Hiệu trưởng THCS Văn Phú bị điều chuyển: Bài học nào cho lãnh đạo các trường?

06/01/2024 06:40
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) bị điều chuyển làm hiệu phó một trường khác sau vụ việc cô giáo bị học sinh bạo lực.

Ngày 4/12/2023 video ghi lại cảnh cô giáo Trường Trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bị học sinh quây kín vào góc tường, liên tục chửi bới và có hành vi thiếu tôn trọng được mạng xã hội lan truyền nhanh chóng.

Người trong clip bị học sinh bạo hành được xác định là cô P.T.H., giáo viên dạy môn Trải nghiệm hướng nghiệp và Âm nhạc tại Trường Trung học cơ sở Văn Phú. [1]

Ngày 6/12, Uỷ ban Nhân dân huyện Sơn Dương đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày đối với ông Trần Duy Sáng, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Phú, để phục vụ việc xác minh, làm rõ vụ cô giáo bị học sinh nhốt, xúc phạm, ném dép.

Ngày 25/12/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương ban hành Quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Duy Sáng bằng hình thức cảnh cáo. [2]

Ông Nguyễn Duy Sáng được điều chuyển công tác đến Trường Trung học cơ sở Đại Phú, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, với chức vụ phó hiệu trưởng. [3]

Trường Trung học cơ sở Văn Phú - nơi xảy ra sự việc học sinh bạo lực cô giáo gây phẫn nộ dư luận. Ảnh: Tú Linh.Trường Trung học cơ sở Văn Phú - nơi xảy ra sự việc học sinh bạo lực cô giáo gây phẫn nộ dư luận. Ảnh: Tú Linh.

Trở lại sự việc cô P.T.H bị học sinh Trường Trung học cơ sở Văn Phú bạo lực, theo lời kể của cô H., đây không phải lần đầu cô bị học sinh vây nhốt trong lớp.

Từ cuối học kỳ II năm trước, học sinh lớp 7C (Trường Trung học cơ sở Văn Phú) đã có những biểu hiện không tôn trọng giáo viên bằng cách không thực hiện nhiệm vụ của học sinh. Việc này cô H. đã báo cáo hiệu trưởng nhưng vẫn không được xử lí.

Sự việc học sinh mâu thuẫn với cô H. từ kì 2 năm trước (2022-2023) đến kì 1 năm nay - tức là khoảng 1 năm, nhưng hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Phú vẫn không có phương án xử lí triệt để là một uẩn khúc, là câu hỏi lớn chưa được làm rõ.

Nhiều giáo viên giật mình và không thể hiểu nổi vì sao học sinh và cô H. mâu thuẫn với nhau cả năm, dẫn đến trò bạo hành cô cả thể xác lẫn tinh thần nhưng hiệu trưởng vẫn “bình chân như vại”.

Giáo viên dạy môn Âm nhạc thường dạy hàng chục lớp nhưng vì sao chỉ có học sinh lớp 7C mâu thuẫn dai dẳng với cô H., dẫn đến các em (chỉ mới 13 tuổi) có hành vi như vậy?

Nếu hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và các đoàn thể nhà trường cùng vào cuộc xử lí rốt ráo sự việc thì có lẽ Hiệu trưởng, cô H. và học sinh đã không rơi vào cảnh bị xử lý kỷ luật.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc kỉ luật cảnh cáo hiệu trưởng thì ngành giáo dục địa phương cũng cần xem xét những người có trách nhiệm liên đới đó là hiệu phó, giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức đoàn thể trong trường.

Ví dụ, điểm a khoản 2 Điều 29 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường trung học phổ thông có nhiều cấp học quy định: “Giáo viên chủ nhiệm có quyền được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.”

Đáng nói, giáo viên mỗi tháng có 2 lần họp tổ chuyên môn, một lần họp hội đồng sư phạm, một lần họp chi bộ (nếu là đảng viên),... Vậy tại sao sự việc học sinh bạo hành cô giáo không được tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng, hiệu phó giải quyết?

Chưa kể, vai trò của Công đoàn nhà trường ở đâu khi giáo viên bị học sinh bạo hành? Cần biết, ngoài việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, công đoàn còn là nơi để đội ngũ nhà giáo gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và tạo động lực để giáo viên đổi mới, sáng tạo.

Việc thực hiện dân chủ ở Trường Trung học cơ sở Văn Phú có được các cá nhân (giáo viên, nhân viên), tổ chức (chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên) thực hiện một cách nghiêm túc?

Hiện nay, các nhà trường phổ thông đều ban hành quy chế thực hiện dân chủ cơ sở, quy định rất rõ trách nhiệm của hiệu trưởng.

Chẳng hạn, hiệu trưởng phải lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong nhà trường thông qua họp hội đồng giáo dục, sinh hoạt tổ, hoạt động đoàn thể, hội phụ huynh học sinh, trao đổi trực tiếp của cá nhân… và có biện pháp giải quyết đúng theo chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước theo nội quy, quy chế, điều lệ của nhà trường và phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm được giao của hiệu trưởng.

Có thể nhận thấy, hiệu trưởng là người đóng vai trò quan trọng và quyết định trong việc xây dựng và phát triển văn hóa lành mạnh, tích cực trong nhà trường. Mỗi khi hiệu trưởng tạo được bầu không khí cởi mở, dân chủ, biết lắng nghe thì có thể hoá giải mọi khó khăn.

Cùng với đó, giáo viên cần có sự đoàn kết, cảm thông, chia sẻ và có phương pháp làm việc đúng đắn, tích cực thì rất khó xảy ra chuyện đồng nghiệp bị bạo hành như trường hợp cô giáo H. xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Văn Phú vừa qua.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/co-giao-thcs-van-phu-keu-cuu-vi-bi-hs-xuc-pham-huyen-son-duong-chi-dao-gi-post239681.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/vu-co-giao-bi-hoc-sinh-bao-luc-o-thcs-van-phu-dieu-chuyen-cong-tac-hieu-truong-post240283.gd

[3] https://tienphong.vn/vu-co-giao-bi-hoc-sinh-nhot-xuc-pham-hieu-truong-dieu-chuyen-di-dau-giu-vi-tri-gi-post1601535.tpo

[4] https://tuoitre.vn/co-giao-ke-thuong-xuyen-bi-hoc-sinh-danh-phu-huynh-noi-co-van-khieu-chien-voi-lop-20231208031413241.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên