Học sinh ở Mỹ được hướng nghiệp như thế nào?

01/03/2022 06:30
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh ở Mỹ có cơ hội tiếp xúc với nghề nghiệp từ sớm, giúp các em có thêm hiểu biết và động lực để theo đuổi công việc mơ ước.

Thạc sỹ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ chia sẻ: “Theo thông lệ, cứ đến cuối tháng 3 là trường của tôi có ngày/tuần lễ nghề nghiệp. Cả trường sẽ dành một ngày để để các em được tìm hiểu về nhiều ngành nghề khác nhau: Từ các công việc của tư nhân đến của chính phủ, từ các ngành nghề truyền thống đến các nghề mới xuất hiện gần đây.”

Thạc sỹ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thạc sỹ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong tuần lễ này, các em được gặp gỡ, tìm hiểu những nghề như: Lính cứu hỏa, xe cảnh sát, thợ mát xa, DJ, huấn luyện viên thể thao, người nấu bếp, thợ làm bánh, uốn tóc, … Trong lúc tìm hiểu, các em được thưởng thức sản phẩm, đặt câu hỏi, thử các dụng cụ, thử làm sản phẩm, …

Ngoài ra, học sinh còn được mặc trang phục của nghề nghiệp mơ ước, nhìn rất đáng yêu. Ví dụ có em muốn làm phóng viên ảnh thì sẽ đeo một chiếc máy ảnh.

Các em được truyền đạt rằng nghề nào cũng đáng quý, không nghề nào là sang hay hèn, miễn là làm ra thu nhập chính đáng bằng sức lao động của mình.

Bên cạnh ngày hội nghề nghiệp, trường tiểu học ở nơi cô Thu Hồng công tác còn tổ chức College Week – dành cả tuần để tìm hiểu về các trường đại học. Mỗi giáo viên sẽ chụp hình của mình in cùng với logo của trường đại học mà thầy cô đó đã tốt nghiệp rồi đặt ở hành lang để khuyến khích học sinh yêu thích và biết được những thông tin cơ bản về ngôi trường đó.

Ngoài ra, ở Mỹ có ngày Bring your child to work day – ngày bố mẹ mang con đến nơi làm việc để trải nghiệm.

Đây là ngày hội toàn quốc được bắt đầu tổ chức từ năm 1993. Hàng năm hoạt động này được tổ chức vào ngày thứ 5 cuối cùng của tháng 4.

Dự kiến, năm nay hoạt động này được tổ chức vào ngày 28/4 tới.

Cô giáo Thu Hồng chia sẻ: “Đây là dịp để các bạn nhỏ có cơ hội tiếp xúc với những nghề nghiệp, biết được vai trò khác nhau của lực lượng lao động, cũng như tạo sự quan tâm, hứng thú của các em đối với những công việc nhất định. Từ đó các em có thể hiểu sự vất vả của bố mẹ và giá trị của lao động.”

Đến lớp 5, học sinh sẽ làm một bản tìm hiểu chi tiết về nghề nghiệp đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng ví dụ công việc này có mức lương bao nhiêu, cần học bao lâu thì có thể làm việc.

Ví dụ có công việc cần người học đến bậc thạc sỹ trong khi có những nghề chỉ cần học đến cử nhân là được làm việc.

Cô giáo Thu Hồng kể: “Bạn Andrew nhà mình, lúc đang học lớp 5, đã bắt đầu có những nghiên cứu nghiêm túc về nghề nghiệp tương lai. Andrew cùng tất cả học sinh khối lớp 5 của trường mỗi người phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ (portfolio) trước khi vào cấp 2. Thời hạn để các bạn ý thực hiện, hoàn thành và trình bày những phần khác nhau trong bộ hồ sơ là từ đầu lớp 5 đến tháng cuối của năm học lớp 5.”

Trong bộ hồ sơ này gồm danh mục những cuốn sách các bạn phải đọc, bài trình bày (presentation) về nghề nghiệp mình sẽ làm trong tương lai, và một bài viết. Một trong những cuốn các bạn ý phải đọc là “The 7 habits of highly effective teens” (7 thói quen của bạn trẻ thành đạt).

