Hoà Bình: Dạy STEM, cần đề xuất xây dựng chuẩn hóa phòng Khoa học và Công nghệ

12/09/2023 06:20
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, thành phố. 

Giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kĩ thuật (Engineering), và Toán (Math) để phát triển phẩm chất, năng lực và giải quyết hiệu quả các vấn đề trong cuộc sống.

Khi thực hiện giáo dục STEM, khuyến khích tích hợp thêm yếu tố nghệ thuật, nhân văn (Art) ở một số môn học/hoạt động giáo dục có trong chương trình nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả của giáo dục thực hành, hợp tác theo nhiều cách khác nhau để thúc đẩy tính sáng tạo, thẩm mỹ, trí tò mò và sự thấu cảm của học sinh (thực hiện giáo dục STEAM).

Hình ảnh minh hoạ. (Ảnh: Báo Hoà Bình)

Hình ảnh minh hoạ. (Ảnh: Báo Hoà Bình)

Đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện/thành phố

Để đáp ứng việc giảng dạy hoạt động giáo dục STEM, Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình yêu cầu, các Phòng cần tham mưu Uỷ ban Nhân dân huyện, thành phố bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất, xây dựng chuẩn hóa phòng Khoa học và Công nghệ theo quy định để đảm bảo thực hiện giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục

Chỉ đạo thực hiện ở tất cả các khối lớp, các trường trên địa bàn (số lượng bài học/hoạt động có thể đạt được các mức độ khác nhau theo điều kiện và nguồn lực thực tế địa phương).

Xây dựng kho học liệu STEM, hàng năm phát triển thêm các chủ đề bài học mới có áp dụng STEM theo từng khối lớp.

Thúc đẩy các hoạt động câu lạc bộ STEM trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh, sự hứng thú tự nguyện tham gia của học sinh. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục STEM cho cán bộ quản lí, giáo viên cấp tiểu học trên địa bàn theo các hình thức phù hợp.

Căn cứ điều kiện và nhu cầu thực tế của từng địa phương có thể mời chuyên gia triển khai tập huấn trực tiếp. Sử dụng hiệu quả đội ngũ cốt cán trong quá trình triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học tại địa phương.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn về chuyên đề giáo dục STEM cấp tiểu học với quy mô cấp trường, cấp huyện, thành phố, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Kiểm tra hỗ trợ các cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức hoạt động giáo dục STEM theo đúng tiến độ, kịp thời có hình thức khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phát hiện khó khăn và có các biện pháp xử lý phù hợp, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; định kỳ tổ chức hội nghị tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện về Sở GD&ĐT.

Đối với các cơ sở giáo dục

Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục theo hướng dẫn tại Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 06/7/2021 với hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường; thống nhất nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục STEM của nhà trường ngay đầu năm học; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục STEM.

Hướng dẫn giáo viên căn cứ yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học rà soát, lựa chọn những bài học có mục tiêu, nội dung tương đồng, liên quan để tích hợp và thiết kế được các chủ đề áp dụng STEM phù hợp. Vận dụng để làm các sản phẩm có tính ứng dụng trong cuộc sống, từ đó phát triển năng lực cho học sinh.

Giáo viên chủ động nghiên cứu nội dung, chương trình, mục tiêu cần đạt các môn học ở các khối lớp nắm chắc mục tiêu chương trình, phát hiện mục tiêu tương đồng, liên quan giữa các môn học, bài học để lựa chọn và sắp xếp xây dựng chương trình môn học phù hợp với từng lớp và từng trường.

Thực hiện phân cấp trong việc xây dựng chương trình môn học cho các nhà trường, giáo viên và tổ chuyên môn.

Lập danh sách các bài học, các nội dung có tính tương đồng để xây dựng chủ đề tích hợp. Chú trọng và ưu tiên bài học STEM đảm bảo thực hiện chương trình môn học, đảm bảo yêu cầu cần đạt môn học chủ đạo, môn tích hợp trong chương trình, không tăng thời lượng, không quá tải. Điều chỉnh kế hoạch dạy học theo từng tuần linh hoạt trong việc thực hiện các chủ đề bài học STEM (phân cấp thực hiện chương trình cho giáo viên). Linh hoạt trong việc rà soát, sắp xếp nội dung, chương trình sách giáo khoa, lựa chọn các môn học, bài học có nội dung tích hợp phù hợp với STEM để thực hiện.

Lựa chọn các nội dung tích hợp theo chủ đề xây dựng bài học STEM phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, năng lực học sinh (vật liệu, điều kiện, năng lực của học sinh).

Yêu cầu các chủ đề bài học STEM cần được sắp xếp để đảm bảo: học sinh được vận dụng giải quyết các nội dung, kiến thức môn học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, không quá tải, không xa rời thực tiễn.

Đẩy mạnh tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề về thực hiện nội dung giáo dục STEM để nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học. Chú trọng xây dựng các bài học STEM; nội dung bài học STEM bảo đảm yêu cầu cần đạt của các môn học Toán, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học, Công nghệ, Mĩ thuật và một số môn học khác.

"Trong quá trình triển khai thực hiện các nhà trường có thể lựa chọn, sử dụng nguồn học liệu, tài liệu phù hợp đảm bảo đúng quy định, trên tinh thần tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh", Sở chỉ đạo.

Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chế tạo sản phẩm thông qua bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, đồng thời tận dung tối đa đồ dùng, thiết bị sẵn có, những vật liệu thân thiện với môi trường, gần gũi có sẵn tại địa phương. Khai thác các nguồn tài liệu tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên;

Các chủ đề bài học STEM do các chuyên gia và giáo viên xây dựng trên Website https://stemtieuhoc.vn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc xây dựng và thực hiện kế hoạch; kịp thời phát hiện khó khăn và có các biện pháp xử lý phù hợp, linh hoạt, tổng hợp ý kiến của các tổ chuyên môn và báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện tại đơn vị.

Mạnh Đoàn