Hiệu trưởng ĐH khuyên HS đừng lựa chọn nghề nghiệp theo tiêu chí “thích là chọn”

08/07/2023 06:37
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, có ngành truyền thống của trường lại gặp khó trong tuyển sinh, do xu hướng người học thích theo ngành “hot”.

Có ngành tuyển sinh khó khăn, chỉ duy trì 30 chỉ tiêu/năm

Theo thông báo tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội dự kiến tuyển tổng số 1.530 chỉ tiêu, trong đó, gồm 1.380 chỉ tiêu đại học với 9 nhóm ngành đào tạo (Công nghệ may; Công nghệ sợi, dệt; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Quản lý công nghiệp; Marketing; Kế toán; Thương mại điện tử; Thiết kế thời trang).

Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Năm nay, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tuyển sinh qua 4 phương thức: xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển thẳng theo phương án riêng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm theo 2 phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông đợt 1 năm 2023 cho 09 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy và 02 nghề đào tạo trình độ cao đẳng tại trường.

Theo dự kiến, vẫn còn 4 đợt nhận hồ sơ tuyển sinh theo các phương thức xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông; xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển thẳng theo phương án riêng.

Trong 2 ngày 18-19/7/2023 tới đây, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng sẽ tổ chức thi tuyển cho thí sinh đăng ký tổ hợp V00, V01, H00 để xét tuyển ngành Thiết kế thời trang của trường.

Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, chỉ tiêu tuyển sinh trong các năm gần đây của nhà trường duy trì tương đối ổn định: “Đến thời điểm hiện tại, lượng hồ sơ nhà trường nhận được cũng tương đương với năm trước, khoảng 2.400 hồ sơ, mặc dù thu nhập của người dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vẫn chịu tác động do kinh tế tăng trưởng chậm...”.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cũng cho biết thêm: “Những năm gần đây, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có tương đối nhiều ngành đang dần trở nên “hot” hơn qua các kỳ tuyển sinh, có thể kể đến như: ngành Công nghệ may, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp... Một phần lý do mà nhà trường vẫn duy trì tốc độ và mức độ “hot” của các ngành này là vì đầu ra rất tốt, có chuyên ngành sinh viên tốt nghiệp có thể nhận mức thu nhập trên 1.000 USD/tháng.

Bên cạnh đó, các khối ngành về kinh tế phục vụ khối dệt may như Marketing, Kế toán, Thương mại điện tử... cũng là những ngành tuyển sinh tương đối tốt trong những năm trở lại đây”.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Ảnh: Ngân Chi.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Ảnh: Ngân Chi.

“Mặt khác, những ngành gặp khó trong tuyển sinh vẫn là những ngành mà xã hội chưa thực sự quan tâm, chẳng hạn như các chuyên ngành Công nghệ sợi, Công nghệ dệt kim, Công nghệ dệt thoi... Đó là những ngành mà xã hội rất cần, đầu ra rất rộng mở với cơ hội, thu nhập tốt, môi trường làm việc tốt, nhà trường cũng rất ưu tiên, tạo điều kiện với nhiều loại học bổng, có cả học bổng nước ngoài... nhưng dường như các em học sinh lại chưa mấy mặn mà. Mỗi năm, các ngành này chỉ tuyển được khoảng 30 chỉ tiêu, mà trong quá trình tuyển đã cảm thấy khó khăn.

Mặc dù công tác truyền thông cũng rất chú trọng đến các ngành này, nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa thu hút được nhiều thí sinh lựa chọn... Có thể, đúng là xu hướng hiện nay, học sinh thường hướng về những ngành “hot” nhiều quá, nên những ngành mang tính nền tảng như thế này lại khó tạo được sức hút.

Câu chuyện ở đây cũng gần giống như một số ngành của Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam... mặc dù là ngành truyền thống của nhà trường nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh hơn so với các ngành khác. Đó cũng là một điểm không tích cực cho cơ cấu tuyển sinh của các nhà trường cũng như cơ cấu nhân lực quốc gia” - vị Hiệu trưởng phân tích.

Kỳ vọng có cơ chế đặt hàng đào tạo rõ ràng hơn

Với những khó khăn trong việc duy trì “sức hút” đối với những chuyên ngành khó cạnh tranh, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chia sẻ thêm: “Mặc dù trước đây đã có Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; nhưng cơ chế lại chưa thực sự rõ ràng. Nên các trường rất vướng trong chuyện đào tạo, nếu muốn được đặt hàng thì đăng ký với ai, chỉ tiêu bao nhiêu, cơ chế về mặt đào tạo thế nào, về mặt tài chính, quyết toán ra sao... chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

Thực tế hiện nay, vẫn có những ngành mặc dù xã hội đang rất cần nhưng lại rất khó tuyển sinh, đó là một “bài toán”, một thách thức chung.

Tôi cho rằng, nếu Nhà nước có chính sách đặt hàng cụ thể, rõ ràng hơn, đẩy mạnh hỗ trợ đối với những ngành nghề không phải ngành “hot” thì các ngành học này sẽ có “sức sống” hơn.

Nhà trường cũng sẵn sàng tuyển sinh chính quy đối với những đối tượng đang làm việc ở doanh nghiệp, nhưng để những người đang đi làm có thể đi học trọn vẹn như vậy, phải có chế độ đặt hàng và phải được hỗ trợ chi phí, bởi doanh nghiệp không thể chịu hoàn toàn chi phí cử người đi học”.

“Về phía Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, từ thực tế tuyển sinh trong nhiều năm qua, năm nay, nhà trường cũng đã có nhiều giải pháp để thu hút, tạo sức hấp dẫn hơn trong tuyển sinh.

Trong đó, nhà trường lên kế hoạch làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp (những đơn vị hiện đang rất cần nhân lực), hợp tác với các doanh nghiệp, đến các trường trung học phổ thông, cùng tư vấn tuyển sinh, giới thiệu về ngành học cho học sinh ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhà trường cam kết đầu vào và đào tạo, còn các doanh nghiệp sẽ cam kết đầu ra, giới thiệu các vị trí việc làm với mức thu nhập hấp dẫn. Chính vì vậy, có thể nói, công tác tuyển sinh năm nay sẽ tương đối khả quan.

Tôi cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho các thí sinh tại các trường phổ thông cũng cần phải xem lại. Nếu cứ để học sinh đua nhau chạy theo những ngành “hot”, mà không nghĩ đến chuyện phải lựa chọn học ngành nào để 4 năm sau, khi ra trường, sẽ có vị trí công việc ở đâu, thu nhập bao nhiêu, đóng góp cho xã hội như thế nào..., thì các thí sinh sẽ tiếp tục chỉ lựa chọn nghề nghiệp theo tiêu chí “thích là chọn”, không cần biết có phù hợp hay không” - vị Hiệu trưởng bày tỏ.

Ngân Chi