Tham dự chương trình, về phía Đại sứ quán Ấn Độ có bà Mini Kumam - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Ấn Độ.
Về phía khách mời tham dự có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Toại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cùng lãnh đạo phòng, ban của 2 nhà trường.
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội; Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga – Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Hiệp hội, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam với Đại sứ quán Ấn Độ |
Chia sẻ trong buổi làm việc, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ niềm vinh dự khi được đón tiếp bà Mini Kumam - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Ấn Độ tại văn phòng của Hiệp hội.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hiện nay có 359 hội viên, 24 câu lạc bộ theo các khối chuyên môn, 26 đơn vị viện nghiên cứu, trung tâm trực thuộc Hiệp hội.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến hy vọng sau cuộc gặp gỡ lần này sẽ có nhiều cuộc trao đổi hơn nữa giữa lãnh đạo của Hiệp hội với Đại sứ quán Ấn Độ.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ trong buổi làm việc |
"Cuộc trao đổi có thể tập trung vào những vấn đề liên quan đến hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung cũng như bàn về từng lĩnh vực chuyên môn trong giáo dục đại học nói riêng”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ.
Bà Mini Kumam - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Ấn Độ bày tỏ niềm vui khi được Hiệp hội tiếp đón, trao đổi về giáo dục trong không gian thân mật. Bà Mini Kumam cho biết đã có dự định sang Việt Nam để gặp gỡ lãnh đạo của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam từ lâu nhưng trong khoảng 2-3 tháng vừa qua, Đại sứ quán Ấn Độ phải tiếp đón nhiều đoàn làm việc nên khá bận rộn.
Bà Mini Kumam - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Ấn Độ |
Theo Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ, vào cuối tháng 11/2023, Đại sứ quán Ấn Độ cũng đã tổ chức sự kiện triển lãm du học Ấn Độ tại Việt Nam. Khi đó, có 13 trường đại học top đầu của Ấn Độ cùng tham gia triển lãm. Đây là cơ hội tốt để 13 trường đại học của Ấn Độ hợp tác và làm việc với các trường ở Việt Nam.
“Hy vọng trong những sự kiện giáo dục tới đây, Đại sứ quán Ấn Độ sẽ có dịp được mời lãnh đạo Hiệp hội và các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam tham dự”, bà Mini Kumam chia sẻ.
Cũng theo Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ, thực tế việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam với Ấn Độ vẫn còn hạn chế. Trước đây, hai nước đã có một số hợp tác như trong lĩnh vực nông nghiệp: như nghiên cứu giống lúa ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; nghiên cứu giống trâu, bò ở một số tỉnh phía Nam.... tuy nhiên sự hợp tác cũng chưa phát triển nhiều.
Bà Mini Kumam (ở giữa) giới thiệu Chương trình học bổng ngắn hạn ITEC tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, bà Mini Kumam giới thiệu Chương trình học bổng ngắn hạn ITEC của Chính phủ Ấn Độ. Đây là chương trình học bổng ngắn hạn dành cho cán bộ Việt Nam có độ tuổi từ 25-45 với tối thiểu 5 năm công tác và chưa từng đi Ấn Độ theo diện đài thọ nào của Chính phủ Ấn Độ.
“Các khóa học theo Chương trình học bổng ITEC được đài thọ hoàn toàn, từ vé máy bay quốc tế khứ hồi tới học phí, ăn, ở, sinh hoạt phí, tham quan ngoại khóa trong suốt thời gian học tại Ấn Độ”, bà Mini Kumam chia sẻ.
Ngoài chương trình học bổng ngắn hạn, bà Mini Kumam cũng giới thiệu trong buổi làm việc về Chương trình học bổng dài hạn ICCR.
“Tại Ấn Độ, hiện nền giáo dục rất phát triển và có chất lượng tốt, mức chi phí đào tạo hợp lý, nổi tiếng về lĩnh vực y, dược, và ngành kỹ thuật.
Với những chương trình học bổng của Ấn Độ đã trao đổi, chúng tôi mong Hiệp hội có thể chia sẻ thông tin tới các đơn vị thành viên, các trường đại học để lan tỏa, sinh viên biết đến chương trình nhiều hơn và đăng ký tham gia”, bà Mini Kumam kỳ vọng.
Lãnh đạo Hiệp hội trao đổi trong chương trình |
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, thực tế sinh viên Việt Nam ít sang Ấn Độ để học một phần do việc giới thiệu về nền giáo dục của Ấn Độ đặc biệt là trong giáo dục đại học ở cộng đồng sinh viên Việt Nam rất ít.
Thế mạnh của Hiệp hội khi có đơn vị trực thuộc là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ giúp lan tỏa, giới thiệu về giáo dục đại học của Ấn Độ. Tuy nhiên, để lan tỏa chương trình học bổng của Chính phủ Ấn Độ, Hiệp hội yêu cầu có thông tin cụ thể hơn, nhất là thông tin về hệ thống các trường đại học nổi tiếng, bảng xếp hạng các trường đại học của Ấn Độ.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, Ấn Độ có nhiều trường đại học mạnh về chip bán dẫn. Trong khi đó, hiện Việt Nam cũng đang định hướng phát triển sâu về lĩnh vực chip bán dẫn. Do đó, Tiến sĩ Khuyến mong muốn cần có những giới thiệu, trao đổi kỹ hơn về các trường đào tạo mạnh lĩnh vực chip bán dẫn, bên cạnh đó là lĩnh vực công nghệ sinh học của Ấn Độ.
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (bên phải) chia sẻ tại buổi làm việc |
Chia sẻ trong buổi làm việc, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho hay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là kênh thông tin đáng tin cậy về giáo dục ở Việt Nam, nhất là giáo dục đại học, cao đẳng. Trong thời gian ngắn của buổi làm việc cho thấy có nhiều thông tin về giáo dục đại học ở Ấn Độ cần giới thiệu và tìm hiểu thêm.
Do vậy, nhà báo Nguyễn Tiến Bình hy vọng tới đây sẽ có cuộc làm việc với bà Mini Kumam tại Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhằm mang đến giải pháp lan tỏa chương trình học bổng của Chính phủ Ấn Độ đến với nhiều người học.
Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chụp ảnh cùng bà Mini Kumam - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Ấn Độ và khách mời |