Trường ĐH Hàng hải Việt Nam mở 2 ngành mới vì thấy cơ hội việc làm rộng mở

08/03/2024 06:12
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh viên sau khi học tập và tốt nghiệp ở những chuyên ngành mới mở tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có cơ hội việc làm lớn, thu nhập cao.

Năm 2024, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam triển khai mở 02 chuyên ngành mới, đó là chuyên ngành Luật Kinh doanh thuộc chương trình đại trà và Quản trị kinh doanh thương mại điện tử thuộc chương trình chất lượng cao.

Để mở 2 chuyên ngành này, nhà trường đã chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Cùng với đó là chương trình đào tạo tân tiến trong suốt 4 năm học.

Tuy nhiên, các bạn học sinh trung học phổ thông quan tâm đó là học những chuyên ngành mới này thì ra trường sẽ làm gì và cơ hội tìm kiếm việc làm thế nào?

Vì vậy, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam với mong muốn có thể giúp các em học sinh trung học phổ thông có thêm lựa chọn trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024.

Học Thương mại điện tử có nhiều cơ hội việc làm

Phó giáo sư Phạm Văn Thuần cho biết, theo đánh giá từ 1996 đến nay, lao động trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc thông qua hệ thống giáo dục đào tạo đại học.

Đại đa số sinh viên quản trị kinh doanh tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng với chuyên môn và chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Vị trí tuyển dụng lao động quản trị kinh doanh trên các website việc làm luôn đứng đầu trong nhiều năm qua do 80% các doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp thương mại.

gdvn-dhhh-thuc-tap-1-2292.jpg
Sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được đi học tập tại các doanh nghiệp lớn (Ảnh: LT)

Tuy nhiên, lượng cung lao động quản trị kinh doanh không đủ bù đắp cho lượng cầu với 42% các doanh nghiệp đối mặt với thiếu hụt lao động trong đó kinh doanh là lĩnh vực đứng vị trí thứ 2.

Lượng lao động chuyên môn quản trị kinh doanh mới chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối thấp nếu tính trên tổng lượng lao động của cả nước ở mức khoảng 1% và nếu so với tổng lượng lao động đã qua đào tạo ở trình độ đại học trở lên, tỷ lệ này chỉ là từ 9-12% trong giai đoạn 2015-2020.

Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, các hình thức thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam.

Cụ thể trong báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company cho biết: Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á năm 2020, với quy mô 7 tỉ USD, xếp sau Indonesia (32 tỉ USD) và Thái Lan (9 tỉ USD), điều này đã làm cho nhu cầu về lao động thương mại điện tử Việt Nam trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm việc trong ngành này mà không qua đào tạo và tập huấn, các doanh nghiệp đang kì vọng sẽ có nhiều nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo hình thức chính quy và không chính quy trong giai đoạn tới.

Hiện nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử có việc làm được ghi nhận tại một số trường đại học, cao đẳng đạt tới trên 90%.

Song, nguồn nhân lực thương mại điện tử còn đang thiếu hụt, chỉ dưới 30% nhân lực được đào tạo chính quy thương mại điện tử, 55% đào tạo từ các ngành kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, còn lại là các ngành nghề khác.

Điều này phản ánh công tác đào tạo chính quy nguồn nhân lực thương mại điện tử hiện nay mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế. Nhu cầu nhân lực lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng thu hút các bạn trẻ theo học bởi cơ hội việc làm khá rộng mở với mức lương hấp dẫn cùng môi trường làm việc luôn mới mẻ và năng động.

Theo Phó giáo sư Phạm Văn Thuần, Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực đang “hot” nhất hiện nay, có thể kể đến sự công phá của hàng loạt các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada,…

Điều này cho thấy ngành Thương mại điện tử đang dần trở nên xu hướng và thuật ngữ thương mại điện tử không còn quá xa lạ với nhiều người.

Cùng với đó là sự phát triển như vũ bão của Internet, thương mại điện tử như một “vùng đất hứa đầy màu mỡ” cho những bạn quan tâm và theo học ngành này.

Các chuyên gia đã nhận định: “Thương mại điện tử Việt Nam như một con sư tử đang ngủ yên chưa được đánh thức”. Và thực tế tiềm năng này không chỉ dừng lại ở ý nghĩa đối với khách hàng, doanh nghiệp mà nó bao gồm cả lời hứa hẹn về cơ hội việc làm cho không ít người.

