Ngày 30/10, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng trượt vòng HĐGS ngành dù công bố 4 bài báo/tháng" nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Theo đó, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng là ứng viên phó giáo sư ngành Tự động hoá.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo lại không vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng giáo sư liên ngành để có tên trong danh sách ứng viên được Hội đồng giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024.
Sau khi đọc bài báo trên Tạp chí, nhiều độc giả mong muốn Tòa soạn tìm hiểu và thông tin rõ hơn về hướng nghiên cứu được thể hiện trong những bài báo quốc tế của Tiến sĩ Trần Trọng Đạo.
Công bố khoa học trích từ Kỷ yếu hội thảo quốc tế do trường tổ chức
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu được ở bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cho thấy, năm 2009, thầy Đạo nhận bằng tiến sĩ ngành Hoá và quy trình kỹ thuật, chuyên ngành Điều khiển học kỹ thuật tại Trường Đại học Tomas Batain Zlín, Cộng hòa Czech.
Tiến sĩ Trần Trọng Đạo chủ yếu nghiên cứu về điều khiển thông minh và điều khiển tối ưu trong các hệ thống kỹ thuật, thuật toán và tính toán tối ưu, truyền động điện, vật liệu kỹ thuật điện - điện tử, năng lượng tái tạo và ứng dụng.
Một trong những điểm đáng chú ý tại bản kê khai của Tiến sĩ Trần Trọng Đạo là có tới 4 bài báo khoa học được đăng liên tục trong cùng 1 tháng (tháng 3/2024). Trước đó 1 tháng (tháng 2/2024), Tiến sĩ Trần Trọng Đạo cũng có 1 bài báo khoa học được xuất bản: Bài báo “Minimize Total Cost and Maximize Total Profit for Power Systems with Pumped Storage Hydro and Renewable Power Plants Using Improved Self-Organizing”, đăng tải trên Tạp chí Kỹ thuật và Khoa học Công nghệ - Journal of Engineering and Technological Sciences.
Như vậy, chỉ tính tháng 2 và tháng 3 năm 2024, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có 5 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế. Trong đó, có 2/5 bài báo do Tiến sĩ Trần Trọng Đạo là tác giả chính.
Đáng nói, 3/5 bài báo khoa học xuất bản trong năm 2024 của Tiến sĩ Trần Trọng Đạo là các báo cáo khoa học được trích từ Kỷ yếu AETA 2022 - Kỷ yếu Hội thảo “Các giải pháp công nghệ tiên tiến: Lý thuyết và ứng dụng” lần thứ 7, do Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức.
Được biết, Hội thảo “Các giải pháp công nghệ tiên tiến: Lý thuyết và ứng dụng” lần thứ 7 về phía Trường Đại học Tôn Đức Thắng do Tiến sĩ Trần Trọng Đạo - Hiệu trưởng giữ vị trí Chủ tịch danh dự, Tiến sĩ Võ Hoàng Duy - Phó Hiệu trưởng giữ vai trò đồng Chủ tịch, Tiến sĩ Đồng Sĩ Thiên Châu - Phó Hiệu trưởng giữ vai trò đồng trưởng ban tổ chức và Tiến sĩ Trần Thanh Phương (Phụ trách Khoa Điện - Điện tử) là đồng chủ tịch chuyên môn.
Được biết, Kỷ yếu AETA 2022 được xuất bản trong bộ sách Lecture Notes in Electrical Engineering (LNEE, tập 1081) của Nhà xuất bản Springer, và được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu ISI Proceedings, EI-Compendex, SCOPUS, MetaPress và Springerlink.
Hội thảo AETA do Trường Đại học Tôn Đức Thắng sáng lập và tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Đến nay, hội thảo này được duy trì tổ chức định kỳ. Tiến sĩ Trần Trọng Đạo cũng đồng thời là thành viên Ban biên tập (Editor Board) cho các kỷ yếu của hội thảo này (gồm AETA 2016, AETA 2017, AETA 2018, AETA 2019, AETA 2022).
3 báo cáo khoa học được trích từ Kỷ yếu AETA 2022 của Tiến sĩ Trần Trọng Đạo
1, Load Frequency Control Based Anfis for Hybrid Power Systems Under Deregulated Environment (công bố tháng 3/2024)
Tác giả thực hiện: Tran Trong Dao & Tai Pham Nhat
2, Apply the Metaheuristic Algorithm to Allocate Distributed Generation and Minimize the Cost of Energy Losses in the Distribution System (công bố tháng 3/2024)
Tác giả thực hiện: Tai Thanh Phan & Tran Trong Dao
3, Self-organizing Migrating Algorithm (SOMA) for Pumped-Storage Hydrothermal System Scheduling (công bố tháng 3/2024)
Tác giả thực hiện: Tan Minh Phan & Tran Trong Dao
Cộng sự trong các bài báo trên của Tiến sĩ Trần Trọng Đạo là giảng viên Khoa Điện - Điện tử hoặc thành viên nhóm Nghiên cứu tối ưu hóa hệ thống điện (PSO), Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Được biết, nhóm nghiên cứu tối ưu hóa hệ thống điện (PSO) được thành lập vào đầu năm 2015 bởi Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Nhóm tập trung vào các thuật toán meta-heuristic nhằm mục đích vận hành tối ưu các hệ thống điện như vận hành tối ưu nhiều nhà máy nhiệt điện, vận hành tối ưu nhiều nhà máy thủy điện và nhiệt điện, lưu lượng công suất tối ưu.
Liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa: 15 ứng viên GS, PGS không đủ điều kiện
Năm 2024, liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa có 49 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Kết quả, tại vòng đánh giá của Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa, 34/49 ứng viên được thông qua, 15 ứng viên không đủ điều kiện. Như vậy, tỷ lệ đạt khoảng gần 70%.
Tiến sĩ Trần Trọng Đạo sinh năm 1981, quê ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, và bắt đầu công tác tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ năm 2010 đến nay. Thầy Đạo bắt đầu với vị trí là giảng viên Khoa Công nghệ thông tin và Toán ứng dụng, rồi trải qua vị trí Phó trưởng Phòng Đào tạo; Trưởng phòng Khoa học công nghệ, hợp tác và sau đại học, lãnh đạo một số viện trong trường.
Tháng 11/2015, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng, và sau đó được giao quyền hiệu trưởng (từ cuối tháng 4/2021).
Sau hơn một năm giữ cương vị quyền hiệu trưởng, từ ngày 16/11/2022, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo chính thức đảm nhận vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (nhiệm kỳ 2021-2026). Lúc này, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo 41 tuổi.
Theo thông tin công bố trên website, tính đến năm 2023, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có khoảng gần 950 giảng viên cơ hữu với hơn 23.500 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh (số liệu từ báo cáo 3 công khai).
Hướng đến trở thành đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế là mục tiêu phát triển của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Trong những năm qua, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là cũng một trong những cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thường xuyên có tên trong các bảng xếp hạng đại học trên thế giới. Hiện, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp thứ 711-720 trong bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới theo QS World University Rankings 2025; Và xếp thứ 601-800 trong bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới theo THE World University Rankings 2024. Trong đó, chỉ số trích dẫn (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) là một trong các tiêu chí phổ biến của các bảng xếp hạng đại học trên thế giới. Đến nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có hơn 11.000 công bố trên các tạp chí ISI/Scopus.