Học sinh tiểu học, tựu trường sớm để làm gì?

14/08/2022 06:40
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 2 tuần học dự bị không chỉ giúp các em củng cố lại kiến thức mà còn trang bị thêm nhiều kỹ năng cần thiết giúp các em tự tin bước vào năm học mới.

Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký quyết định ban hành Khung thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2022.

Ảnh tác giả

Ảnh tác giả

Vậy là, học sinh cả nước đều có chung một lịch học, cùng kết thúc học kỳ, tổng kết năm học (trừ dịch bệnh bất thường, mỗi địa phương có sự sắp xếp linh động).

Điều đáng chú ý ở khung kế hoạch năm học mà Bộ Giáo dục vừa ban hành là thời gian quy định học sinh tựu trường sớm nhất 1 tuần (lớp 1 là 2 tuần) so với ngày tổ chức khai giảng.

Một số người thắc mắc: Tựu trường sớm làm gì trong khi vẫn chưa được dạy kiến thức mới?

Bài viết sẽ phần nào giải đáp thắc mắc và giúp bạn đọc thêm một số kinh nghiệm để chuẩn bị cho con (chủ yếu là học sinh mới vào lớp 1) thêm một số kiến thức, kỹ năng để các bé dễ dàng thích nghi trong những ngày đầu nhập trường.

Giáo viên, học sinh sẽ làm gì trong 1, 2 tuần trước năm học mới?

Giáo viên chúng tôi vẫn thường gọi, những tuần đầu trước thềm năm học mới là tuần học dự bị. Trong tuần học này, thầy cô sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức và kỹ năng thích nghi.

Đầu tiên là ổn định chỗ ngồi, biên chế lớp học như phân tổ, nhóm, bầu, cử học sinh làm tổ trưởng, lớp phó, lớp trưởng…

Giáo viên giao nhiệm vụ cho các thành viên của lớp. Rồi lên lịch làm vệ sinh lớp học mỗi ngày, trực lớp như việc theo dõi tắt điện, đóng cửa lớp sau mỗi buổi học.

Phổ biến nội quy trường lớp, kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập và quy định vở học, vở ghi, phát thời khóa biểu, hướng dẫn cách học, cách chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Sau đó, giáo viên sẽ tự sát hạch trình độ thực tế của học sinh để phân loại, phân nhóm theo học lực. Từ đó, giáo viên sẽ phụ đạo cho những học sinh còn yếu và tổ chức ôn tập những kiến thức cơ bản cho học sinh cả lớp cho đến khi bước vào năm học mới.

Riêng học sinh lớp 1, giáo viên sẽ vất vả vì phải chuẩn bị cho học sinh rất nhiều

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục lại có quy định học sinh lớp 1 phải tựu trường trước 2 tuần.

Từ thầy cô, trường lớp, bạn bè đều xa lạ với các em lớp 1. Ngoài ra, việc chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học có rất nhiều điều khác lạ nên học sinh cần có thời gian làm quen, thích nghi với môi trường mới nhiều hơn.

Ở mầm non, các em vừa học vừa chơi, học với 2 giáo viên trong ngày. Ở bậc tiểu học, học sinh lại học theo tiết. Học hết 2 tiết đầu của buổi sáng mới được ra chơi. Trong ngày, sẽ được học với khá nhiều thầy cô giáo theo từng môn.

Bởi thế, mục đích lớn nhất cho việc tựu trường sớm là giúp các em có thêm thời gian làm quen trường, lớp cũng như rèn luyện thói quen và một số kỹ năng cần thiết.

Phụ huynh cần chuẩn bị gì cho các bé vào lớp 1?

Chưa nghỉ hè nhưng tôi và đồng nghiệp đã nhận được không ít lời gửi gắm của phụ huynh với mong muốn được gửi con theo học hè để chuẩn bị vào lớp 1.

Nhiều phụ huynh khác còn cho biết đã cho con đi học chữ từ khi các bé đang học mẫu giáo. Thế nên khi vào lớp 1, có ít nhất 2/3 học sinh trong lớp đã đọc thông viết thạo.

Phụ huynh chủ yếu chăm lo cho con về mặt kiến thức nhưng nhiều người lại quên mất trang bị cho các em một số kỹ năng cơ bản nhưng vô cùng quan trọng.

Là giáo viên tiểu học, người viết đã chứng kiến không ít chuyện dở khóc dở cười của học sinh lớp 1 trong những tuần học đầu tiên.

Có em nhất quyết không chịu ở lại học mà buộc cha mẹ phải đứng ngay ngoài cửa cho em nhìn thấy. Có em vừa buông tay ba mẹ ra là khóc như mưa, khóc đến váng tai nhức óc.

Em lại không biết xin phép ra ngoài để đi vệ sinh làm cho cả lớp nhốn nháo bởi mùi lạ. Có những em đi vệ sinh nhưng không biết lau chùi, không biết cả việc kéo quần, kéo khóa, cài dây nịt nên cứ đứng ngoài nhà vệ sinh mà khóc.

Có em không quen ngồi học theo tiết, thiếu tính nhẫn nại, tập trung nên thường xuyên ngồi quậy trong giờ học. Trong học tập, có những em chưa biết cầm bút, không biết lấy sách vở, đồ dùng ra học và cất vào cặp cho ngay ngắn.

Tất cả những điều đó, các em cần phải được học, được hướng dẫn tận tình từ thầy cô, được rèn luyện để trở thành thói quen hằng ngày. Trẻ nhỏ hiếu động nhưng tiếp thu cũng rất nhanh. Sau 2 tuần rèn luyện, chắc chắn các em sẽ sớm thích nghi với môi trường học tập mới.

Vì thế, 2 tuần dự bị cho học sinh tiểu học đặc biệt là học sinh lớp 1 sẽ là thời gian quý báu nhất không chỉ giúp các em củng cố lại kiến thức mà còn trang bị thêm nhiều kỹ năng cần thiết để học sinh nhanh chóng, tự tin bước vào năm học mới.

Đỗ Quyên