Phó giáo sư Phạm Văn Thuần cho rằng: Cơ hội việc làm ngành Thương mại điện tử rất cao bởi ngành này được dự báo cần nguồn nhân lực lớn trong tương lai. Với những kiến thức và thế mạnh về xây dựng chiến lược kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực công nghệ, tin học, ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành thương mại điện tử có thể dễ dàng xin việc tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.

Trưởng phòng Đào tạo – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đưa ra một số gợi ý về vị trí làm việc cho Cử nhân ngành thương mại điện tử như sau:

Quản lý Thương mại điện tử: Công việc quản lý tất cả các kênh bán hàng trực tuyến của công ty. Bao gồm các nền tảng như web, app, mạng xã hội. Đồng thời làm việc với bộ phận Marketing cùng lên kế hoạch bán hàng hiệu quả. Để làm được vị trí quản lý, bạn phải có nhiều năm kinh nghiệm cũng như năng lực.

Chuyên viên nghiên cứu Thương mại điện tử. Với công việc này bạn sẽ hỗ trợ team làm việc trong các kênh bán hàng của công ty. Cùng team lên chiến lược và chọn kênh bán hàng hiệu quả.

Chuyên viên Digital: Lợi thế cho sinh viên ngành thương mại điện tử là trong chương trình có 65% kiến thức liên quan đến digital và marketing. Vì vậy khi ra trường bạn cũng có thể làm việc về mảng Digital.

Giảng viên ngành Thương mại điện tử: làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp…

Theo thống kê từ Bộ Công thương, doanh thu từ thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2019 đạt 4,2%, và số lượng người mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử là 39,9 triệu người.

Năm 2020, con số ấy tiếp tục tăng mạnh mẽ với tổng giá trị ngành đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa & dịch vụ, và mức tăng trưởng 18%. Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường thương mại điện tử có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với trên 40% một năm.

Với những con số và dẫn chứng về “cơn nghiện” mua sắm của người tiêu dùng như thế, không quá khi nói rằng Thương mại điện tử chính là ngành “đắt giá” trong thời kì kỷ nguyên số.

Học Luật kinh doanh ra làm gì?

Theo Phó giáo sư Phạm Văn Thuần, yếu tố pháp luật được coi như tấm khiên bảo vệ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lại chưa chú trọng vào yếu tố then chốt này.

Mọi vấn đề từ nội bộ cho đến kinh doanh, lợi nhuận đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Chính vì vậy, vai trò của luật sư khi tham gia tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp cần được chú trọng hơn.

Việc tư vấn luật thường xuyên góp phần không nhỏ trong việc hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra trong môi trường doanh nghiệp, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật và nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân trong xã hội.

Đặc biệt trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động tư vấn pháp luật thường xuyên được coi là một loại hình dịch vụ nghề nghiệp được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật về hành nghề luật sư và các quy định pháp luật liên quan.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, chuyên ngành Luật Kinh doanh đóng vai trò quan trọng để đảm bảo chất lượng vận hành của doanh nghiệp, tổ chức.

GDVN_dhhh-3.jpg
Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ra trường có nhiều cơ hội việc làm (Ảnh: LT)

Ngành Luật kinh doanh được xem là ngành có tiềm năng trong tương lai, đem đến mức lương cao cũng như cơ hội việc làm đa dạng. Các doanh nghiệp luôn cần đội ngũ chuyên viên Luật Kinh doanh để tư vấn pháp lý.

Theo thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 cho biết: cả nước có gần 150.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7.2% so với năm 2022, với tổng số vốn đăng ký là 1.520.000 tỷ đồng.

Ngày càng nhiều các doanh nghiệp đăng ký thành lập và quay trở lại thị trường kinh tế, từ đó mà ngành Luật kinh doanh là vô cùng cấp thiết về nguồn nhân lực để đáp ứng đủ cho sự trở lại thị trường.

Do đó, Luật kinh doanh liên tục được đứng vào danh sách các nhóm ngành có cơ hội làm việc cao, sau khi hoàn thành chương trình học các sinh viên có thể xin việc và đảm nhiệm các vị trí như:

Chuyên viên tư vấn pháp lý tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.

Luật sư, thư ký tòa án, trọng tài thương mại,… tại các cơ quan tư pháp tòa án, cơ quan thi hành án, viện kiểm sát.

Chủ sở hữu văn phòng luật riêng.

Giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học.

Theo thầy Thuần, đối với những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Luật kinh doanh (còn gọi Luật doanh nghiệp) con đường nghề nghiệp rất rộng mở, cơ hội việc làm rất lớn, thu nhập cao ở các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, ngân hàng, tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ, công ty đa quốc gia,.. và các lĩnh vực liên quan đến luật khác như y tế, bất động sản, kế toán.

LÃ TIẾN