Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 – 2021 vừa diễn ra tại Thừa Thiên - Huế có 91 dự án đạt giải thưởng, trong đó có 12 giải nhất, 19 giải nhì, 26 giải ba và 34 giải tư.
Tuy nhiên, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh cuộc thi này. Nhiều người cho rằng những dự án nghiên cứu là quá sức với học sinh, thậm chí có sự gian dối, thiếu trung thực.
Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng: "Không nên quy chụp và đánh đồng tất cả những sáng tạo của các em học sinh là gian dối, không thực chất. Chúng ta cần có ứng xử phù hợp với hoạt động nghiên cứu của các em.
Nếu 10 em làm sai, 1 em làm đúng nhưng chúng ta đánh đồng tất cả 11 em đều làm sai có nghĩa là chúng ta cũng đã sai".
Đánh giá nghiên cứu qua tiêu đề là phản khoa học
Là một người nhiều năm tham gia nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Phạm Hiệp khẳng định các em học sinh hiện nay rất giỏi và sáng tạo, hoàn toàn có khả năng thực hiện những đề tài nghiên cứu tầm cỡ.
Chính vì vậy, không nên chỉ nhìn tiêu đề mà vội vàng kết luận rằng học sinh không thể thực hiện những đề tài nghiên cứu đó.
Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, không nên đánh giá về sáng tạo nghiên cứu khoa học chỉ thông qua tên gọi của một đề tài (Ảnh: Tiến sĩ Hiệp cung cấp) |
“Bản thân tôi đã từng dạy học sinh cấp 3 về phương pháp nghiên cứu, sản phẩm của các em không tham gia cuộc thi Khoa học Kỹ thuật này. Tuy nhiên, quá trình dạy học tôi nhận thấy các bạn trẻ hiện nay đủ sức, đủ giỏi và đủ sáng tạo để làm những vấn đề khoa học với những tiêu đề tương tự như các dự án đạt giải.
Có những đề tài với tiêu đề nghe có vẻ phức tạp, tầm cỡ, tưởng chừng chỉ dành cho những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nhưng sự thực, nếu được hướng dẫn đúng cách, học sinh có thể làm được.
Song, vẫn phải khẳng định rằng, những sản phẩm, chất lượng nghiên cứu của các em chưa thể so sánh với những công trình của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp được”, Tiến sĩ Hiệp nhận định.
Cuộc thi sáng tạo khoa học dấy lên lo ngại các sản phẩm nghiên cứu lặp ý tưởng và không phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh do có tiêu đề tương tự nhau.
Tuy nhiên, không thể nhìn tiêu đề để so sánh hai đề tài nghiên cứu, điều quan trọng là phải tìm hiểu về nội dung nghiên cứu.
Tiến sĩ Hiệp nhấn mạnh: “Người lớn không nên vội vàng đánh giá quy chụp về những hoạt động nghiên cứu của các em học sinh khi chưa có bằng chứng và chưa chứng minh được những đánh giá của mình.
Trong câu chuyện làm khoa học, bao giờ có bằng chứng thì mới đưa ra kết luận. Nếu chỉ nhìn tiêu đề mà đưa ra đánh giá tốt hay không tốt, trung thực hay gian dối thì bản thân hành động đó cũng là phản khoa học”.
Đặc biệt, Tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh đến câu chuyện ứng xử của người lớn trước hoạt động nghiên cứu khoa học của các em học sinh.
Bởi lẽ trong 11 học sinh dự thi, nếu có 10 em được hỗ trợ làm sản phẩm nhưng có 1 em tự sáng tạo nghiên cứu thì cách quy kết của người lớn là thiếu công bằng và dễ làm tổn thương em học sinh đó.
Thay vì nhìn tiêu đề và đánh giá hoạt động của học sinh thì chúng ta cần tìm hiểu, chứng minh từng trường hợp cụ thể trước khi đưa ra một kết luận cuối cùng.
Đừng thần thánh hóa cuộc thi sáng tạo khoa học
Tiến sĩ Phạm Hiệp cho biết, nghiên cứu khoa học là xu hướng phát triển chung của mọi nền giáo dục ở các quốc gia trên thế giới. Thậm chí, có nhiều trường đã cho học sinh tiếp cận với khoa học từ bậc tiểu học.
Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng cần phải có ứng xử phù hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
"Chúng ta đang trên hành trình đổi mới giáo dục, một lớp học không chỉ được giới hạn trong bốn bức tường, những giờ học không thể chỉ có lý thuyết suông.
Thực hành khoa học là cần thiết, giúp học sinh sáng tạo, phát huy năng lực, có nhiều trải nghiệm và hướng tới giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Điều này là phù hợp với sự phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và chúng ta cần ủng hộ xu hướng giáo dục này.
Nếu dừng lại những hoạt động, chương trình nghiên cứu khoa học cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang quay trở về nền giáo dục của 20 - 30 năm trước, học sinh chỉ có đọc sách giáo khoa, học chay và không có thực hành. Điều đó sẽ khiến nền giáo dục tụt hậu", Tiến sĩ Hiệp chia sẻ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những ý kiến trái chiều với cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật theo Tiến sĩ Hiệp là do chúng ta đang thần thánh hóa cuộc thi này và quá coi trọng kết quả của cuộc thi.
Sau mỗi cuộc thi, học sinh đạt giải cao luôn được ca ngợi, cũng giống như những phần thưởng được trao thêm cho các em. Xã hội coi trọng kết quả cuộc thi, các trường đại học lấy kết quả này làm tiêu chí xét tuyển - đây có thể sẽ là mầm mống cho những tiêu cực diễn ra, cũng là khơi nguồn cho cuộc đua thành tích.
Tiến sĩ Phạm Hiệp khẳng định: "Nếu tạo ra một sân chơi đúng nghĩa cho các em học sinh thì những tiêu cực sẽ không tồn tại. Chúng ta không nên dẫn dắt các em vào một cuộc đua thành tích với tính cạnh tranh khốc liệt và áp lực về giải thưởng.
Hãy để các em được chơi, khám phá, sáng tạo theo mong muốn, để các em có niềm vui trong nghiên cứu khoa học và nghiên cứu trong khả năng của bản thân mình.
Và tất nhiên, những nơi tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học cũng cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng và có sự tin cậy với từng kết quả".
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hiệp cũng cho rằng, không nên đặt những kỳ vọng quá lớn lao đối với đề tài nghiên cứu của học sinh, cũng không nên chất vấn những sản phẩm đó có được ứng dụng vào thực tiễn hay đưa ra thị trường rộng lớn.
Bởi lẽ, bản chất của khoa học là sự nối tiếp, từ phòng thí nghiệm, nghiên cứu hàn lâm của nhà khoa học ra đến thực tế có thể được tính theo đơn vị năm, thập kỷ, thậm chí là thế kỷ.
"Những đề tài nghiên cứu không được áp dụng vào thực tế là một chuyện rất bình thường. Có những công trình của những nhà nghiên cứu lâu năm, những giáo sư kinh nghiệm vẫn không được ứng dụng thực tiễn, vậy tại sao chúng ta lại áp đặt những kỳ vọng lớn lao đối với các em học sinh.
Điều các em thực sự cần là có một sân chơi để thực hành khoa học, thực hiện những ý tưởng sáng tạo, khám phá ra những vấn đề mới hoặc có khi chỉ là thử xem khoa học là như thế nào", Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng được như vậy cũng là quá đủ, quá thành công.