Ngày 4/1/2024, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị bổ sung luồng trung học hướng nghiệp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong văn bản, Hiệp hội nêu, báo cáo điều tra lao động và việc làm trong nhiều năm qua của Tổng Cục Thống kê cho thấy Việt Nam đang có đội ngũ lao động với cơ cấu trình độ rất bất hợp lý. Theo số liệu Thống kê năm 2021, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (50,561 triệu) thì 73,9% không có trình độ Chuyên môn - Kỹ thuật, 6,8% qua dạy nghề, 4,1% trung cấp, 3,6% cao đẳng và 11,7% đại học. Theo các chuyên gia kinh tế, cơ cấu nhân lực như vậy đương nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất lao động trung bình cũng như GDP của Việt Nam, gây trở ngại lớn đối với việc thực hiện mục tiêu để Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2020.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Để đảm bảo cho chủ trương “Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông” tại Nghị quyết 29-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và nhiều quốc gia khác thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho nghiên cứu để sớm bổ sung thêm luồng trung học hướng nghiệp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những ý tưởng chính như:
Thứ nhất, bên cạnh chương trình giáo dục trung học phổ thông như hiện tại (là luồng thứ nhất), cần bổ sung luồng thứ hai là trung học hướng nghiệp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian đào tạo 3 năm, gồm phần nội dung bắt buộc được lấy ra từ Chương trình trung học phổ thông 2018 cộng với phần bổ sung các môn học nghề (có thể lấy từ chương trình trung cấp nghề) vào các nội dung tự chọn của Chương trình phổ thông 2018 để mở ra cơ hội cho các trường trung học phổ thông chủ động xây dựng các “tổ hợp môn học” mang “định hướng nghề nghiệp” sâu hơn, đa dạng hơn.
Theo Hiệp hội, việc thực hiện theo hai luồng này đều do các trường trung học phổ thông thực hiện với sự quản lý nhà nước, hướng dẫn và phân công của Bộ Giáo dục Đào tạo. Phần nội dung tự chọn do các trường trung học phổ thông chịu trách nhiệm chủ trì, trên cơ sở phối hợp với các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp sản xuất cùng thực hiện.
Thứ hai, học sinh học luồng trung học hướng nghiệp khi thi tốt nghiệp phổ thông có thể chỉ phải thi vài môn bắt buộc. Bằng trung cấp (nghề) có thể thay cho vài môn thi tự chọn (tương tự như việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép học sinh được lấy Chứng chỉ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để thay cho kết quả môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Học sinh học luồng trung học phổ thông được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; học luồng trung học hướng nghiệp được cấp bằng trung học phổ thông hướng nghiệp (theo các nghề khác nhau). Cả hai loại bằng này đều có giá trị học vấn ngang nhau nên người học đều được quyền liên thông lên cao đẳng và đại học (theo các ngành đào tạo phù hợp) mà không cần phải học thêm nội dung bổ sung nào cả.
Riêng học sinh học luồng trung học hướng nghiệp khi tốt nghiệp được công nhận đạt chuẩn đầu ra của bậc 4 trung cấp tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, được quyền hành nghề phù hợp.
Hiệp hội cũng cho rằng cần phục hồi lại hệ cao đẳng chuyên nghiệp (đào tạo kỹ thuật viên) thuộc bậc giáo dục đại học để dạy trong các trường đại học định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng. Đặc biệt, Nhà nước kiên quyết xóa bỏ tệ “ngăn sông cấm chợ”: nếu các trường nghề hiện được quyền triển khai dạy khối kiến thức văn hóa trung học phổ thông thì các trường trung học phổ thông cũng được quyền dạy các chương trình trung cấp, với sự bảo đảm đủ điều kiện quy định; các trường đại học cũng phải được đào tạo các chương trình cao đẳng.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chúng tôi cho rằng nếu kiến nghị này được chấp nhận thì sẽ mở ra cơ hội lớn để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục – đào tạo.