Hỗ trợ tối đa 6 tháng kinh phí cho lao động gặp khó khăn do COVID đi học nghề

07/07/2021 10:02
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 6/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, cho biết ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Trong Mục 3 của Nghị quyết quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng khi thỏa mãn một số quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7 năm nay đến hết ngày 30/6/2022.

"Trước yêu cầu trên, Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai các nội dung quy định về chính sách hỗ trợ theo trình tự, thủ tục rút gọn", ông Trương Anh Dũng cho biết.

Ông Trương Anh Dũng phát biểu tại buổi hội nghị. Ảnh: Ban Tổ chức

Ông Trương Anh Dũng phát biểu tại buổi hội nghị. Ảnh: Ban Tổ chức

Phát biểu tại hội nghị, Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động là 1 trong 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Gói chính sách này có tổng kinh phí là 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề sẽ được đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Điều kiện để đào tạo nghe đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

Ông Đỗ Năng Khánh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Thực chất chính sách này có từ năm 2015 nhưng khó triển khai trên thực tế vì những thủ tục hành chính phực tạp. Do đó, chính sách hỗ trợ lần này đơn giản hóa tới mức tối đa.

Lao động gặp khó khăn sẽ được hỗ trơ để chuyển đổi học nghề. Ảnh minh họa: Kinh tế đô thị

Lao động gặp khó khăn sẽ được hỗ trơ để chuyển đổi học nghề. Ảnh minh họa: Kinh tế đô thị

Hồ sơ xét duyệt đào tạo lại nghề gồm có: Văn bản đề nghị kèm theo doanh thu chứng minh giảm so với cùng kỳ 10%; Mẫu khai thay đổi cơ cấu tổ chức, áp dụng công nghệ; Phương án đào tạo, bỗi dưỡng nâng cao trình độ và xác nhận của Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Điểm quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

“Lần này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động tìm kiếm liên kết với doanh nghiệp bị ảnh hưởng để lên phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng. Với phương án này, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ là người duyệt, không như trước đây phải trình lên Chủ tịch tỉnh, thành phố. Do đó, nhiệm vụ của lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ rất nặng nề. Với 1,5 triệu đồng/người/tháng, học 6 tháng là 9 triệu đồng, đây là khoản kinh phí không nhỏ dành cho đào tạo lại nghề. Đồng thời nguồn cũng được xác định từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội trực tiếp chi trả”, ông Khánh cho biết.

Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến từ thưc tế các cơ sở đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh đồng thời nêu các thắc mắc cụ thể đối với Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp,

Lại Cường