong việc hợp tác đào tạo và nghiên cứu du lịch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long chia sẻ tại Hội thảo. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày nội dung về kinh nghiệm hợp tác nghiên cứu và xuất bản quốc tế trong lĩnh vực du lịch.
Theo thầy Long, nghiên cứu và công bố bài báo quốc tế vốn là công việc bắt buộc với tất cả những giảng viên, nghiên cứu sinh, kể cả học viên ở các cơ sở giáo dục đại học.
Và để làm tốt nhiệm vụ này, mỗi người cần: Tích cực tham gia/học tập ở các hội thảo, tọa đàm để tìm kiếm ý tưởng nghiên cứu; Xây dựng quan hệ chuyên môn với các học giả trong và ngoài nước (đặc biệt là Việt kiều), có đội nhóm để cùng làm nghiên cứu; Tìm hiểu cách viết của bài báo quốc tế, đặc biệt lưu ý về kết cấu bài báo quốc tế thường rất khác với bài báo trong nước; Hiểu các dạng tạp chí ISI-WoS, Scopus, hay kể cả book chapter, working paper...; Củng cố tiếng Anh học thuật bằng nhiều cách: Tự học, các phần mềm và công cụ hỗ trợ.
Phó Giáo sư Phạm Hồng Long cho rằng, có thể chọn chủ đề, vấn đề nghiên cứu từ đề tài hoặc mảng nghiên cứu của người hướng dẫn; từ các chủ đề có tính xu hướng và thời đại; từ những Call For Papers của các hội thảo, hoặc các Special Issues các tạp chí, sách chuyên khảo; từ tham dự các hội thảo, các workshop, các symposium....; từ sở trường nghiên cứu của bản thân; hay từ trao đổi với các chuyên gia, đồng nghiệp;…
Bên cạnh đó cần lưu tâm các vấn đề như tìm nguồn tài liệu cho nghiên cứu; chú ý quy cách và hình thức của bài nghiên cứu; lựa chọn có chọn lọc tạp chí quốc tế và trong nước để công bố. Đặc biệt không nên gửi bài cho những đơn vị nằm ngoài hệ thống các Nhà Xuất bản lớn/trường đại học hay đơn vị nằm trong danh mục nghi ngờ như tạp chí ăn cắp, tạp chí lừa đảo.
Tiến sĩ Lê Minh Thành trao đổi tại buổi tọa đàm. |
Tiến sĩ Lê Minh Thành – Trường Đại học Văn Lang đã chia sẻ về việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và đối tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu du lịch.
Theo đó, một số hoạt động được Trường Đại học Văn Lang chú trọng là cho sinh viên thực tập ở nước ngoài; trải nghiệm thực tập tour nước ngoài; triển khai chương trình đào tạo liên kết quốc tế; thực hiện trao đổi sinh viên quốc tế; trao đổi giảng viên quốc tế; tổ chức chương trình thực tập trọng điểm với các tập đoàn/doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện các dự án hợp tác quốc tế với Đại học Victoria, Úc; dự án hợp tác quốc tế với Faculty of Higher Education, William Angliss Institute, Úc; tham gia các chương trình kiểm định và xếp hạng quốc tế.
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Du lịch kết nạp và trao chứng nhận cho thành viên Câu lạc bộ. |