Học thêm giúp tăng thu nhập của GV nhưng là gánh nặng với nhiều gia đình HS

03/10/2023 06:40
KIM OANH
GDVN-  Việc dạy thêm, học thêm ở các cấp phổ thông những năm qua, hiện nay và có thể những năm tới đây sẽ không giảm đi mà ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn.

Dạy thêm, học thêm đối với các cấp học phổ thông xảy ra khắp nơi từ nông thôn đến thị thành, từ khi học sinh bước vào lớp 1 cho đến khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học phí các trường trung học công lập mà phụ huynh đang đóng cho con em mình những năm học vừa qua chỉ vài chục ngàn đồng cho đến 100 ngàn đồng/tháng, thậm chí học sinh tiểu học không phải đóng học phí nhưng tiền học thêm lại rất lớn.

Nhiều nơi, tiền học thêm một môn của 1 tháng cũng bằng tiền học phí cho 9 tháng học phí chính khóa ở trên lớp cho tất cả các môn học. Vì thế, sức hấp dẫn từ thu nhập dạy thêm hiện nay đang quá lớn đối với một bộ phận giáo viên, nhất là ở những vùng có điều kiện phát triển.

Vì thế, giáo viên nào có thể dạy thêm được là mở lớp dạy thêm, các trung tâm gia sư ở khu vực thị thành cũng mọc lên khá nhiều. Trong trường phổ thông, nhất là các trường trung học phổ thông cũng tổ chức dạy thêm tại trường cho học sinh. Vì thế, bức tranh dạy thêm, học thêm ở nhiều nơi hiện nay khá phức tạp.

Dạy thêm, học thêm vẫn đang diễn ra ở các cấp học (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Dạy thêm, học thêm vẫn đang diễn ra ở các cấp học (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Càng trường lớn càng học thêm nhiều và giá học thêm càng cao

Đối với những lớp dạy thêm tại nhà giáo viên hiện nay, giá tiền cho mỗi môn học thêm cấp trung học phổ thông ở khu vực thị thành ở nhiều tỉnh, thành phía Nam dao động từ 4-5 trăm ngàn đồng/ tháng/ môn- đối với các lớp học thêm có số lượng học sinh nhiều.

Một số môn như Toán, tiếng Anh mà giáo viên trường chuyên dạy mỗi tuần 2 buổi có mức giá 500 ngàn đồng/ tháng. Những giáo viên trường không chuyên nhưng là những trường top trên địa bàn cũng có giá dao động từ 400-450 ngàn đồng/ môn/ tháng và mỗi tuần học sinh học 3 buổi, mỗi buổi 90 phút.

Học sinh cấp trung học cơ sở thì mức giá có phần thấp hơn 1 chút, khoảng từ 250-300 ngàn đồng/ tháng/môn. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 9 thường có giá cao hơn một chút, nhất là các môn Toán, Văn, Anh có mức giá từ 300-350 ngàn đồng/ tháng/ môn.

Nếu phụ huynh gửi con học tại trung tâm gia sư sẽ có nhiều gói dịch vụ để lựa chọn, có thể học theo môn; có thể học thêm một số môn chính và trả bài tất cả các môn kiểm tra bằng điểm số. Tuy nhiên, ở các trung tâm gia sư thì giá dịch vụ cao hơn ở nhà thầy cô giáo. Nhưng đổi lại, các trung tâm dạy nhẹ nhàng hơn và quan tâm, đáp ứng mọi yêu cầu của học sinh.

Việc dạy thêm tại các trường thường chủ yếu tập trung vào một số môn được xem là môn học chính, liên quan đến thi cử. Giá học thêm tại trường thường “mềm” nhất, khoảng 200-250 ngàn đồng/ môn/tháng và chủ yếu đối với học sinh trung học phổ thông.

Đối với học sinh tiểu học, phần lớn các trường không tổ chức dạy thêm tại trường nhưng thời gian qua lại nở rộ liên kết Tiếng Anh, kĩ năng sống…

Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học ở những vùng có điều kiện như khu công nghiệp, thành phố thì thường tổ chức “nuôi dạy trẻ” vào trái buổi. Giá dịch vụ này dao động khoảng 2 triệu đồng/ tháng/ 1 học sinh.

Nhìn chung, bằng hình thức này hay hình thức khác thì việc dạy thêm, học thêm vẫn đang diễn ra đối với tất cả các cấp học. Những học sinh ở khu vực khó khăn thường ít hoặc không có dạy thêm, học thêm. Nếu có, chi phí cũng chỉ mang tính tượng trưng.

Tuy nhiên, khu vực thị thành thì việc dạy thêm, học thêm đã trở thành phong trào. Đầu tháng, phụ huynh hoặc học sinh sẽ đóng tiền, hoặc chuyển khoản cho thầy cô. Nếu không, sẽ được nhắc nhở kịp thời. Một số thầy cô còn thu trọn học kỳ 1 lần để “ổn định sĩ số” lớp.

