Tại buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội, một số địa phương trên địa bàn thành phố đã chia sẻ những khó khăn liên quan đến bài toán đội ngũ, cơ sở vật chất trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chia sẻ cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, bà Bùi Thị Thu Hằng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng đánh giá cao những điểm mới, tích cực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, chương trình mới đã giao quyền chủ động cho các cơ sở nhiều hơn và tạo được nhiều chuyển biến tích cực cho giáo dục.
Song, bà Hằng cũng chia sẻ một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến vấn đề đội ngũ.
Buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Thế Đại |
“Như năm nay, chúng tôi tuyển giáo viên môn Tin học thì không có ứng viên dự thi vì nguồn tuyển không có, một số môn học cũng thiếu nguồn tuyển.
Điều này buộc chúng tôi phải lựa chọn giải pháp là điều động giáo viên cơ hữu. Ủy ban nhân dân huyện cũng giao cho phòng giáo dục và đào tạo cơ động điều chuyển giáo viên. Nếu trường này thiếu giáo viên Tin học thì có thể kết nối với trường khác trên cùng địa bàn, phân công san sẻ giáo viên (còn dư tiết dạy).
Khi giáo viên dạy ở trường khác là có sự điều chuyển, chúng tôi giao quyền cho hiệu trưởng phân công nhiệm vụ”, bà Hằng cho biết.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng cho biết, tỷ lệ đạt chuẩn của giáo viên tiểu học trên địa bàn huyện xấp xỉ 80%, giáo viên trung học cơ sở khoảng 90%. Còn lại hơn 100 giáo viên cả hai cấp học này chưa đạt trình độ chuẩn, hiện tại đang đi học bồi dưỡng. Kinh phí đào tạo do giáo viên tự túc và các giáo viên đều có nguyện vọng mong muốn học để nâng chuẩn.
Đối với việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp, phòng giáo dục và đào tạo giao cho nhà trường, các trường cấp một phần kinh phí để hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, ngân sách nhà nước không hỗ trợ cho hoạt động này. Theo đó, có trường hỗ trợ 2 triệu đồng/giáo viên, có trường hỗ trợ 3 triệu đồng/giáo viên.
Áp lực sĩ số, thiếu giáo viên dẫn tới chất lượng khó đảm bảo
Trao đổi với đoàn giám sát, bà Phạm Thị Hòa – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông cũng đánh giá cao những điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và khẳng định lãnh đạo quận tạo điều kiện để triển khai chương trình một cách tốt nhất.
Song, với một địa bàn tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, quy mô giáo dục lớn nên quận Hà Đông cũng đang gặp một số khó khăn liên quan đến đội ngũ giáo viên.
Bà Phạm Thị Hòa – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông. Ảnh: Thế Đại |
Theo bà Hòa, năm nay quận thiếu khoảng 700 giáo viên, năm trước triển khai chương trình mới cũng thiếu 1000 giáo viên.
Mỗi năm, quận tuyển sinh tăng từ 5000 - 7000 học sinh, kéo theo đó là đặt ra những bài toán về quy hoạch quỹ đất, kinh phí, đội ngũ giáo viên,… Khi xây dựng thêm trường phải tính đến việc đáp ứng về đội ngũ giáo viên, liên quan đến kinh phí phân bổ ngân sách hàng năm cho các trường cũng khó khăn.
“Bên cạnh đó, do tăng dân số cơ học nên sĩ số lớp học không đảm bảo theo được yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhóm trẻ rất đông cháu. Thiếu giáo viên quá nhiều thì chất lượng cũng khó được đảm bảo.
Năm ngoái quận Hà Đông thiếu 1000 giáo viên nhưng chỉ được giao 70 chỉ tiêu và quận cũng chỉ tuyển được 60 giáo viên. Vì thế, chúng tôi hướng đến giải pháp hợp đồng, nhưng hợp đồng thì lương thấp nên rất khó để thu hút được giáo viên giỏi cho các trường, đây là vấn đề nan giải hiện nay”, bà Hòa chia sẻ.
Về chuẩn giáo viên, toàn quận còn 500 giáo viên đang tiến hành thực hiện nâng chuẩn theo đúng quy định. Dự kiến theo kế hoạch, đến năm 2025 sẽ nâng chuẩn 100% đội ngũ.
