Học Kỹ thuật an toàn hàng hải có cơ hội làm ở Cục Hàng hải, Quân chủng hải quân

06/06/2024 06:22
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Kỹ sư Kỹ thuật an toàn hàng hải có thể làm việc ở các cơ quan QLNN chuyên ngành thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Quân chủng hải quân..

Hiện tại, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học duy nhất đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải.

Theo chia sẻ của nhà trường, sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải sau khi tốt nghiệp, có thể đảm nhận các công việc tại các cơ quan quản lý biển - đảo, cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy và hàng hải; Cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang liên quan đến biển đảo, các công ty khảo sát, tư vấn và xây dựng trong lĩnh vực hàng hải; Cơ quan quản lý, các ban quản lý dự án về hàng hải, khai thác tài nguyên biển.

Trường duy nhất đào tạo Kỹ thuật an toàn hàng hải

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Tuấn - Trưởng khoa, Khoa Công trình (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) đã có một số chia sẻ liên quan đến công tác đào tạo chuyên ngành này.

z5475002208340_2c51d4be4b2fa374ff4df618d6711582.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Tuấn - Trưởng khoa, Khoa Công trình (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam). Ảnh: NVCC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Tuấn, chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải được mở từ nhu cầu thực tế của đất nước cách đây hơn 30 năm.

“Kỹ thuật an toàn hàng hải là chuyên ngành duy nhất chỉ có tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Hai đơn vị điển hình của lĩnh vực này là Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.

Được thành lập năm 1989, chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải đào tạo kỹ sư Kỹ thuật an toàn hàng hải theo hướng quản lý, khai thác hạ tầng cảng - đường thủy và bảo đảm an toàn cho các hoạt động giao thông hàng hải ven bờ và ngoài khơi, cụ thể: Quản lý, khai thác hạ tầng cảng - đường thủy và hàng hải, vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải; Biên tập bản đồ, hải đồ hàng hải; Khảo sát, thiết kế và thi công công trình đường thủy, hàng hải.

Nhiều thế hệ cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp hiện đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, hàng hải, đường thủy nội địa, tài nguyên môi trường…” - thầy Tuấn cho biết.

Thực tập đo sâu.jpg
Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) thực tập đo sâu. Ảnh: NTCC.

Nhắc đến những “điểm sáng” của chương trình đào tạo, Trưởng khoa, Khoa Công trình cho hay: “Chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải hiện nay rất được chú trọng đầu tư cơ sở vật chất thực hành, với rất nhiều các trang thiết bị công nghệ hiện đại, ví dụ như các thiết bị khảo sát đơn tần, đa tần, rà quét đáy biển… mà sinh viên sau khi ra trường có thể ứng dụng làm việc thực tế được luôn.

Hơn nữa, trong quá trình học sinh viên được tham gia các hoạt động nhóm, hoạt động cộng đồng, cũng như tham gia nhiều chương trình giao lưu, tham quan ngoại khóa, kết nối doanh nghiệp,…

Đặc biệt, sinh viên có thể tham gia làm cộng tác viên với các thầy cô để có thể tiếp cận sớm với các công việc thực tế bên ngoài”.

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cũng đánh giá: “Chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được kế thừa nền tảng chuyên môn vững chắc về bảo đảm an toàn hàng hải theo hệ thống đào tạo tại Liên bang Nga từ năm 1989 - năm thành lập chuyên ngành và đào tạo khóa đầu tiên tại Việt Nam.

Đến nay, nội dung chương trình đào tạo đã cập nhật thêm các học phần tham khảo từ chương trình đào tạo của các nước có trình độ hàng hải phát triển. Từ đó, chương trình đào tạo đã có một số thay đổi phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới, theo kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ nói chung và kỹ thuật hàng hải hiện đại nói riêng. Có nhiều cựu sinh viên của chuyên ngành này đang giữ những vị trí quan trọng tại các cơ quan Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Quân chủng Hải quân, lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học,…

Với chương trình đào tạo luôn được cập nhật và bám sát nhu cầu thực tiễn, cơ hội thực tập và tuyển dụng của sinh viên Kỹ thuật an toàn hàng hải gắn với hệ thống cơ sở kết cấu hạ tầng hàng hải và đường thủy nội địa tại Việt Nam, như hệ thống báo hiệu hàng hải trên các vùng biển và ven biển, hệ thống luồng, khu nước hàng hải và đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển và cảng bến thủy nội địa,…”.

Với vai trò cựu sinh viên, đồng thời cũng là đại diện của một trong những đơn vị sử dụng lao động, ông Đồng Trung Kiên - Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc chia sẻ: “Năm 1989, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam lần đầu tiên đưa chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải vào đào tạo và tôi may mắn là một trong những sinh viên đầu tiên của ngành học này, được trực tiếp học các thầy được đào tạo tại nước ngoài và là những chuyên gia trong lĩnh vực này.

Sau quá trình đào tạo, rút kinh nghiệm, điều chỉnh các môn học, đến nay, tôi đánh giá chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải của trường đã bao quát được tất cả các lĩnh vực của ngành an toàn hàng hải.

Trong chương trình đào tạo có những môn học chuyên sâu về khoa học bảo đảm hàng hải, bám sát với thực tiễn hoạt động của ngành hàng hải nước ta và tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, trang bị cho sinh viên những kiến thức cần thiết để khi ra trường có thể thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên ngành tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước...”.

z5470089684468_bc55858937c0f45871417c9252e9af8e.jpg
Ông Đồng Trung Kiên - Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc. Ảnh: NVCC.

Kỹ thuật an toàn hàng hải vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

“Là một cựu sinh viên hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, tôi kỳ vọng rằng, chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, là lĩnh vực chuyên môn không thể thiếu trong ngành hàng hải và đường thủy nội địa. Bởi vì, đối với bất cứ hoạt động kinh tế nào, đặc biệt là các hoạt động kinh tế biển - chịu tác động nhiều bởi môi trường tự nhiên khắc nghiệt, thì yếu tố an toàn và sinh mạng luôn được đặt lên hàng đầu” - Thạc sĩ Hoàng Hồng Giang nhấn mạnh.

Cơ hội việc làm rộng mở

Theo Phó Giáo sư Đào Văn Tuấn, sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải sau khi ra trường, có nhiều cơ hội làm việc cho nhiều cơ quan liên quan như: Các cơ quan, ban quản lý dự án doanh nghiệp hàng hải, giao thông, cảng, đường thủy và khai thác tài nguyên biển; Các đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang, an ninh liên quan đến biển đảo; Các công ty khảo sát, tư vấn thiết kế và xây dựng thuộc lĩnh vực hàng hải, giao thông, thủy lợi; Các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, các trường đại học, cao đẳng đào tạo lĩnh vực cảng, đường thủy, hàng hải, công trình giao thông,...; Các doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh nước ngoài tại Việt Nam.

“Tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm theo báo cáo hằng năm của Khoa Công trình gửi nhà trường, tỉ lệ sinh viên có việc làm trên số lượng sinh viên được khảo sát trung bình là trên 90%.

Mức lương khởi điểm phụ thuộc vào loại hình và quy mô doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành…

Nếu làm việc tại các doanh nghiệp thông thường, mức lương khoảng 12 triệu đồng/tháng do khối xây dựng khó tuyển người và đây là ngành vất vả, vì thường phải đi theo công trường” - thầy Tuấn thông tin thêm.

thăm quan hỉa đăng Hòn Dấu.jpg
Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải tham quan Hải đăng Hòn Dấu (Hải Phòng). Ảnh: NTCC.

Chia sẻ thêm về cơ hội việc làm tại đơn vị đối với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này, ông Đồng Trung Kiên - Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc cũng cho biết: “Thực tế, tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc cho thấy, các kỹ sư Kỹ thuật an toàn hàng hải tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của các vị trí tuyển dụng; sau thời gian công tác, nhiều em hiện đang đảm nhận những vị trí chủ chốt của các phòng ban, đơn vị của doanh nghiệp.

Với sự phát triển hiện tại của các ngành kinh tế hàng hải, tôi cho rằng, cơ hội việc làm đối với sinh viên mới tốt nghiệp ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải là khá lớn, với nhiều vị trí việc làm có thể phát huy được kiến thức chuyên môn được đào tạo tại trường có thể tham gia tuyển dụng tại nhiều vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa”.

Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Hoàng Hồng Giang, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành này, hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu vị trí việc làm từ các đơn vị tuyển dụng.

“Kỹ sư Kỹ thuật an toàn hàng hải có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Quân chủng Hải quân,…; cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp khảo sát, tư vấn, thiết kế, thi công xây dựng công trình cảng - đường thủy; chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên tại các trường đại học có giảng dạy, nghiên cứu về kỹ thuật an toàn hàng hải và lĩnh vực có liên quan.

Cơ hội việc làm của sinh viên thể hiện ở nhu cầu tuyển dụng thường xuyên của các doanh nghiệp trong các chương trình kết nối doanh nghiệp với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Theo tôi được biết, mức lương khởi điểm đối với kỹ sư mới ra trường (tùy theo tính chất công việc) có thể dao động khoảng 8-12 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn nếu làm cho các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài” - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ thêm.

Tổng công ty sẵn sàng hợp tác với nhà trường trong đào tạo thực tế

Là cựu sinh viên cũng trong vai đại diện nhà tuyển dụng, ông Đồng Trung Kiên chia sẻ: “Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc là đơn vị hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực kỹ thuật an toàn hàng hải, có nhu cầu tuyển dụng hằng năm, đặc biệt đối với đội ngũ lao động trực tiếp làm việc tại các trạm quản lý báo hiệu hàng hải, các đơn vị thủy đạc. Mặt khác, Tổng công ty cũng có đầy đủ cơ sở vật chất, các trang thiết bị về báo hiệu hàng hải, thủy đạc.

Đồng thời, Tổng công ty sẵn sàng hợp tác với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong việc đào tạo thực tế cho sinh viên và tạo điều kiện cho sinh viên thực tập trong môi trường hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp, với hy vọng sinh viên khi ra trường, ngoài kiến thức chuyên môn, còn nắm vững kiến thức thực tế để không bị bỡ ngỡ khi bắt đầu công việc”.

Cần chuyển dịch dần mục tiêu đào tạo từ kỹ thuật sang công nghệ và quản lý

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Tuấn cũng thông tin thêm: “Hiện, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được quy hoạch thành trường trọng điểm quốc gia và tầm nhìn, mục tiêu của trường đến năm 2045, trở thành trường đại học thông minh, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ quốc gia trong lĩnh vực kinh tế biển.

Theo định hướng chuyển đổi số của nhà trường, các chương trình kế hoạch đang được triển khai từng bước theo lộ trình từ nhà trường tới các phòng ban, và các khoa/viện chuyên môn.

Ngoài các định hướng phát triển của nhà trường, khoa, bộ môn, tiếp tục chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường thực hành thực tập, tham quan công trình thực tế, kết nối doanh nghiệp - cơ quan quản lý nhà nước - cơ sở đào tạo để phát huy các nguồn lực phục vụ đào tạo và hướng nghiệp cho sinh viên”.

Thăm quan.jpg
Một chuyến tham quan của sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải. Ảnh: NTCC.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng chỉ ra: “Trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải cần chuyển dịch dần mục tiêu đào tạo từ kỹ thuật sang công nghệ và quản lý. Với định hướng đó, cần thiết phải tăng thêm hàm lượng công nghệ và quản lý trong các học phần của chương trình đào tạo.

Để làm được điều đó, cần thiết đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng thực tế cho cả giảng viên và sinh viên, đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy và thực tập, tăng cường hợp tác quốc tế để giảng viên có nhiều cơ hội tham gia các hội thảo quốc tế chuyên ngành, sinh viên có cơ hội trong các chương trình trao đổi hợp tác đào tạo giữa các nước”.

20210330sepGiang.jpg
Thạc sĩ Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Ảnh: vinamarine.gov.vn.

Ở góc độ khác, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc lại cho rằng: “Thực tế, trong giai đoạn hiện nay, các tiến bộ khoa học công nghệ đang được áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải. Tuy nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng trang bị đủ hết các kiến thức chuyên môn cho sinh viên, mà cần tập trung đào tạo những kiến thức nền tảng, trang bị cho sinh viên cách tư duy và phương pháp làm việc, phương pháp nghiên cứu, đồng thời với vốn ngoại ngữ tốt để khi ra trường, đi làm, sinh viên có đủ công cụ và biết cách tiếp cận với công việc cụ thể của mình”.

Nhu cầu đào tạo thạc sĩ không cao so với các ngành quản lý

Bên cạnh bậc đại học, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam còn đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Bảo đảm an toàn hàng hải.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Tuấn cho hay: “Nguồn tuyển sinh sau đại học hằng năm chủ yếu từ các sinh viên tốt nghiệp mới ra trường thuộc chuyên ngành Kỹ thuật an toàn hàng hải, các chuyên ngành gần, các chuyên ngành có liên quan, các cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý tại các cơ quan doanh nghiệp, các giảng viên có nhu cầu học tập nâng cao trình độ… Số lượng tuyển sinh thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân và nhu cầu vị trí việc làm tùy từng thời điểm cụ thể.

Tuy nhiên, qua số liệu thực tế tuyển sinh thạc sĩ hằng năm, cho thấy nhu cầu của xã hội với khối ngành kỹ thuật nói chung không cao so với các ngành quản lý”.

Mộc Trà