Nhức nhối dạy thêm, học thêm

Nhiều người biện minh việc dạy thêm, học thêm không có gì đáng phải lên án vì đó là nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Nhưng, nếu làm một cuộc khảo sát trung thực đến phụ huynh và học sinh có thể con số sẽ không cao như số lượng làm đơn đăng ký tự nguyện.

Chẳng có phụ huynh nào lại muốn mỗi tháng tốn thêm hàng triệu đồng cho con đi học thêm, đó là còn chưa kể công sức phụ huynh phải đưa đón, chờ đợi con em mình khi đi học thêm.

Chẳng có học sinh nào lại muốn mỗi ngày đi học chính khóa 4-5 tiết, ngoài ra còn đi học trái buổi các môn Tin học, Thể dục và tham gia các hoạt động ngoại khóa mà mỗi ngày phải tranh thủ đi học thêm vài ca ở nhà thầy cô giáo, ở nhà trường hay các trung tâm gia sư.

Áp lực của phụ huynh về tiền bạc, thời gian; áp lực của học sinh về thời gian, tâm sinh lý khá lớn. Thế nhưng, rốt cuộc nhiều học sinh vẫn đã và đang đi học thêm triền miên từ lớp 1 đến lớp 12 dù là chương trình mới hay chương trình cũ.

Vậy, mấu chốt của việc dạy thêm, học thêm là gì? Về cơ bản, áp lực thi cử, kiểm tra, điểm số hiện nay vẫn đang khá nặng. Mặc dù Bộ đang triển khai giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Nhưng, thi cử, kiểm tra vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, chủ yếu là tái hiện kiến thức.

Bên cạnh đó, việc đua điểm số của học sinh cấp trung học cơ sở; trung học phổ thông nhằm chuẩn bị một cuốn học bạ đẹp nhất hướng đến việc xét tuyển sinh 10; xét tuyển đại học. Nhà trường thì muốn học sinh trường mình có thành tích cao, có tỉ lệ đậu nhiều để nâng uy tín.

Một số phụ huynh thì vẫn xem trọng thành tích, danh hiệu, sợ thua “con người ta” nên luôn hướng con mình đi học thêm để cải thiện thành tích, điểm số và chấp nhận mọi tốn kém, đầu tư.

Hơn nữa, một số giáo viên, nhất là những môn liên quan đến thi cử của học sinh luôn muốn nâng cao thu nhập nên họ mở lớp để dạy cho học sinh chính khóa đến học với mình. Nhiều giáo viên đang có mức thu nhập ổn định từ dạy thêm mỗi tháng vài chục triệu đồng nên họ không sẵn sàng từ bỏ việc dạy thêm.

Các văn bản chỉ đạo về dạy thêm, học thêm hiện nay cũng đang nửa vời, chỉ cấm dạy thêm các môn văn hóa đối với cấp tiểu học nhưng việc quản lý, giám sát không dễ. Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay không cấm, miễn là dạy đúng quy định mà thôi.

Vì thế, một số địa phương chỉ ra văn bản chấn chỉnh dạy thêm, học thêm sai quy định. Nhưng giữa “sai” và “đúng” quy định hiện nay rất đơn giản. Trung tâm dạy thêm; nhà trường dạy thêm; giáo viên dạy thêm chỉ cần làm cái đơn là sẽ được cấp có thẩm quyền chấp thuận, đồng ý.

Việc dạy thêm, học thêm đang tạo ra “cú hích” cho điểm số, chất lượng giáo dục của nhà trường nên các thành viên Ban giám hiệu các nhà trường cũng gần như mặc định với việc dạy thêm ở trường, hoặc tại nhà giáo viên.

Từ dạy thêm, nhà trường có thêm thu nhập, thu nhập cho cán bộ quản lý, thu nhập cho giáo viên trực tiếp đứng lớp. Bên cạnh đó, nhiều khoản phúc lợi của nhà trường cũng được lấy từ dịch vụ dạy thêm của nhà trường nên nếu có thể mở lớp dạy thêm ở trường là các trường sẽ mở lớp.

Từ dạy thêm, nhiều giáo viên đã cải thiện đời sống gia đình, thậm chí làm giàu từ công việc này nên giáo viên nào có thể dạy thêm được là họ mở lớp. Nhà gần trường thì mở lớp dạy thêm tại nhà; nhà xa trường thì thuê nhà gần trường để thu hút học sinh.

Vì thế, dạy thêm, học thêm những năm qua, hiện nay và có thể những năm tới đây sẽ không giảm đi mà ngày càng nhiều hơn vì “mảnh đất” này quá lớn, quá màu mỡ không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH