Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó có nội dung "thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; thí điểm quy định đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù".
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tuy nhiên trên thực tế nguồn nhân lực STEM, nhất là nguồn STEM chất lượng cao đang bị thiếu hụt tại nhiều cơ sở, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
Khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực đào tạo STEM
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết, lý do khiến ít sinh viên theo học các khối ngành liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học vì phần lớn các môn học và công việc về các lĩnh vực này đòi hỏi tư duy logic cao.
Thêm vào đó việc định hướng cho học sinh có đam mê, năng lực và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp thuộc về các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán còn nhiều lỗ hổng khiến công tác tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở giáo dục gặp khó khăn.
Đề cập đến vấn đề áp dụng phương pháp đào tạo STEM trong các cơ sở giáo dục, Phó Giáo sư Chu Văn Tuấn khẳng định việc ứng dụng phương pháp này vào giảng dạy có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Trong đó, việc đào tạo nguồn nhân lực STEM chất lượng cao đóng vai trò đáp ứng, giải quyết các yêu cầu mới của thị trường lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Là ngôi trường đào tạo chuyên sâu về các khối ngành liên quan đến khoa học kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã đưa giáo dục STEM vào giảng dạy thông qua việc xây dựng khung chương trình học, đồng thời giảng viên đã chủ động áp dụng STEM vào các học phần cụ thể.
Theo thầy Tuấn, nhà trường chú trọng đầu tư vào đội ngũ giảng viên. Hiện nay trường có 135 tiến sĩ (trong đó có 16 phó giáo sư, 1 giáo sư).
Phần lớn các giảng viên đều có cơ hội được đào tạo bài bản, chuyên sâu ở các cơ sở giáo dục nước ngoài, hoặc được học tại các trường đại học nổi tiếng trong nước.
Nhà trường đã tập trung nguồn nhân lực chất lượng để tập trung cho chương trình đào tạo STEM.
Tất cả chương trình đào tạo STEM của trường đều được thông qua các chuyên gia, doanh nghiệp, nhóm chuyên môn xây dựng để bắt kịp với sự hội nhập của xu hướng giáo dục khoa học, công nghệ trên thế giới.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tham gia cuộc thi sáng tạo Robocon năm 2023. Ảnh: Website nhà trường. |
Ngoài ra, nhà trường đã tổ chức các hoạt động qua việc thành lập trung tâm giáo dục STEM chuyên biệt để đến các trường trung học phổ thông hướng dẫn, giảng dạy STEM; tổ chức các cuộc thi Robotics; đồng hành cùng sinh viên tham gia cuộc thi sáng tạo Robocon Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đào tạo nguồn nhân lực STEM của trường còn gặp nhiều vướng mắc nhất định.
Tiến sĩ Vũ Hồng Sơn - Trưởng phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết, cản trở lớn nhất trong công tác đào tạo nguồn nhân lực STEM không phải là vấn đề phương pháp hay học thuật mà là thiếu cơ sở vật chất, mảng thiết bị hỗ trợ nghiên cứu khoa học.
Để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lớn buộc nhà trường phải đảm bảo được chất lượng chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất nhằm đào tạo ra đội ngũ chất lượng cao.
Tuy vậy trên thực tế, các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn chưa đảm bảo được yếu tố về trang thiết bị phục vụ cho quá trình học tập và nghiên cứu của học viên.
Thầy Sơn cho biết thêm: “STEM đại học có tính đặc thù riêng của từng chuyên ngành. Ví dụ đối với sinh viên làm về AI cần có máy tính đủ tốt để thực hiện các thuật toán học máy trên tập dữ liệu lớn.
Vấn đề thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho học phần là thực trạng chung của các trường đại học, tuy nhiên đối với ngành STEM khó khăn này trở thành cản trở lớn trong việc đào tạo đội ngũ chất lượng cao”.
Thực tế cho thấy những sinh viên am hiểu, yêu thích khoa học công nghệ khi tham gia vào sân chơi STEM có thể làm chủ được công nghệ.
Đồng thời, khi tham gia vào thị trường lao động các doanh nghiệp đều có phản hồi rất tích cực về chất lượng, qua đó các bạn sinh viên cũng có nguồn thu nhập tương đối cao.
Là giảng viên có kinh nghiệm đào tạo STEM, thầy Vũ Hồng Sơn chỉ ra rằng để đào tạo ra nguồn nhân lực STEM chất lượng cao yếu tố quan trọng nhất là khơi gợi được niềm đam mê, sự ham học và thích thú của sinh viên.
Theo vị tiến sĩ này, thời gian đào tạo đại học không dài, thời lượng học phần cũng rất ít nên phần lớn giảng viên chỉ đưa ra khái niệm và kiến thức cơ bản.