Về cơ sở vật chất, giai đoạn 2018 - 2022, Ủy ban nhân dân quận đã đầu tư xây dựng 15 trường mới, bao gồm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Thêm được 238 trường học có đầy đủ các bộ môn và phòng chức năng và kinh phí đầu tư là 902,4 tỷ,...
Giai đoạn năm 2021- 2025, quận dự kiến đầu tư thêm 48 dự án giáo dục với tổng kinh phí 1226 tỷ đã thông qua Hội đồng nhân dân.
Về đầu tư cho trang thiết bị, bà Hòa cho biết, không phải quận huyện nào cũng nhận được nguồn đầu tư cho trang thiết bị, quận Hà Đông cũng không phải địa bàn thu được ngân sách cao, vì vậy phải phân theo lộ trình, trang thiết bị nào cần thiết thì ưu tiên trước. Quận cũng phân cấp đến Hiệu trưởng từ đầu năm chủ động mua sắm thiết bị theo danh mục của Bộ đã ban hành. Mỗi năm quận Hà Đông dành 2 tỷ đồng để ngành giáo dục mua sắm trang thiết bị.
Bà Phạm Thị Hòa kiến nghị, để thực hiện tốt chương trình giáo dục mới, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lắng nghe quá trình thực hiện từ thực tiễn, cần thiết thì điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn sao cho hiệu quả, chất lượng.
Trên hành trình đổi mới này, cần xác định từng vấn đề trọng tâm, cấp bách, cần thiết trong từng giai đoạn. Về quản lý nhà nước, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất là trách nhiệm của chính quyền, còn vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học thì ngành giáo dục phải coi trọng chất lượng đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý, phân cấp ủy quyền đảm bảo công bằng, khách quan, chống lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện.
Giải trình tại buổi giám sát chuyên đề, ông Nguyễn Chí Đoàn – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, bài toán về biên chế không phải câu chuyện của riêng ngành giáo dục mà là của tất cả các ngành.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, đến năm 2021, biên chế hưởng lương từ ngân sách của sự nghiệp giáo dục phải giảm 10% so với năm 2016 và đến năm 2026 thì giảm tiếp tục 10% so với năm 2021. Như vậy, tính toán cơ học là phải trừ.
Năm 2023, biên chế sự nghiệp giáo dục tiếp tục giảm so với năm 2022.
Năm 2020, Chính phủ đã có Nghị quyết 102 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Sở Nội vụ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo nguồn thu sự nghiệp của mình, từ đó tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy theo đúng quy định.
Năm 2021, sở đã tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phân cấp việc quản lý tổ chức bộ máy, về biên chế, về con người đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có ngành giáo dục.
Đối với công tác cán bộ, quản lý lãnh đạo, sở cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định 16 về điều kiện tiêu chuẩn, quy trình, trình tự thủ tục để tiến hành thực hiện công tác bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quản lý.
Sở Nội vụ cũng đã thường xuyên đôn đốc các phòng giáo dục, phòng nội vụ tích cực tham mưu cấp ủy, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã để thực hiện tốt Quyết định 25 và Quyết định 16 của Ủy ban nhân dân thành phố về lĩnh vực quản lý tổ chức bộ máy cũng như đề bạt bổ nhiệm cán bộ công chức viên chức.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cũng đề xuất xây dựng cơ chế để khuyến khích việc hình thành các đơn vị cơ sở giáo dục tư thục. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể thêm cho các bộ ngành về vị trí việc làm theo lĩnh vực quản lý của các bộ chuyên ngành.
Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết, về đảm bảo kinh phí theo lộ trình hằng năm để thực hiện theo kế hoạch thành phố ban hành về việc thực hiện chương trình mới, sở đã tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố để bố trí kinh phí triển khai thực hiện chương trình mới theo đúng quy định.
Về kinh phí cho trang thiết bị, quận huyện nào khó khăn thì cần có đề xuất để thành phố quan tâm bố trí kinh phí triển khai, sở tài chính phối hợp thường xuyên để triển khai thực hiện.
Trong những năm tiếp theo, trên cơ sở đề xuất của các sở giáo dục và các cấp học, sở tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố để bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện chương trình mới.