Các em được trải nghiệm công việc của nghề nghiệp mình yêu thích. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các em được trải nghiệm công việc của nghề nghiệp mình yêu thích. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bài trình bày là phần quan trọng nhất nên học sinh làm mất nhiều thời gian nhất, được hướng dẫn kỹ và lâu nhất. Trước khi bắt tay vào nghiên cứu, thu thập thông tin về ngành đã chọn, các bạn có vài buổi được nghe nói chuyện, tư vấn do cán bộ tư vấn (guidance counselor) của trường thực hiện. Sau đó các em dành vài tuần để thu thập thông tin, tài liệu.

Cô Thu Hồng còn nhớ như in những ngày Andrew tìm hiểu thông tin về ngành em chọn - Astronomer (nhà thiên văn học). Andrew đặc biệt thích STEM, nhất là nghiên cứu về không gian vũ trụ.

Ngày nào đi học về em cũng kể nào là con phải học đến hết tiến sĩ (PhD) mới được làm nhà thiên văn học, rồi lương của con sẽ là $120.000/năm, con phải làm việc bao nhiêu tiếng một ngày, trong phòng thí nghiệm ra sao, trang phục thế nào, ...

Rồi Andrew hỏi cô về lương, sau đó nhận xét về công việc, so sánh đối chiếu.

Lên cấp 2, cấp 3, học sinh sẽ được tìm hiểu nghề nghiệp kỹ hơn. Các em có thể hỏi cán bộ tư vấn học đường.

Vì số lượng học sinh khá lớn nên ở mỗi khối lớp có một cán bộ tư vấn học đường riêng hoặc chia theo chữ cái bắt đầu của tên họ để phân công người phụ trách.

Ví dụ với những em có chữ cái bắt đầu của tên họ là A-R thì sẽ có riêng một thầy tư vấn học đường, phân chia theo các chữ cái sẽ có cán bộ khác đảm nhận.

Cô giáo Thu Hồng chia sẻ: “Có rất nhiều cách khác nhau để nói về nghề nghiệp từ những chuyến tham quan, bài học, các buổi nói chuyện.”

Một anh lính cứu hỏa đang giới thiệu những thiết bị của xe cứu hỏa với học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một anh lính cứu hỏa đang giới thiệu những thiết bị của xe cứu hỏa với học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở Mỹ học sinh phát triển theo hướng toàn diện bên cạnh học tập, các em được tham gia các hoạt động ngoại khóa. Từ đó, học sinh sẽ dễ dàng khám phá tài năng, những điểm mạnh và sở thích của bản thân. Ngoài ra còn có những dạng trường chuyên (magnet schools) phục vụ cho nhu cầu này như: trường chuyên về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), hay Performing Arts (biểu diễn, nghệ thuật).

Đến cấp 3, cơ hội tìm hiểu và tiếp cận nghề nghiệp của học sinh còn được mở rộng hơn. Trong trường cấp ba thường xuyên có những hoạt động và chuyến thăm của các trường đại học, các cơ sở và tổ chức khác, thậm chí cả quân đội dành cho những bạn vừa muốn theo nghiệp quân ngũ vừa muốn học đại học.

Ngoài ra, các em được đi tham quan và tìm hiểu rất kỹ và thực hiện một số việc liên quan đến nghề nghiệp. Ví dụ công việc một ngày của một người làm ngân hàng như thế nào hay nếu ước mơ trở thành luật sư về hôn nhân và gia đình thì các bạn sẽ tính toán xem chi phí ly dị ra sao.

Trường cấp 3 cũng có những chương trình đào tạo nghề như: Thợ điện, thợ hàn… (kéo dài từ vài tuần đến vài năm), học sinh được học tại đó hoặc liên kết với các trường, cơ sở khác.

Ví dụ với những học sinh yêu thích nghệ thuật đặc biệt là diễn xuất, vào năm lớp 12 các em sẽ được học một vài khóa diễn xuất do một trường khác liên kết với trường mà bạn ấy đang theo học tổ chức.

Cô Thu Hồng chia sẻ: “Việc định hướng nghề nghiệp từ sớm giúp các bạn được trải nghiệm, hiểu biết thêm về công việc mơ ước, có đam mê, động lực để theo đuổi và có thể thay đổi từ sớm nếu cảm thấy không phù hợp.”

Nhật Tân