Học phí năm 2023-2024, có trường ĐH giữ nguyên, có nơi tăng không quá 15%/năm

28/07/2023 06:28
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Học viện dự kiến mỗi tín chỉ hệ đại học chính quy dao động từ 370.000-400.000 đồng/tín chỉ. Học phí mỗi năm học tăng không quá 15%", thầy Long chia sẻ.

Thời điểm này, các trường đại học trên cả nước đang tập trung triển khai công tác tuyển sinh năm 2023. Theo ghi nhận chia sẻ của một số lãnh đạo trường đại học cho thấy, về cơ bản, việc tuyển sinh năm nay có sự kế thừa và giữ ổn định như năm 2022.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An chia sẻ, năm 2023, nhà trường tuyển sinh với 11 mã ngành đào tạo đại học chính quy, không mở ngành học mới.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An trong tiết học. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An trong tiết học. (Ảnh: website nhà trường).

Thầy Tường cho biết, năm 2022, so với các ngành học khác, ngành Công nghệ thông tin và ngành Quản trị kinh doanh của trường thu hút được nhiều thí sinh vào học. Trong đó, ngành Công nghệ thông tin dù mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2022 nhưng đã đạt 30/50 chỉ tiêu của ngành học.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cũng có ngành khó tuyển sinh như ngành Kinh tế số. Nguyên nhân được thầy Tường chỉ ra là vì sinh viên học xong các ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế đầu tư, Kinh tế quốc tế,… đều có thể tham gia làm việc trong lĩnh vực kinh tế nên ngành Kinh tế số khó tạo ra sức hút.

“Năm 2022, nhà trường có 650 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 310 sinh viên. Năm 2023, trường quyết tâm phấn đấu đạt 500/650 chỉ tiêu tuyển sinh. Để làm được điều này, nhà trường thành lập Tổ tư vấn tuyển sinh nhằm hỗ trợ giải đáp cho người học hiểu đúng về các ngành học. Trong đó, tập trung tuyên truyền thông tin cho thí sinh về học cái gì, tốt nghiệp ra trường sẽ làm gì, mức lương ra sao, vị trí vai trò của từng ngành học như thế nào,…”, thầy Tường chia sẻ.

Cũng theo thầy Tường, năm học 2022-2023, nhà trường quy định 295.000 đồng/tín chỉ. Để giúp cho phụ huynh và sinh viên an tâm về vấn đề tài chính, năm học 2023-2024, trường giữ nguyên mức học phí như năm trước, trung bình 4.700.000 đồng/học kỳ/sinh viên.

Ngoài ra, nhà trường triển khai chính sách học bổng tuyển sinh hấp dẫn như: cấp học bổng hỗ trợ 100% học phí năm thứ nhất cho thí sinh có điểm đầu vào xét theo kết quả thi tốt nghiệp đạt trên 20 điểm; thí sinh có điểm đầu vào xét theo phương thức kết hợp từ 23 điểm trở lên,…

Cùng thông tin về tình hình tuyển sinh năm 2023, Tiến sĩ Nguyễn Phi Long – Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 của học viện cơ bản giữ ổn định như năm 2022.

Vừa qua, học viện công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 từ 15 - 20 điểm.

Năm 2023, học viện bổ sung thêm 2 phương thức xét tuyển là: phương thức xét tuyển dựa trên sự kết hợp giữa kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (tổng 1% tổng chỉ tiêu) và phương thức xét tuyển dựa trên sự kết hợp giữa kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ) với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (tổng 3% chỉ tiêu).

“Việc bổ sung thêm 2 phương thức tuyển sinh năm 2023 nhằm gia tăng cơ hội cho thí sinh trúng tuyển vào học viện trên cơ sở các em phát huy được thế mạnh về tiếng Anh”, thầy Long chia sẻ.

Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: website nhà trường).

Học viện xét tuyển 1.515 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo chính quy. Đặc biệt, ngoài hình thức đào tạo đại học chính quy, song ngành, từ năm 2022 đến nay, học viện có thêm hình thức đào tạo chất lượng cao và đào tạo liên kết quốc tế đối với ngành Quản trị kinh doanh – đây cũng là một trong những ngành mũi nhọn của học viện. Năm 2023, học viện dừng tuyển sinh, tổ chức đào tạo ngành Xã hội học.

“Năm học trước, tỉ lệ tuyển sinh của học viện đạt 100%. Trong đó, có một số ngành top đầu, thu hút được nhiều sinh viên và điểm trúng tuyển tương đối cao như: Truyền thông đa phương tiện (24 điểm), Quản trị kinh doanh (23 điểm), Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành (21 điểm),…

Do vậy, năm 2023, ở các ngành học này, học viện dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh hơn so với các ngành khác. Cụ thể, có 210 chỉ tiêu ngành Truyền thông đa phương tiện, 190 chỉ tiêu ngành Quản trị kinh doanh và 180 chỉ tiêu ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Một số ngành ít chỉ tiêu tuyển sinh hơn như: Giới và Phát triển (80 chỉ tiêu), Công tác xã hội (120 chỉ tiêu)”, thầy Long chia sẻ.

Thầy Long dự đoán điểm trúng tuyển năm 2023 so với năm 2022 đối với các ngành thuộc top đầu của học viện có khả năng tăng nhẹ. Các ngành còn lại sẽ tương đương mức điểm trúng tuyển của năm trước.

Về mức thu học phí năm học 2023-2024, học viện dự kiến tín chỉ hệ đại học chính quy dao động từ 370.000-400.000 đồng/tín chỉ. Học phí mỗi năm tăng không quá 15% (theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ về cơ chế thu và quản lý học phí).

Ngoài thực hiện đúng các quy định về hỗ trợ đối với sinh viên thuộc diện chính sách, học viện quy định với sinh viên đạt từ 24 điểm trở lên đều được xét cấp học bổng đầu vào. Như năm trước, sinh viên nhận học bổng đầu vào của học viện sẽ được miễn học phí toàn khóa.

“Chế độ chính sách chỉ là một yếu tố nhằm khích lệ sinh viên. Còn để quyết định sinh viên có theo học hay không phụ thuộc vào môi trường học tập, chất lượng đào tạo và hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của trường”, thầy Long chia sẻ.

Thầy Long đánh giá, công tác tuyển sinh năm 2023 cơ bản thuận lợi. Trong đó, tất cả các phương thức xét tuyển đều được lọc ảo chung tạo thuận lợi cho thí sinh, bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình tuyển sinh.

"Việc tổ chức các đợt xét tuyển sớm giúp học viện dự báo mức độ quan tâm của thí sinh, xã hội đối với các ngành học để tính toán, tìm giải pháp phù hợp cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, xét tuyển sớm cũng tạo áp lực hơn cho các cơ sở giáo dục đại học. Bởi vì, lấy ví dụ, một thí sinh có thể xét tuyển sớm vào rất nhiều trường nên tỷ lệ thí sinh ảo cao. Do đó, học viện yêu cầu đội ngũ cán bộ Phòng tuyển sinh phải có khả năng phán đoán để phân chia chỉ tiêu tuyển sinh giữa các ngành, phương thức xét tuyển sao cho phù hợp", thầy Long chia sẻ thêm.

Ngọc Mai