Còn việc đào sâu, tiếp cận bài toán và đưa vào thực tiễn thì bản thân các bạn sinh viên cần có niềm yêu thích, muốn tiếp cận với khoa học, công nghệ.
Ngoài ra, phương pháp giảng dạy của thầy cô cùng với sự đầu tư về trang thiết bị cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực STEM chất lượng cao.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp. (Ảnh: Website nhà trường) |
Tìm lời giải bài toán “khát” nguồn nhân lực STEM chất lượng cao
Đề cập đến vấn đề khan hiếm nguồn nhân sự STEM chất lượng cao, Phó Giáo sư Chu Văn Tuấn cho hay yêu cầu về trình độ tiếng Anh khắt khe đối với chương trình đào tạo sau đại học là một rào cản với nhiều sinh viên.
Đặc biệt, thạc sĩ và tiến sĩ là trình độ đều mang tính chất nghiên cứu, hàn lâm hơn về một lĩnh vực, ngành hẹp cụ thể để có thể ứng dụng thực tế.
Trong khi đó, các bạn trẻ sau khi ra trường khi làm việc tại các doanh nghiệp lại tham gia thực chiến nhiều hơn và được hưởng mức lương, đãi ngộ cao, từ đó phần lớn không có nhu cầu tham gia đào tạo sau đại học.
Một bất cập nữa khiến vị Phó hiệu trưởng nhà trường trăn trở là nhiều sinh viên giỏi khi được mời ở lại trường giảng dạy đều lắc đầu từ chối.
Theo thầy Chu Văn Tuấn, với mức lương cho giảng viên mới tại các trường chưa tự chủ hoàn toàn như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chỉ khoảng 5 triệu đồng.
Trong khi đó, sau khi tốt nghiệp đại học, cử nhân ra ngoài làm ở doanh nghiệp lương khởi điểm là 10-15 triệu đồng/tháng.
Nếu sinh viên ở lại trường, để tham gia nghiên cứu và giảng dạy buộc phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, ít nhất phải học thêm 5-7 năm.
Nhiều bạn trẻ cho rằng điều này sẽ làm mất thời gian cũng như mất cơ hội tham gia làm việc tại các doanh nghiệp với mức lương cao.
Tiến sĩ Vũ Hồng Sơn cũng lý giải thêm về thực trạng này là các bạn sinh viên khi ra trường phần lớn có nhu cầu rèn luyện, học tập kỹ năng chuyên môn ở môi trường doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong thế giới phẳng hiện nay với các công cụ hiện đại có thể giúp các bạn trẻ tự chủ động tiếp cận khoa học, công nghệ cũng là nguyên nhân giảm sức hút của đào tạo sau đại học.
Theo lãnh đạo nhà trường, vấn đề học phí không phải nguyên nhân dẫn đến việc đào tạo sau đại học các ngành STEM thấp. Bởi học phí sau đại học một số ngành tại trường, sinh viên sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí học tập thông qua việc tham gia nghiên cứu cùng giảng viên và đạt kết quả thực tiễn tốt.
Tuy đã có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với sinh viên theo học chương trình đào tạo sau đại học song Tiến sĩ Chu Văn Tuấn vẫn bày tỏ sự lo lắng khi nhà trường cũng đang loay hoay giải quyết bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trường cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng giảng viên tại một số khối ngành như Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ tự động hóa cơ khí, Công nghệ kỹ thuật ô tô.
Theo đó, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn kiến nghị nhà trường và doanh nghiệp cần bắt tay để đảm bảo nguồn nhân lực STEM chất lượng cao.
Cụ thể, doanh nghiệp có thể đặt hàng đề bài, sản phẩm mới để trên cơ sở đó nhà trường hình thành đề tài nghiên cứu cho học viên.
Ngược lại, cơ sở giáo dục có trách nhiệm đảm bảo số lượng và chất lượng đầu ra để đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp đã đặt ra.
Như vậy, sinh viên theo học đào tạo sau đại học tại trường vừa được tham gia làm việc với doanh nghiệp, vừa có cơ hội nghiên cứu chuyên sâu tại trường.
Khi đó cả doanh nghiệp và nhà trường đều có thể giải quyết bài toán về nhân sự STEM chất lượng cao.
Đồng thời bản thân sinh viên cũng có nguồn động lực để đóng góp trí tuệ phát triển lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.
Tuy nhiên để đạt được điều này, ban lãnh đạo nhà trường mong muốn Chính phủ có chính sách cụ thể, quyết liệt trong việc yêu cầu nhà trường và doanh nghiệp có sự kết nối trên lập trường đem lại hiệu quả phát triển chung cho lĩnh vực khoa học, kỹ thuật nước nhà.