LTS: Việc hiệu trưởng nhận tiền hoa hồng đã trở thành một điều không lạ trong các nhà trường.
Thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc báo giaoduc.net.vn, như là thói quen của tôi và nhiều đồng nghiệp. Muốn làm một giáo viên tốt, nhiều bài học kinh nghiệm được báo chuyển tải, từ nội dung bài viết và phần bình luận của bạn đọc.
Ngược lại, người xấu cũng rút ra được những việc làm xấu, có hiệu quả xấu cho xã hội, đem lại hiệu quả tốt cho bản thân mình.
Ở vai trò quản lý, cũng vậy. Người quản lý tốt, tránh được việc xấu báo nêu, rút ra các giải pháp tích cực, trong điều hành công việc, nơi mình phụ trách.
Người quản lý xấu, tìm được thêm các biện pháp “lách luật”, để che giấu hành vi tiêu cực của mình.
Vì thế, khi bình luận về bài viết, không ít độc giả nhận xét: Chuyện này ở địa phương tôi, người viết chắc ở trường tôi.
Thế nhưng, luân quả nhãn tiền, sự tử tế được tôn vinh; kẻ xấu xa nhận sự nguyền rủa.
Hiệu trưởng "không ăn hoa hồng", được không? (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet.vn) |
Chuyện hiệu trưởng ăn hoa hồng không mới, đâu chỉ có hoa hồng, người ta ăn bất cứ thứ gì của dân kia mà.
Vậy tại sao hiệu trưởng ăn hoa hồng, dư luận phản ứng rầm rộ trên báo chí?
Hoa hồng trong trường học đâu có bao nhiêu, so với các dự án nghìn tỷ ở các ngành khác, hay dự án trong ngành giáo dục do các “cấp cao hơn triển khai”?
Thật ra, người dân mình rất tin, yêu giáo viên, đặc biệt là các hiệu trưởng.
Khi các thần tượng của mình, không như kỳ vọng, thất vọng quá mức thường xảy ra. Người dân chỉ mong muốn, trong trường học lan tỏa, giáo dục sự tử tế cho con em mình.
Vậy hoa hồng mà hiệu trưởng ăn có từ đâu? Bun-ga-ri chắc là không phải rồi, nó từ trong túi phụ huynh cả thôi.
Khi bán hàng cho nhà trường, nhà cung cấp đều đưa giá cạnh tranh, tỷ lệ hoa hồng bao nhiêu, do hiệu trưởng quyết định.
Buôn có bạn, bán có phường; người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giới thiệu cô A ở trường B tính 20%, các trường khác cũng vậy.
Hiệu trưởng nào có thể hạ % hoa hồng xuống không? Xin thưa là không; nếu làm vậy chẳng khác gì con quạ giữa bầy cò trắng, thằng ngay giữa đám gù.
Đó là chưa kể, đại lý cung cấp hàng hóa, dịch vụ, là người nhà của cấp trên, % hoa hồng còn phải “cúng trên, khen dưới”, biết sao đây?
Vì vậy, mơ ước “hiệu trưởng không ăn hoa hồng” chẳng khác gì “hái sao trên trời”.
Hiệu trưởng tốt, ăn hoa hồng, thường áy náy lương tâm, cà phê, quán xá với anh em, vui vẻ chi trả. Gặp học sinh có hoàn cảnh éo le, ra tay giúp, vận động quỹ học bổng cho học sinh nghèo.
Dẫu vậy, hoa hồng không thể không nhận, dù biết, là lừa đảo phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp.
Làm sao giữ được tâm sạch, tránh bị dòm ngó, gièm pha, nhiều khi còn bị cài bẫy để thay thế vì “không hợp gu”?
Không phải, không có giải pháp. Đơn giản nhất là "Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar"; sách vở, bút mực, quần áo đồng phục… cứ trả hết về cho phụ huynh học sinh.
Nhà trường, chỉ thu các khoản quy định của nhà nước như học phí, bảo hiểm bắt buộc… các khoản phục vụ cho học sinh, chiết tính minh bạch, công khai.
Khi đã làm vậy, không có thế lực thù địch nào bắt hiệu trưởng ăn hoa hồng được nữa.
Làm được vậy, hoa hồng tỏa hương, khoe sắc trên lối nhỏ vào đời con trẻ, lan tỏa sự tử tế, từ hiệu trưởng đến giáo viên, cộng đồng; trả lại hình tượng nguyên mẫu của HOA HỒNG, của hạnh phúc, sẻ chia.