HaUI tổ chức hội thảo, triển lãm tái sản xuất máy công nghiệp, xây dựng Hàn-Việt

31/10/2024 07:10
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp, xây dựng còn rất mới mẻ tại Việt Nam, nên cần có thêm chính sách và đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Ngày 30/10, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc; Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Hiệp hội Xúc tiến tái sản xuất thiết bị xây dựng công nghiệp Hàn Quốc tổ chức “Hội thảo và triển lãm về tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng Hàn Quốc - Việt Nam 2024”.

gdvn_20.JPG
Các đại biểu tham quan tại không gian triển lãm.

Hội thảo và triển lãm về tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng Hàn Quốc - Việt Nam 2024 được tổ chức nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu các sản phẩm tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng sang Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch hợp tác xây dựng ngành tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng giữa Hàn quốc - Việt Nam trong tương lai.

Tham dự Hội thảo, có các trường đại học tại Hàn Quốc, đại diện Tổ hợp công nghệ cao Kyengnam cùng 17 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực tái sản xuất, đại diện hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất công nghiệp, xây dựng.

Mở đầu sự kiện, đại diện các tổ chức, đơn vị Hàn Quốc và Việt Nam đã thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc, mở ra một chặng đường hợp tác đầy triển vọng trong lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng, góp phần vào sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

gdvn_1.jpeg
Đại diện các đơn vị, tổ chức cắt băng khai mạc triển lãm.

Hơn 20 gian hàng của các công ty sản xuất, chế tạo máy móc công nghiệp và xây dựng tiêu biểu của Hàn Quốc góp mặt tại buổi triển lãm.

Tại hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cho biết: “Thị trường khoa học công nghệ Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột biến trong thời gian vừa qua và đạt được những kết quả, dấu mốc quan trọng.

Theo đó, giai đoạn 2011-2023, lĩnh vực công nghiệp chế tạo luôn có tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Con số này đã cho thấy tiềm năng ứng dụng, chuyển giao tiến bộ công nghệ trong sản xuất công nghiệp và công nghiệp xây dựng đang rất phát triển tại Việt Nam. Đây cũng là điều kiện để nước ta tiếp tục thúc đẩy mua bán, giao dịch quốc tế.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành rất nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp. Đặc biệt, phải nhắc đến chính sách “Tăng trưởng xanh” với các giải pháp trọng tâm trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ để cải tiến các nguồn sản xuất theo hướng tiết kiệm, tiêu thụ hiệu quả”.

gdvn_6.jpeg
Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

“Qua sự ghi nhận thực tế, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, trong đó, có các đơn vị đến từ Hàn Quốc.

Trên cơ sở đó, hội thảo ngày hôm nay được tổ chức để tiếp tục thảo luận, trao đổi nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa 2 bên. Đặc biệt là sự hợp tác của các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, để tạo ra mô hình liên kết phát triển mới, cùng chia sẻ thị trường và cùng chung tay phát triển”, vị Phó Cục trưởng chia sẻ thêm.

Phát biểu tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nhấn mạnh, nhà trường là cơ sở giáo dục đại học uy tín tại Việt Nam với 126 năm truyền thống xây dựng và phát triển. Hiện nay, quy mô đào tạo của trường lên đến 35.000 sinh viên, học viên với 6 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 13 ngành thạc sĩ, 53 ngành đại học và 7 ngành đào tạo trình độ cao đẳng.

gdvn_5.jpeg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Vị Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Những năm qua, nhà trường đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ giảng viên tâm huyết, phương pháp giảng dạy tiên tiến và không ngừng đa dạng hóa phương thức đào tạo. Hằng năm, trường cung cấp cho thị trường lao động khoảng 10.000 cử nhân và kỹ sư chất lượng. Nhờ đó, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy và tạo được danh tiếng, thương hiệu trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Hiện nay, nhà trường đang hợp tác với hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước, đã được các tổ chức đầu tư về máy móc, thiết bị công nghệ. Trong đó phải kể đến các doanh nghiệp của Hàn Quốc điển hình như Samsung, LG, Hyundai….

Trong quá trình đào tạo, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thường được tiếp cận với máy móc, thiết bị do doanh nghiệp cung ứng. Bởi vậy sau khi tốt nghiệp, hầu hết tất cả sinh viên đều đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp”.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Bàn về thực trạng sửa chữa, tái sản xuất máy công nghiệp tại Việt Nam, Phó giáo sư Phạm Văn Đông cho hay, với định hướng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Việt Nam cần đầu tư về công nghệ, máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất.

“Do đó, có thể thấy rằng, nhu cầu về thị trường máy xây dựng và máy công nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng cao, đặc biệt là máy móc và thiết bị được cung cấp bởi các quốc gia phát triển thì càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Để đáp ứng nhu cầu cấp bách đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những quy định liên quan đến việc tái sử dụng máy công nghiệp như Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Quyết định này cho phép doanh nghiệp tại Việt Nam được nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phù hợp với quy định, quy chuẩn, kỹ thuật của Việt Nam, đảm bảo an toàn, tiết kiệm năng lượng cũng như bảo vệ môi trường.

Ngày nay, công nghệ rất hiện đại và thân thiện với môi trường, được ưu tiên sử dụng trong các lĩnh vực có khả năng tái sử dụng và kéo dài tuổi thọ sản phẩm hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, xu thế tất yếu mang tính toàn cầu.

Theo đó, việc nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp công nghệ trong việc phục hồi các tính năng kỹ thuật của thiết bị đã qua sử dụng tiếp tục được đưa vào khai thác...” - vị Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Nhiều năm qua các công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam đã sử dụng các máy thiết bị phục vụ cho sản xuất đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.

Theo đánh giá của Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách, đầu tư về công nghệ phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, cần đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Toàn cảnh "Hội thảo về tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng Hàn Quốc - Việt Nam 2024".

Toàn cảnh "Hội thảo về tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng Hàn Quốc - Việt Nam 2024".

Về phía đại diện đối tác tại Hàn Quốc, ông Kim Seongdeak - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sản xuất sạch Quốc gia đã có phần trình bày về “Các chính sách chủ chốt thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp Hàn Quốc. Theo đó, vị này đã chia sẻ những chính sách chiến lược và định hướng của Hàn Quốc trong việc phát triển ngành tái sản xuất, góp phần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy, Giáo sư Roh Younghwa - Đại học Quốc gia Changwon (Hàn Quốc) đã mang đến hội thảo những thông tin toàn diện về công nghệ tái sản xuất máy móc tiên tiến cũng những triển vọng trong ngành này tại Hàn Quốc.

gdvn_10.jpeg
Giáo sư Roh Younghwa trình bày tham luận tại hội thảo.

Trong khuôn khổ hội thảo, sau các bài tham luận chia sẻ của các đại biểu, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học của Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện ký kết biên bản thỏa thuận ghi nhớ, đặt nền móng cho các quan hệ hợp tác, phát triển trong tương lai giữa các bên.

gdvn_7.jpeg
Biên bản ký kết hợp tác được coi là cơ sở, nền móng cho sự đồng hành, gắn kết các bên trong tương lai.
gdvn_9.jpeg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ký biên bản ghi nhớ với Đại học Chosun (Hàn Quốc).

Xem thêm một số hình ảnh khác tại sự kiện:

gdvn_21.jpg
Đại biểu tham quan triển lãm.
gdvn_25.JPG
Các gian hàng triển lãm thu hút sự chú ý của cả sinh viên và giáo viên
Toàn cảnh khu triển lãm.

Toàn cảnh khu triển lãm.

gdvn_2.jpeg
ĐÀO HIỀN