Tranh chấp Biển Đông năm 2015 có thực sự được cải thiện hay không còn phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc. Hình minh họa. |
Richard Javad Heydarian, một học giả về khoa học chính trị đại học De La Salle, Philippines ngày 9/1 bình luận tên tờ The National Interest, có nhiều lý do để "lạc quan thận trọng" rằng năm nay có thể xuất hiện một cột mốc ngoại giao mới trong việc xử lý tranh chấp Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc có thể tìm thấy được điểm chung.
Việt Nam đã xử lý hiệu quả vụ giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép
Biển Đông đã trở nên căng thẳng đến mức khủng hoảng trong năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Không thể để Bắc Kinh bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông, cả Việt Nam và Philippines đã huy động các nguồn lực ngoại giao và quân sự của mình để đối phó với thủ đoạn "cắt lát xúc xích" của Trung Nam Hải.
Heydarian bình luận, trong vụ giàn khoan 981 Việt Nam đã thay đổi chiến thuật đối phó với Trung Quốc trên mặt trận dư luận, cho phát sóng video tàu hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh đâm va, phụt vòi rồng xua đuổi uy hiếp tàu tuần tra Việt Nam (ngay trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam gần nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981). Việt Nam đã kịch liệt lên án hành vi phạm pháp của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, vận động ASEAN lên án hành vi khiêu khích của Bắc Kinh.
Những nỗ lực của Việt Nam theo Heydarian đã được đền đáp khi ASEAN đã gián tiếp chỉ trích các hành động của Trung Quốc và cuối cùng Bắc Kinh đã rút giàn khoan, tìm cách "sửa mối quan hệ" với láng giềng. Trong khi đó vụ kiện đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông mà Philippines khởi xướng đã qua hạn chót 15/12/2014 Bắc Kinh vẫn kiên quyết từ chối tham gia.
Bắc Kinh thay đổi thủ đoạn trong vấn đề Biển Đông
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu quan trọng cho thấy Trung Quốc tìm cách làm giảm căng thẳng và làm sống dậy các kênh ngoại giao với láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản và ASEAN. Có điều các bên liên quan không nên "tự hài lòng" với điều này bởi Bắc Kinh có thể chỉ đơn giản tạm dừng các hành vi khiêu khích nhằm duy trì lợi thế chiến lược lâu dài ở Biển Đông.
"Thành công chiến lược" của Trung Quốc trong việc bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông mấy chục năm qua là dựa vào khả năng của Trung Nam Hải khai thác khoảng trống quyền lực ở Đông Nam Á sau Chiến tranh Lạnh. Đây là những gì giáo sư Taylor Fravel đã chỉ ra. Khoảng trống đầu tiên là khi Mỹ rút quân khỏi khu vực. Ví dụ năm 1992 Mỹ rút khỏi căn cứ Subic, Clark thì năm 1994, 1995 Trung Quốc đánh chiếm đá Vành Khăn (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam).
Một góc nhà nổi công sự kiên cố Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Vành Khăn, Trường Sa sau khi đánh chiếm và đồn trú trái phép từ năm 1994, 1995 đến nay. |
Khoảng trống thứ 2 là sự suy giảm địa chính trị khu vực sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008, Bắc Kinh tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" để "quản lý" hầu như toàn bộ Biển Đông, chính thức tuyên bố "biên giới đường lưỡi bò" trên Biển Đông. Nhưng khi thấy các nước trong khu vực trở nên đặc biệt lo ngại và các đối thủ của Bắc Kinh đang tận dụng những lo lắng ấy, Trung Quốc đã thay đổi thủ đoạn nhanh chóng chứ không phải thay đổi chiến lược, đó là quay lại ngôn ngữ ngoại giao 'tấn công quyến rũ".
Đây chính là điều ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường đã triển khai trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nước Đông Nam Á được đặc biệt khuyến khích bởi quyết định của Tập Cận Bình tiếp tục thảo luận các biện pháp xây dựng lòng tin với láng giềng như Nhật Bản và Việt Nam, Hoa Kỳ, đưa việc thành lập "đường dây nóng quân sự ra gạ gẫm", Heydarian bình luận.
Chính quyền mới của Philippines có thể tìm cách hòa hoãn với Trung Quốc
Năm nay Philippines sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC, các nhà lãnh đạo hàng đầu nước này cuối cùng có thể chào đón các đối tác Trung Quốc của họ, đặc biệt là ông Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị. Điều này có thể tạo ra cơ hội phục hồi quan hệ giữa 2 nước sau những tranh chấp "cay đắng" trên Biển Đông. Hiện vẫn chưa có gì chắc chắn về một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines bên lề hội nghị APEC năm nay.
Tuy nhiên xu hướng chung là quan hệ Trung Quốc - Philippines sẽ được cải thiện khi Tổng thống Benigno Aquino sẽ rời nhiệm sở trong năm 2016, rất có thể sẽ mở đường cho một nhà lãnh đạo mới thực dụng hơn như Phó Tổng thống Jejomar Binay lên thay. Ngay cả một ứng viên tiềm năng khác cho chức Tổng thống Philippines là Manuel Mar Roxas, Thư ký Nội các hiện tại cũng được xem như sẽ tìm cách hồi sinh quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư với Trung Quốc.
Hiện nay Philippines là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không xem Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của mình, phản ánh tâm lý phòng thủ của Manila trong việc mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015 là Malaysia một mặt có yêu sách ở Biển Đông và ngày càng quan tâm đến các hoạt động bành trướng của Trung Quốc. Mặt khác không giống như Việt Nam và Philippines, Malaysia duy trì mối quan hệ mạnh mẽ và thân thiết với Trung Quốc. Kualar Lumpur đang ngày càng mở rộng hoạt động bán quân sự, xây dựng và diễn tập ở Biển Đông, mục đích không ngoài ngăn ngừa nguy cơ bành trướng lãnh thổ từ Trung Nam Hải.
Điều này sẽ mang lại cho Malaysia một sự kết hợp độc đáo các nguồn lực ngoại giao để làm sống lại các cuộc đàm phán COC, hy vọng Trung Quốc và các quốc gia yêu sách khác ngừng đơn phương thay đổi hiện trạng, Heydarian bình luận. Với những lý do này có thể lạc quan thận trọng về một cột mốc ngoại giao mới trong xử lý vấn đề Biển Đông, ngăn ngừa xung đột quân sự trong năm 2015. Nhưng điều đó sẽ phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng của Trung Quốc.